Việc luôn nhắc nhở chính mình về sự hữu hạn của đời người cũng có thể tạo ra tác động tích cực, một nghiên cứu mới đây tuyên bố.
Việc nghĩ về cái chết thường xuyên có thể sẽ đem lại tác động tích cực? |
Dựa trên một lý thuyết có tên “Kiểm soát hoảng sợ”, các nhà khoa học tin rằng, việc ý thức rõ về sự không tránh khỏi của cái chết sẽ tạo động lực để con người hướng tới các đức tin văn hóa, và hệ quả là đời sống tinh thần của họ sống động hơn, giàu ý nghĩa hơn. Trong nhiều trường hợp, con người sẽ nhận ra những thứ còn lớn lao hơn chính bản thân mình, chẳng hạn như quốc gia hay tôn giáo.
Theo LiveScience, hầu hết các nghiên cứu trước đây về lĩnh vực này đều chỉ tập trung vào những hậu quả tiêu cực của việc thường xuyên nghĩ tới cái chết. Chẳng hạn như gia tăng tính thù địch giữa những người có niềm tin và giá trị sống khác nhau, kích thích bạo lực và tiếp tay cho nạn phân biệt chủng tộc.
Thế nhưng chuyên gia Kenneth Vail, Đại học Missouri (Mỹ) tin rằng, cũng có những bằng chứng cho thấy học thuyết kiểm soát sợ hãi có cả tác động tích cực. Lấy thí dụ, những sự kiện như vụ tấn công khủng bố 11-9 đã tạo ra cả tác động tiêu cực lẫn tích cực về mặt tâm lý trong cộng đồng.
“Các phương tiện truyền thông và giới học thuật đều chỉ tập trung vào phản ứng tiêu cực của con người trước hành động khủng bố, thế nhưng nghiên cứu của chúng tôi nhận thấy, mọi người còn thể hiện sự hy vọng, tình người, lòng biết ơn và sự lãnh đạo ở cấp độ cao sau ngày 11/9”, ông Vail cho biết.
Việc ý thức về cái chết cũng khiến mọi người quan tâm hơn tới sức khỏe của mình, tái ưu tiên những mục tiêu cá nhân, trong khi suy nghĩ vô thức về cái chết có thể thúc đẩy con người hướng tới những chuẩn mực và niềm tin tích cực, xây dựng các mối quan hệ tích cực, các tác giả khẳng định.
Y Lam