Nhận cọc rồi "xù tiền" 

Công an huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An vừa bắt giữ Phạm Văn Quang - trú tại xã Nghi Lâm, huyện Nghi Lộc - theo đơn tố giác của các nạn nhân. Vào đầu tháng 9/2022, Quang đã sử dụng nhiều tài khoản mạng xã hội để rao thanh lý lượng lớn bàn ghế với giá sỉ. Nhiều người thấy giá rẻ, liền liên hệ đặt mua. Quang yêu cầu khách chuyển tiền cọc bằng 10% giá trị lô hàng. Sau khi nhận được tiền cọc, Quang xóa tin nhắn, chặn liên lạc Facebook và Zalo, chiếm đoạt tổng cộng trên 500 triệu đồng. 

Một số đơn tố cáo bà T. - ẢNH: BẠN ĐỌC CUNG CẤP
Một số đơn tố cáo bà T. - Ảnh: BĐCC

Vào tháng 8/2022, Công an tỉnh Thanh Hóa cũng bắt giữ Cao Thị Huyền Trang - trú tại quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội - về hành vi lừa đảo. Theo đó, từ tháng 8/2021 đến khi bị bắt, Trang rao thanh lý tủ lạnh, ti vi, ghế sô pha với giá rẻ. Khi có người hỏi mua, Trang yêu cầu chuyển tiền cọc từ 1-10 triệu đồng. Nhận được tiền cọc, Trang gửi hình ảnh chuyển hàng lên xe và số điện thoại nhà xe (thực ra là số của đồng bọn) để khách gọi xác thực và yêu cầu khách chuyển thêm tiền. Với thủ đoạn này, trong 1 năm, có hơn 100 người bị Trang lừa, chiếm đoạt khoảng 1,3 tỉ đồng.  

Phản ánh đến Báo Phụ nữ TPHCM, chị T.T.N. cho hay, chị và khoảng 600 người kinh doanh điện thoại bị 1 đầu mối lừa, chiếm đoạt số tiền rất lớn. Chủ đầu mối là 1 phụ nữ tên Đ.M.T. - ở đường 15, tổ 24, khu phố 1, phường Bình Trưng Đông, TP Thủ Đức, TPHCM. 

Bà T. chuyên rao bán các mặt hàng như iPhone, đồng hồ, nước hoa, máy tính bảng, giày dép, túi xách, tai nghe, mỹ phẩm trên mạng xã hội Facebook và Telegram với số lượng lớn, giá rẻ. Chẳng hạn, khi điện thoại iPhone 13 Promax vừa ra mắt, giá thị trường khoảng 38-48 triệu đồng tùy dung lượng và màu sắc, bà T. rao bán nhiều gói sản phẩm (combo) giá rẻ, tính ra mỗi chiếc iPhone 13 Promax có giá chỉ 30-32 triệu đồng. Bà T. yêu cầu bên mua thanh toán trước 100% trị giá lô hàng muốn mua.

Những lần mua bán đầu, bà T. nhận đơn và giao hàng đúng cam kết. Bên mua hài lòng về sản phẩm và cung cách giao dịch nên tiếp tục đặt hàng, người này giới thiệu người kia nên bà T. càng có đông khách. Bà T. liên tục quảng cáo các gói điện thoại iPhone 13 Promax với giá chỉ khoảng 300 triệu đồng/10 máy, khách đặt cọc 100% trị giá lô hàng, hàng được giao trong 6-8 tuần. Tuy nhiên, nhiều người chuyển tiền đã 1 năm qua mà vẫn chưa nhận được hàng. 

Bị nhiều người đòi lại tiền cọc, bà T. tìm cách hứa hẹn, trì hoãn. Bà này vẫn duy trì tài khoản Facebook, Zalo và liên lạc với khách qua 2 kênh này, đồng thời tạo thêm các tài khoản Facebook mới để rao bán iPhone 14 bị móp hộp, giá bán thấp hơn giá thị trường 10 triệu đồng/chiếc.

“Không ít bạn hàng của tôi đặt mua iPhone 14 hàng Mỹ có mã LL nhưng lại được bà T. giao iPhone 14 hàng Singapore. Hàng Singapore là hàng dành cho người dùng Đông Nam Á nên được xem là “xịn” hơn hàng Mỹ. Điều này cho thấy, bà T. không có nguồn hàng và bà ta lấy tiền của khách cũ, mua điện thoại chính hãng về giao cho khách mới để gom tiền cọc của khách nhằm tạo lòng tin rồi tiếp tục lừa đảo” - chị N. nhận định. 

Những người từng chuyển tiền cọc cho bà T. nhưng chưa nhận được hàng đã nghi ngờ bà này lừa đảo. Họ lập riêng nhóm nạn nhân của bà T. với khoảng 600 thành viên. Trong đó, người đặt cọc ít nhất cũng vài trăm triệu đồng, nhiều nhất là hàng chục tỉ đồng. Tổng tiền mà các nạn nhân đã chuyển được cho là có thể lên tới hàng trăm tỉ đồng.

Công an cần sớm điều tra 

Ông Nguyễn Ngọc Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) - đánh giá, tình trạng lợi dụng không gian mạng để thực hiện hành vi phạm pháp ngày càng phổ biến. Người bán hàng thường tạo nhiều tài khoản trên mạng xã hội để giao dịch với người mua và các mặt hàng này thường mù mờ về chất lượng, nguồn gốc. Khách chỉ nên mua hàng thông qua các trang thương mại điện tử lớn, uy tín, được cấp phép, nhằm hạn chế rủi ro. Nếu người bán đòi chuyển tiền cọc qua tài khoản ngân hàng thì cần cảnh giác và nên thỏa thuận thanh toán sau khi nhận và kiểm tra hàng. 

Luật gia Phan Thị Việt Thu - Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TPHCM - cho biết, hội thường xuyên nhận được phản ánh của khách hàng về tình trạng chuyển tiền mua hàng nhưng không nhận được hàng. Tuy nhiên, những vụ này thường lẻ tẻ, số tiền chuyển khoản để mua hàng không lớn. Những vụ chuyển số tiền lớn để mua hàng hiếm khi xảy ra. Theo bà, với những vụ việc có nhiều nạn nhân, mỗi nạn nhân nên trình bày vụ việc bằng đơn riêng rồi cùng nhau gửi cho cơ quan cảnh sát điều tra. 

Phân tích vụ bà Đ.M.T. nhận tiền mua hàng của hàng trăm người nêu trên, luật sư Nguyễn Văn Hậu - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài thương mại thuộc Hội Luật gia Việt Nam (VLCAC) - cho rằng, khách hàng đã chuyển tiền qua tài khoản để đặt mua điện thoại là đã xác lập hợp đồng mua bán thông qua giao dịch ngân hàng, nếu bên bán không giao hàng là đã vi phạm hợp đồng. Người mua hàng có quyền gửi đơn khiếu kiện đến tòa án nhân dân quận, huyện nơi người bán cư trú, đồng thời báo cho cơ quan công an.

Để cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, phải có yếu tố dùng thủ đoạn gian dối và chiếm đoạt tài sản của người khác. Trong trường hợp này, bà T. đã đưa ra thông tin sai sự thật về sản phẩm để khách hàng tin tưởng và chuyển tiền đặt cọc cho bà, nếu giá trị tài sản từ 2 triệu đồng trở lên, hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản được xác lập. Tổng số tiền mà bà T. đã chiếm giữ của khách mua hàng quá lớn, đủ yếu tố để truy cứu trách nhiệm hình sự. 

“Cơ quan công an cần điều tra nhằm ngăn chặn việc bà T. tiếp tục chiếm đoạt tiền của các nạn nhân khác” - luật sư Nguyễn Văn Hậu đề nghị. 

Theo Phụ nữ TPHCM