Đều đặn, cứ vào Tết Trung thu, chị Thúy (Tân Cương, Thái Nguyên) lại tấp nập làm trà đinh để gửi cho khách. Đây vốn là một trong những sản vật mà giới thượng lưu săn lùng ráo riết.
"So với các loại trà thông thường, trà đinh có hương vị thơm ngon đặc biệt. Khách chỉ cần nhấp môi là có thể cảm nhận được vị ngọt thanh khó cưỡng. Hơn nữa, dòng trà này càng uống càng thơm, lưu hương khắp chốn" - chị chia sẻ.
Trà đinh có giá vô cùng đắt đỏ, dao động 3 - 5 triệu đồng/kg |
Theo chị Thúy, hành trình sản xuất trà đinh vô cùng cầu kỳ từ thu hái cho đến khâu sản xuất. Nếu trà thường được hái theo kiểu 1 tôm 2 lá thì trà đinh chỉ hái phần đinh duy nhất ở búp hay còn gọi là tôm nõn.
Khi trà hái về không sao ngay mà phải hong khô trên giá tầm 30-45 phút để loại bỏ sương đêm. Các máy vò, máy sao, dụng cụ chế biến luôn được thiết kế chuyên biệt để phù hợp với búp trà.
Do đó, giá thành của trà đinh luôn nằm ở mức cao ngất ngưởng, dao động từ 3 - 5 triệu đồng/kg. "Có thời kỳ, giá trà đinh còn vượt cả vàng bởi độ đắt đỏ và quý hiếm. Đặc biệt vào những dịp lễ Tết, khách phải xếp hàng, đặt đơn trước nhiều ngày".
Thời gian, công sức để làm ra 1 kg trà đinh sẽ tương ứng với 10kg trà thường |
Là một tín đồ của trà đinh chính hiệu, anh Trọng Tùng (Hà Nội) đều đặt mua loại "vàng ròng" này về thưởng thức. Riêng mùa Trung thu năm nay, anh mua 1kg trà đinh với giá 5 triệu đồng/kg về uống cùng với bánh.
"Ăn bánh trung thu mà không uống trà thì quả thật quá phí trong những ngày se lạnh. Bởi vị ngọt của bánh mà không có vị thanh, chát của trà thì rất dễ ngán, không tài nào mà ăn nổi" - anh nói.
Anh cho biết, hiện nay, trên thị trường có khá nhiều loại trà, cả kể trà nhập khẩu nhưng ngon nhất vẫn là trà đinh Tân Cương (Thái Nguyên). Bởi ở vùng này có chất đất, khí hậu đặc biệt làm cho cây trà có độ thơm ngon hiếm có, mà khó nơi nào có được.
"Do có giá thành đắt đỏ nên dòng trà này hay bị làm giả, làm nhái. Nên có thời gian, tôi thường đánh xe đến tận nơi để mua cho yên tâm. Bởi 5 triệu đồng không phải là một số tiền nhỏ" - anh Tùng tâm sự.
Để trà luôn được bảo quản trong điều kiện tốt nhất, anh thường dùng hộp có giấy bạc để đựng. Khi pha, anh dùng thìa hoặc muôi gỗ để múc, tránh tiếp xúc bằng tay.
Trà và bánh là 2 đặc sản không thể thiếu trong mùa Trung thu.g |
Tương tự, chị Bảo Hương (Đống Đa, Hà Nội) cũng dành ra 3 triệu đồng để mua 1 cân trà đinh biếu bố mẹ trong dịp Trung thu. Chị chia ra làm 2 gói nhỏ, mỗi gói 500g để gia đình tiện uống.
Theo chị Hương, tìm được trà ngon đã khó thì kiếm được thợ làm trà chuẩn lại càng khó hơn. Bởi công đoạn chế biến trà đinh rất kén người, yêu cầu thợ phải có kinh nghiệm, tay nghề cao và am hiểu về trà đạo. Nhất là trong lúc sao sấy, nếu để non lửa, trà sẽ có mùi ngái, nước đục còn để già lửa sẽ dẫn đến hiện tượng nước đỏ, mùi khét.
"Với tôi, trà ngon phải đạt các tiêu chuẩn là nhất nước nhì hương. Nước khi pha phải có màu xanh trong tự nhiên, hương thơm ngào ngạt. Mới nếm có vị chát nhưng càng về sâu trong cuống họng lại có vị ngọt đậm đà" - chị kể.
(Theo Dân Trí)