- Chúng tôi bước vào ngôi nhà dành cho khách thuê trọ trên đường Hoàng Hưng (P. An Lạc A, Q. Bình Tân, TP.HCM). Một người đàn ông đứng tuổi trên lưng cõng một đứa trẻ đang lần mò từng bậc cầu thang xuống đất. Nhìn thấy chúng tôi, ông nói lớn: "Mình ra quán cà phê phía trước nói chuyện. Tôi ở trên tầng 3 lên xuống khó khăn lắm..."

Nỗi đau... hoàng tộc

"Vợ chồng tôi từ Cần Thơ đưa cháu lên đây chạy chữa 9 tháng rồi. Hàng ngày, cháu được các thầy thuốc ở phòng mạch gần đây bấm huyệt. Cháu đỡ nhiều lắm. Nếu trước đây cháu chỉ năm ngửa suốt ngày trên giường thì nay cháu đã tự ngồi được..."

Vừa cùng vợ đỡ con ngồi lên ghế đá, ông bắt đầu câu chuyện. Ông là Nguyễn Phước Bảo Tài, 52 tuổi, con trai út của hoàng tử Vĩnh Giu và là cháu nội của cựu hoàng Thành Thái, vị vua thứ 10 của triều đại nhà Nguyễn.

{keywords}
Bàn thờ Vua Thành Thái, hoàng phi Chí Lạc và hoàng tử Vĩnh Giu tai nhà ông Bảo Tài ở Cần Thơ (ảnh: Motthegioi.vn)

Vua Thành Thái lên ngôi năm 1889 là một trong 3 vị vua yêu nước, sau Hàm Nghi và trước Duy Tân. Ngay khi tại vị, vua Thành Thái đã tỏ ra thái độ chống Pháp nên thực dân Pháp đã truất ngôi và lưu đày sang đảo Reunion - một hòn đảo nhỏ thuộc Ấn Độ Dương.

Sau 31 năm lưu đày, năm 1947 nhà vua cùng gia đình được người Pháp cho về lại VN. Về lại cố hương, nhà vua được ở tại Vũng Tàu nhưng các hoàng tử bị phân tán đi khắp nơi. 

Hoàng tử Vĩnh Giu - 1 trong 9 người con của Vua Thành Thái và hoàng phi Chí Lạc - bị người Pháp đưa về Cần Thơ làm ngành công chánh (cầu đường). Tại Cần Thơ, năm 1951, hoàng tử Vĩnh Giu kết hôn với bà Lý Ngọc Hóa sinh ra 7 người con - trong đó Nguyễn Phước Bảo Tài là đứa con trai út.

{keywords}
Vua Thành Thái (ảnh: wikipedia)

Ngồi trước mặt chúng tôi là hoàng tôn Bảo Tài - một người đàn ông rất đỗi bình dị. Ông có gương mặt hiền lành phúc hậu. Ông nói nhiều về đứa con mình hơn là nói về gia thế...

Chúng tôi có tìm hiểu thêm, ông kể lại. Cha ông, hoàng tử Vĩnh Giu rất nghiêm khắc. Ông chỉ thỉnh thoảng được cha kể lại quá khứ và những lần như vậy ông đều ghi nhớ rất rõ.

Sau khi về đến Cần Thơ người Pháp luôn gây khó khăn cho cha tôi. Ông làm làm rất nhiều nghề để mưu sinh và cũng chính vì vậy mà các anh em tôi không ai được học hành lên cao.

{keywords}
Ông Bảo Tài

Đến năm 1964, tôi được sinh ra. Cha tôi khá vất vả để nuôi mấy anh em tôi lớn lên. Tôi làm nhiều nghề phụ với cha. Đến năm 1975, cha tôi sống hẳn với nghề sửa xe đạp. Còn tôi lại phải lang thang khắp nơi bán vé số phụ vào thu nhập ít ỏi nhưng đầy mồ hôi của cha.

Cuộc sống cứ như thế trôi qua. Cho đến năm 2005, một hôm, một người khách bất ngờ đến thăm. Cha tôi cũng hết sức bất ngờ không thể nghĩ rằng người khách đó lại là cựu thủ tướng Võ Văn Kiệt.

Chứng kiến cuộc sống vô cùng khó khăn của cha con tôi, ông Kiệt rất xúc động đã can thiệp với chính quyền TP. Cần Thơ tặng cho ngôi nhà tình nghĩa và giúp đỡ công ăn việc làm cho chúng tôi. Tôi được tặng một xe gắn máy. Nhờ vậy tôi mới có điều kiện sinh sống bằng nghề xe ôm.

2 năm sau, năm 2007 cha tôi qua đời. Đám tang được tổ chức ấm cúng, trang trọng trong chính ngôi nhà tình nghĩa này.

Mong chữa lành bệnh cho công nương

Rít một hơi thuốc, ông Bảo Tài ngưng câu chuyện. Dường như ông xúc động mạnh. Cả một dĩ vãng vàng son nhưng đau buồn hiển hiện trước mắt ông. 

Một chốc thoáng qua, ông nói tiếp: "Những chuyện ấy đã thuộc về dĩ vãng rồi có níu kéo cũng không được. Mình nên nhìn về tương lai. Tôi lấy vợ năm 2004 lúc đó đã 40 tuổi rồi. 2 năm sau mới sinh ra cháu Thanh Tuyền nhưng cháu không bình thường ngay từ lúc chào đời.

{keywords}
Bé Thanh Tuyền và mẹ

Theo kết quả sau nhiều lần khám bệnh, cháu bị liệt hệ thần kinh số 9. Trí óc rất sáng suốt, có biểu hiện thông minh nhưng tứ chi không hoạt động được. Cháu chỉ nằm ngửa một chỗ và mọi động tác khác đều phải nhờ vào sự trợ giúp từ bên ngoài.

Tháng 3/2015 được nhiều người mách bảo, chúng tôi đưa cháu về khu vực này để chạy chữa theo phương pháp bấm huyệt. Nhờ vậy, đến nay cháu đã tự ngồi được. Một tín hiệu đáng mừng.

{keywords}
Mang dép cho con

Bé Tuyền gọi chính xác theo ngôi thứ hoàng tộc, công nương Thanh Tuyền đã 10 tuổi. Bé có làn da trắng, khuôn mặt bầu bĩnh và đôi mắt đen nhánh. Bé ngồi bên mẹ. Hai tay thõng xuống. Đôi chân bé đong đưa vô định...

Chúng tôi sẽ già đi có nghĩa là cháu sẽ lớn. Chúng tôi rất ái ngại, lo lắng cho con một khi cha mẹ không còn cháu không tự lo cho bản thân mình được là một điều bất hạnh. Vì thế, bằng mọi giá chúng tôi phải tìm cách chữa trị cho cháu.

Sau nhiều năm lao động vất vả, chúng tôi cũng có dư chút ít. Số tiền này so ra không bõ bèn gì khi sống tại đất Sài Gòn này. Ban đầu chúng tôi còn thuê phòng ở tầng trệt nhưng gần đây phải chuyển lên tầng 3 cho rẻ hơn. 

Vì thế, bé Tuyền khi thì mẹ khi thì cha buổi sáng cõng xuống cho đi chữa bệnh rồi đến trường học. Bé học rất giỏi, thông minh chỉ đôi tay không viết được. Hiện cháu có thể sử dụng các loại điện thoại và laptop một cách thành thạo. 

{keywords}
Cha dìu con từng bước

Cô giáo góp ý, giá như cháu có cái ipad để tự ráp chữ thì hay quá. Nhưng hiện nay, bệnh của cháu cần điều trị dài ngày nên chúng tôi phải tìm việc để mưu sinh. Một công ty xây dựng thu nhận cả 2 vợ chồng vào làm phụ hồ với mức lương 200.000 đ/ngày/người nhưng công việc không đều nên thu nhập cũng chỉ đủ qua bữa lấy đâu mà sắm ipad cho con?

Ông đưa mắt âu yếm nhìn con. Đứa bé mấp máy môi nói một điều gì đó. Ông trả lời: "Hôm nay ba chưa rảnh, vài hôm nữa đi". Thì ra cháu xin ba đi Thảo Cầm Viên. Phải nói thế chứ thật ra tốn kém quá. Một lần cả nhà đi cũng phải mất mấy trăm trong khi phải chắt chiu từng đồng. Hiện tháng này là tháng thứ 3 chưa trả tiền nhà trọ. Cũng may, ông chủ nhà trọ cảm thông.

Cha tôi mất đã gần 10 năm mà tôi chưa một lần về thăm. Nỗi ao ước của chúng tôi chỉ mong tứ chi cháu hoạt động được để tự chăm sóc cho mình nên cũng tôi kiên trì chạy chữa cho cháu. Thêm vào đó nếu có điều kiện được một lần về Huế viếng lăng ông nội, thăm mộ phụ thân thì thật vô cùng mãn nguyện.

Nhìn gia đình ông ai dám nghĩ rằng đây là gia đình hoàng tộc. Ông nói với chúng tôi, đó là quá khứ chỉ để thoáng một chút tự hào. Cái chính bây giờ là cuộc sống, phải sống cho ra người để không buồn lòng tổ tiên. Chúng tôi nghèo nhưng chưa làm một điều gì thẹn với lương tâm.

Chúng tôi từ biệt ông bà ra về. Một phong lì xì gọi là lộc năm mới cho bé Tuyền. Mẹ bé đỡ bé đứng lên nhắc tay bé cầm lấy. Bé nói một hơi dài. Mẹ bé phiên dịch lại: "Con cám ơn bác, chúc bác năm mới sức khỏe".

Bé được dắt ra ngoài để dìu đi vài bước. Chúng tôi dõi mắt nhìn theo. Chỉ vài bước là phải lên lưng cha để về phòng. Hoàng tôn cõng công nương...một chút xót xa.

Trần Chánh Nghĩa