Cả Hà Nội và TPHCM đều đang trải qua những ngày nắng nóng gay gắt với mức nhiệt cao. Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, nhiều nơi ở Hà Nội trong những ngày qua có nhiệt độ cao nhất từ 38 - 40 độ, có nơi trên 40 độ.
Với cái nóng như đổ lửa, việc "giam mình" trong các phòng điều hòa mát lạnh, bật quạt, đóng kín cửa, che chắn nắng,... được xem là những biện pháp cơ bản để chống nóng hiệu quả.
Tuy nhiên, theo nhiều khuyến nghị của các chuyên gia, nếu trời càng nắng nóng, thì chúng ta cũng phải bật điều hòa ở mức nhiệt cao hơn bình thường. Tại sao lại có cách sử dụng nghe rất "nghịch lý" này?
Điều hòa dễ hỏng
Các dòng điều hòa thông thường chỉ chịu được công suất khi ngoài trời đạt từ 40-42 độ C. Nếu ngoài trời đạt nhiệt độ cao hơn mức đó thì điều hòa sẽ chạy mãi mà không tới được mức nhiệt yêu cầu. Từ đó, khiến điều hòa chạy liên tục mà không được nghỉ ngơi, lâu dài sẽ dẫn tới hỏng.
Điều này là hệ quả thực tế bắt nguồn từ tâm lý người ta khi trời càng nóng thì càng muốn vào phòng mát hơn. Do đó rất nhiều người tại gia đình hoặc văn phòng để nhiệt độ thấp, từ 16-20 độ C. Và đây càng là lý do khiến điều hòa dễ hỏng.
Trời nắng nóng, ai cũng mệt mỏi, rệu rã, và ngay cả những thiết bị làm mát cũng vậy. Chúng luôn phải hoạt động "hết công suất" để phục vụ cho gia đình bạn. Do đó, để những "gã hầu cận" này làm tốt nhiệm vụ của mình, chúng ta cũng cần cho chúng hoạt động ở một chế độ phù hợp.
Theo đó, một lưu ý quan trọng khi sử dụng điều hòa trong mùa hè đó là nếu trời càng nóng, thì chúng ta càng phải đặt ở mức nhiệt cao. Nếu nhiệt độ lên trên 40 độ C, thậm chí chúng ta nên điều chỉnh điều hòa ở mức 28-30 độ.
Tốn điện
Lốc điều hòa, hay còn gọi là block điều hòa - là bộ phận máy nén điều hòa bên trong hệ thống làm lạnh mà chiếc điều hòa nào cũng có. Bộ phận này có tác dụng hút gas từ dàn lạnh để nén sang dạng lỏng ở dàn nóng.
Vào những ngày nắng nóng cao điểm, nếu chúng ta để nhiệt độ quá thấp, điều hòa sẽ phải hoạt động liên tục để đảm bảo công suất, không có quãng nghỉ, dẫn tới tiêu tốn điện năng gấp nhiều lần so với bình thường.
Khi nhiệt độ yêu cầu không chênh lệch quá cao so với môi trường, điều hòa sẽ hoạt động ở công suất vừa phải, có những quãng nghỉ, và cũng sẽ bền lâu hơn.
Sốc nhiệt
Thói quen chỉnh nhiệt độ thấp không chỉ gây hại cho những chiếc điều hòa, mà ngay cả đối với chính sức khỏe của gia đình bạn. Trong đó hay gặp nhất là tình trạng sốc nhiệt.
Hiện tượng sốc nhiệt dễ xảy ra khi từ bên ngoài trời nắng nóng đột ngột vào phòng điều hòa mát lạnh, hoặc từ trong nhà bước ra ngoài mặt đường. Bên cạnh đó, sốc nhiệt còn dễ xảy ra khi bước lên xuống xe ô tô có điều hòa, với nhiệt độ ngoài trời có thể lên đến 39 độ C.
Biểu hiện của sốc nhiệt đó là người bị nhẹ thì choáng váng, đau đầu, buồn nôn, cảm lạnh, nghẹt mũi, viêm họng nặng hơn thì xuất hiện ảo giác, sốt cao, tim đập nhanh, huyết áp hạ...
Nghiêm trọng nhất là người bị sốc nhiệt có thể bị ngột thở, đột quỵ gây nguy hiểm đến tính mạng.
(Theo Dân Trí)
Điều hòa ô tô không mát: Nguyên nhân và cách khắc phục thế nào?
Sau một thời gian sử dụng, điều hòa nhiệt độ trên ô tô có thể gặp nhiều lỗi hỏng hóc gây kém mát hoặc không mát do nhiều nguyên nhân.