Trong năm 2022, tỉnh Cao Bằng đã có nhiều nỗ lực chỉ đạo và tổ chức triển khai công tác CCHC, Đề án nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tỉnh giai đoạn 2021 - 2025; các đơn vị xây dựng kế hoạch, chương trình hành động cụ thể theo nhiệm vụ được phân công…
Qua đó, từng bước cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi, giảm chi phí, thời gian thực hiện thủ tục hành chính (TTHC) cho cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy Nhà nước.
Tuy nhiên, kết quả chỉ số PCI, chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), chỉ số CCHC (PAR INDEX), đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) của tỉnh năm 2022 không đạt được mục tiêu theo kế hoạch đặt ra.
Cụ thể, chỉ số PCI xếp hạng 63/63 tỉnh, thành trong cả nước với 59,58 điểm, tăng 3,29 điểm và giữ nguyên bậc so với năm 2021, nằm trong nhóm thấp trên bảng xếp hạng PCI toàn quốc. Trong 10 chỉ số thành phần PCI, có 7/10 chỉ số tăng điểm, 5 chỉ số tăng hạng nhưng mức độ tăng điểm và tăng hạng không nhiều, 4 chỉ số giảm thứ hạng và 1 chỉ số giữ nguyên thứ bậc.
Chỉ số PAPI của tỉnh xếp hạng thứ 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, giảm 2 bậc so với năm 2021, xếp vào nhóm thấp nhất của cả nước. Trong 8 chỉ số nội dung có 4 chỉ số tăng điểm, 4 chỉ số nội dung giảm điểm. Các chỉ số nội dung tăng nhưng mức tăng không đáng kể, hầu hết các chỉ số nội dung đều ở mức thấp nhất so với cả nước.
Chỉ số CCHC PAR INDEX cấp tỉnh đạt 77,55/100 điểm, xếp hạng 62/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, giảm 5,34% về chỉ số, giảm 5 bậc. Việc đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh đạt 74,81%, xếp thứ hạng 62/63 (tăng 1 bậc so với năm 2021).
Thảo luận tại hội nghị đánh giá và triển khai các giải pháp khắc phục tồn tại, hạn chế trong thực hiện các chỉ số PAR INDEX, SIPAS, PAPI năm 2022; triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2023, các ý kiến nghiêm túc, thẳng thắn chỉ ra những nguyên nhân khách quan, chủ quan dẫn đến kết quả các chỉ số đạt thấp.
Theo đó: Công tác tổ chức thực hiện các nhiệm vụ cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh ở một số đơn vị còn chậm, bị động, thiếu quyết liệt; chưa gắn với trách nhiệm của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo. Tình trạng trễ hạn trong giải quyết TTHC cho người dân và doanh nghiệp còn cao.
Công tác lập quy hoạch sử dụng đất, lập, điều chỉnh quy hoạch đô thị chưa đồng bộ dẫn đến khó khăn vướng mắc trong triển khai một số dự án. Nguồn lực để triển khai chuyển đổi số trong chính quyền chưa được đầu tư tương xứng. Mức độ cung cấp thông tin trên trang thông tin điện tử, đặc biệt là các thông tin về quy hoạch thuộc phạm vi quản lý của ngành, địa phương còn hạn chế. Việc hỗ trợ doanh nghiệp sau cấp phép đầu tư, các dịch vụ tư vấn, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp còn ít, chất lượng đào tạo lao động và giới thiệu việc làm chưa đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp.
Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng còn chậm, gặp nhiều vướng mắc; dữ liệu về đất đai chưa thuận lợi, thiếu quỹ đất sạch, nên chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư. Việc giải quyết một số đề xuất kiến nghị, kết quả trả lời người dân của một số cơ quan, đơn vị chưa thỏa đáng, có trường hợp người dân phải đi lại nhiều lần. Khi thực hiện giải quyết TTHC còn phát sinh chi phí không chính thức, còn hồ sơ tồn đọng, xử lý chậm, một số hồ sơ thủ tục giải quyết quá hạn; tinh thần, trách nhiệm, thái độ phục vụ của một số cán bộ, công chức, viên chức chưa cao, còn có biểu hiện tiêu cực trong giải quyết TTHC, nhất là trong lĩnh vực đất đai. Chất lượng cung ứng dịch vụ công có nơi chưa đáp ứng yêu cầu của người dân. Tỷ lệ cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 còn rất thấp…
Kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Xuân Ánh đề nghị các cấp, ngành, địa phương, đặc biệt là người đứng đầu cơ quan, đơn vị, chủ tịch UBND các huyện, Thành phố tiếp tục quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng về đẩy mạnh CCHC; hoàn thành mục tiêu Kế hoạch CCHC tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, Kế hoạch CCHC năm 2023, Kế hoạch nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI năm 2023 một cách toàn diện, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, thiết thực, hiệu quả; gắn kết quả thực hiện các nội dung liên quan đến CCHC với trách nhiệm của các ngành, địa phương, trách nhiệm của người đứng đầu; lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo đánh giá chất lượng hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước.
Thực hiện nghiêm nội dung Công văn số 1041/UBND-NC ngày 28/4/2023 của UBND tỉnh về thực hiện Công điện số 280/CĐ-TTg ngày 19/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc của các bộ, cơ quan, địa phương về chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc của các bộ, cơ quan, địa phương.
Tiếp tục rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa các quy định TTHC liên quan đến người dân, doanh nghiệp, triển khai các giải pháp thiết thực để tăng cường cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 và thực hiện tiếp nhận, trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích. Tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phát triển kinh tế, doanh nghiệp, thu hút đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước các cấp, phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số, dữ liệu số. Phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong chỉ đạo tổ chức thực hiện các nhiệm vụ về chuyển đổi số. Các cơ quan, đơn vị tiên phong, gương mẫu sử dụng các nền tảng số trong hoạt động chỉ đạo, điều hành, góp phần đổi mới phương thức làm việc, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công cho người dân, tổ chức…
Hòa An