"Tôi đau đớn khi phải dừng đóng phim"
Khi phong độ đang đỉnh cao, được coi là soái ca màn ảnh, được khán giả ngưỡng mộ thì Võ Hoài Nam lại đột ngột dừng diễn xuất. Để đưa ra quyết định ấy, có khiến anh dằn vặt?
Thực ra, thời gian đầu ngừng diễn xuất tôi rất thèm khát được đóng phim. Người ta hỏi tôi, dừng đóng phim có tiếc không? Không phải tiếc. Mà là đau đớn. Nhưng tôi chấp nhận, vì mình đang đổi cái đau đớn ấy, vật vã ấy cho một gia đình.
Nếu đổi cho một cuộc chơi thì còn tiếc. Đây là sự đánh đổi tự giác, nên cũng… nhẹ thôi. Còn ai đang ở thời tuổi trẻ sung sức, đam mê, nhiệt huyết ấy mà phải dừng lại cũng phải dằn vặt, suy nghĩ. Nhưng vì gia đình, tôi dẹp bỏ sự ích kỷ cũng như cái tôi lớn của bản thân.
Tôi có 4 đứa con. Tôi phải lo việc ăn, việc mặc, lo tiền học phí, viện phí, đủ các thứ tiền trên đời... Nếu không chuyển qua kinh doanh quán ăn, chắc cả gia đình tôi chết đói. Nghệ thuật cho mình sự thăng hoa nhưng nghèo lắm. Tôi đóng bộ phim "Cảnh sát hình sự" trong 2 năm ròng rã cũng chỉ được có 39 triệu tiền cát - sê.
Tôi đã từ chối không biết bao nhiêu vai diễn hay để tập trung kinh doanh, chăm sóc vợ và bốn đứa con. Nhiều lúc, đạo diễn gửi kịch bản đến, tôi không dám đọc vì sợ sẽ tiếc nuối nếu…không nhận lời.
Sau 16 năm dừng diễn xuất để chuyển sang… kinh doanh quán ăn, chăm sóc con cái, vậy lý do anh trở lại đóng phim thời điểm này?
Giờ con cái đã lớn, tôi đỡ bận với việc chăm sóc gia đình nên quyết định trở lại với đam mê đóng phim.
Với phim "Hương vị tình thân", tôi làm trái nguyên tắc. Nguyên tắc của tôi là phải đọc kịch bản, chưa cần biết cát- sê bao nhiêu, đạo diễn nào mà quan trọng nhất là phải đọc kịch bản xem vai diễn có phù hợp không.
Còn phim này, tôi làm trái nguyên tắc ở chỗ: chỉ nghe đạo diễn buôn về vai diễn đã nhận lời. Nghe đạo diễn buôn về một số phận, nhân vật rơi vào hoàn cảnh ấy. Thời trẻ, tôi cũng có hoàn cảnh khá thiếu thốn. Nghe đạo diễn buôn là tôi mê ngay. Thích thì… lên đường thôi!
Không phải là vì danh tiếng của đạo diễn Nguyễn Danh Dũng sau bộ phim truyền hình đình đám "Về nhà đi con" mà anh nhận lời hợp tác?
Không, Danh Dũng có giành giải Oscar tôi cũng chả cần!
Khi trở lại đóng phim, sự thay đổi của công nghệ quay phim, vừa quay vừa thu tiếng trực tiếp này khác… anh có bị khớp không?
Tôi thấy công nghệ đóng phim giờ rất hiện đại, tạo thuận lợi cho nghệ sĩ, đạo diễn. Hồi trước, chúng tôi luôn phải lồng tiếng, không bao giờ được nghe giọng thật của mình. Giờ việc thu tiếng trực tiếp phù hợp với các diễn viên có đài từ tốt.
Tôi cũng từng làm đạo diễn, phải tự tính toán từng đồng, chăm chút bối cảnh, lo phục trang cho diễn viên, chỗ ăn chỗ ngủ... Thậm chí, làm phim xong tôi còn bị lỗ vài chục triệu đồng.
Giờ đây, mọi khâu có người phụ trách chuyên biệt. Tôi cũng không gặp khó khăn gì nhiều bởi nghề diễn đã ăn sâu vào máu. Chỉ là bị đạo diễn mắng vì lâu không diễn nên mất hết cảm xúc".
Trước hình ảnh soái ca trên màn ảnh, giờ vào vai ông bố hơi tiều tụy, già nua, anh có sợ "mất hình ảnh"?
Vẻ soái ca vẫn ẩn đằng sau sự già nua, tiều tụy đấy chứ! (Cười)
Thực tế, tôi còn đề nghị không make up cho vai diễn của mình, để cho đời nhất, thật nhất. Mà từ trước đến nay, hầu như khi đóng phim, tôi không hóa trang.
"Tôi tự nhận mình là người gia trưởng"
Đối với Võ Hoài Nam, con cái được đặt lên hàng đầu?
Đối với tôi, gia đình là số một
Anh từng chia sẻ, anh yêu vợ con theo cách gia trưởng, giờ vẫn thế?
Tôi yêu vợ con theo cách yêu của một thằng đàn ông, của một "con đực". Nhưng tôi cầm trịch gia đình theo một cách gia trưởng thì đúng hơn.
Là vì, tôi đã từng chia sẻ nhiều lần rằng, gia trưởng rất cần cho người đàn ông vì không người đàn bà nào lấy một người đàn bà làm vợ cả. Người ta phải lấy đàn ông làm trụ cột, làm cây tùng, cây bách để dựa vào.
Gia trưởng có nhiều nghĩa, có thể đúng, có thể sai. Nhưng dù sao, gia trưởng cũng làm cho người phụ nữ cảm thấy yên tâm dựa dẫm.
Cái gia trưởng của tôi là làm sao dẫn đoàn tàu gia đình đi đúng hướng, không chệch đường ray. Tôi đứng đằng sau mọi vấn đề nhưng bất kể khi nào có nguy hiểm đụng đến gia đình, đến tình thương, đến miếng cơm manh áo là mình phải đứng ra bảo vệ. Bảo vệ gia đình, chính là bảo vệ mình!
Không phải lúc nào vợ con cũng quyết định đúng cho nên bắt buộc mình phải là người gia trưởng. Tôi là người lớn tuổi nhất trong gia đình, là người đi trước, từng trải và thấy rằng sự gia trưởng đó không làm tổn hại tới gia đình.
Khi các con theo đuổi nghệ thuật: con trai lớn đang học ĐH Sân khấu Điện ảnh, con gái thứ hai học Nhạc viện. Là người đi trước, anh có "áp đặt" các con điều gì?
Dù gia trưởng tôi không áp đặt con cái hay bắt gia đình phải sống như thế nào. Tôi chỉ lựa và làm cho nó tốt hơn thôi.
Tôi chỉ mong con lớn, con thích gì thì mình hướng theo. Khi các con thích thì việc mình làm là 50%, còn các con tự làm là 50%. Còn nếu mình bắt con đi theo con đường của mình, bắt con ngoặt theo ngã rẽ của mình thì mình phải "đẩy" 100%, thậm chí là hơn. Rất mệt và không thành công!
Anh cũng từng chia sẻ, bản thân là người nóng tính nhưng con cái gần gũi bố, có chuyện gì cũng nhỏ to với bố?
Con trai tôi tâm sự về những vai diễn, bài thi, những buổi đi học. Tôi là người bố, đương nhiên phải phân tích cái gì đúng cái gì sai, cái gì nên, cái gì không nên. Vì sống trong môi trường sân khấu điện ảnh không phải lành mạnh lắm, rất nhiều cạm bẫy.
Nếu con chơi với nhóm bạn hư, đương nhiên con sẽ bị kéo xuống bùn lầy. Nếu con chơi với nhóm bạn ngoan, biết tìm tòi phấn đấu thì đương nhiên sẽ đam mê nghề hơn. Nhưng mình cũng không thể lựa chọn bạn cho con được mà con phải tự lựa chọn: bạn nào nên chơi, bạn nào không nên chơi.
Con trai lớn theo nghiệp diễn của anh, đó cũng bởi con thích?
Thực ra, tôi không hướng gì cả. Có thể con xem nhiều phim, hâm mộ bố rồi đi theo con đường của bố chứ mình không ép. Con trai lớn, con gái thứ hai, đứa thích học đàn thì học đàn, thích học nhạc thì học nhạc, thích học điện ảnh thì học điện ảnh. Còn con gái thứ ba, thứ tư nữa. Mình lựa con thích gì thì hướng theo. Ví dụ hỏi cô thứ ba: "Con thích gì?" Nó nói: "Con không thích gì cả". (Cười)
Anh và vợ có thống nhất trong cách dạy con?
Nói chung là đứa nào sai thì mắng đứa đấy, không cứ là anh hay út, thứ hay cả. Đứa nào sai mình phải mắng. Làm cán cân cũng khó lắm. Tôi để ý nhiều gia đình cứ bênh con út, bênh con thứ hai hoặc đứa mình yêu. Nếu mình làm thế là chia rẽ các con. Con trai hay con gái đều là con. Hư phải mắng, ngoan thì biểu dương. Là người đàn ông trong gia đình, tôi phải là cán cân thật tốt.
Nói chung, khi mắng có thể đúng, có thể sau nhưng vợ không nhảy vào can thiệp, xong xuôi rồi thì vợ chồng có thể góp ý sau. Nếu mình để cho trẻ con một chỗ dựa, sẽ tạo cho nó điểm hư. Gia đình tôi không có chuyện chồng mắng, vợ bênh...
Đẹp trai, nổi tiếng lại đào hoa, vậy anh đã phải "cố gắng" như thế nào để giữ được sự chung thủy trong hôn nhân?
Thực ra giữ thì không phải, mà phải nuôi, nuôi nó từng ngày, từng giờ, từng phút. Còn giữ thì không ai giữ được ai.
Bạn bè cứ bảo: "May quá, mày lấy được cô vợ quá tuyệt vời!" Thế cái sự tuyệt vời ấy từ đâu mà có?
Nếu người chồng gái gú, cờ bạc, rượu chè, nhảy đầm thì làm sao có cô vợ tốt? Ngược lại nếu người vợ lô đề, ôm hụi mà lại có một ông chồng tốt? Vợ chồng như tấm gương phản chiếu hình ảnh của nhau, nhìn vào đó để phấn đấu, nuôi dưỡng từng ngày.
Tôi cách vợ 12 tuổi, nếu tôi không dí dỏm, hóm hỉnh thì làm sao hòa đồng được với lứa tuổi ấy. Mình phải tạo ra, mà tạo ra một cách chân thành chứ không kiểu kệch cỡm đâu…
(Theo Dân trí)
Võ Hoài Nam 'Vua bãi rác' êm ấm bên vợ kém 12 tuổi và 4 người con
Nam diễn viên “Cảnh sát hình sự” lừng lẫy một thời đã sẵn sàng gác lại đam mê diễn xuất sau 16 năm để lo cho gia đình đầy đủ. Anh coi việc có đông con là niềm hạnh phúc lớn lao của mình.