Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” được các tầng lớp nhân dân trong tỉnh Cao Bằng tích cực hưởng ứng, tạo khí thế thi đua sôi nổi. Đây là một chủ trương lớn có tác động tích cực đến nhiều mặt của đời sống xã hội, vì vậy cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể từ huyện đến cơ sở luôn quan tâm đến nội dung, chất lượng phong trào. 

Với nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả, phong trào đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân và củng cố, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

img-20230405-132711-2.jpg
Phong trào nông thôn mới góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần người dân Cao Bằng.

Từ năm 2003 đến nay, toàn tỉnh vận động nguồn lực xây dựng nông thôn mới được trên 34,9 tỷ đồng; hỗ trợ 27 xã (xã chưa sáp nhập) mua trang thiết bị nhà văn hóa, di dời chuồng gia súc ra khỏi gầm sàn nhà ở và đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở. 

Nhân dân hiến trên 909.476 m2 đất, đóng góp 881.223 ngày công lao động, trên 235 tấn xi măng, hàng nghìn m3 cát, đá, sỏi... bê tông được 345,5 km đường nông thôn, kiên cố hóa 1.650 km kênh mương nội đồng.

Đến hết năm 2022, toàn tỉnh Cao Bằng có 17/161 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 11 xã đạt 15 - 18 tiêu chí, 64 xã đạt 10 - 14 tiêu chí, 47 xã đạt 7 - 9 tiêu chí; bình quân các xã đạt 11,63 tiêu chí/xã. Một số xã đang phấn đấu đạt nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu.

Là địa phương đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, huyện Thạch An đã vận động nhân dân tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua, tiếp tục phát huy tinh thần tương thân, tương ái, giúp nhau giảm nghèo, làm giàu chính đáng; xây dựng thiết chế văn hóa gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống quê hương.

Bình quân hằng năm, huyện có trên 87% gia đình đạt tiêu chuẩn văn hóa; 95% làng, xóm, tổ dân phố đạt văn hóa; 96% cơ quan, đơn vị đạt văn hóa; 10 trường đạt chuẩn quốc gia; 14/14 xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế.

Ở huyện Trùng Khánh, ông Hoàng Đình Dũng, Trưởng Ban công tác Mặt trận xóm Nà Khoang, thị trấn Trà Lĩnh là 1 trong 30 gia đình được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh tặng Bằng khen gia đình văn hóa tiêu biểu giai đoạn 2013 – 2023. 

Gia đình ông luôn chấp hành nghiêm các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thực hiện tốt 5 nội dung Cuộc vận động “Toàn dân đoàn xây xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Đồng thời quan tâm xây dựng tình làng nghĩa xóm; nhiệt tình tham gia phong trào hiến máu tình nguyện, ủng hộ Quỹ Vì người nghèo, Quỹ Khuyến học, Quỹ Đền ơn đáp nghĩa; vận động người dân đấu tranh phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội.

Bản thân ông Dũng kịp thời tố giác tội phạm, tham mưu cho cấp ủy chi bộ và lực lượng công an triệt phá 2 điểm buôn bán ma túy và một số vụ gây rối an ninh trật tự trên địa bàn xóm. Phối hợp cùng cấp ủy, chính quyền địa phương huy động nhân dân đóng góp 500 triệu đồng mua đất và xây nhà văn hóa xóm; 40 triệu đồng, 120 ngày công lao động làm đường bê tông.

Trên địa bàn huyện Hòa An có 14 xã và 1 thị trấn, trong đó 11 xã với 84 xóm thuộc vùng đặc biệt khó khăn, hạ tầng cơ sở chưa đáp ứng; tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo chiếm hơn 10%. Đảng bộ huyện xác định phải làm tốt công tác dân vận, tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân, trước hết là làm cho đội ngũ cán bộ, đảng viên từ huyện đến cơ sở và người dân vùng nông thôn, vùng đặc biệt khó khăn nhận thức đầy đủ về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc thực hiện các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, xây dựng nông thôn ới. 

Trong 10 năm (2013 - 2023), huyện tổ chức hơn 1.000 cuộc tuyên truyền lồng ghép tại các cuộc họp giao ban xã, thị trấn, sinh hoạt của chi bộ, chi hội, chi đoàn với hơn 20.000 lượt người tham gia. Qua đó, người dân hiểu rõ hơn việc thực hiện mục tiêu của các chương trình, từng bước thay đổi và xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư của Nhà nước, tạo sự đồng thuận cao trong cộng đồng dân cư theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, huy động nguồn lực xã hội hóa để thực hiện các mục tiêu giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới.

Từ các giải pháp đồng bộ, phù hợp với điều kiện thực tế đã phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong xây dựng nông thôn mới và triển khai hiệu quả chương trình phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo trên địa bàn. Thu nhập bình quân từ 14,5 triệu/người năm 2013 tăng lên 33,15 triệu/người/năm vào cuối năm 2022; tỷ lệ hộ nghèo hằng năm giảm từ 3 - 4%; đến hết năm 2020, 100% xã hoàn thành đưa gia súc ra khỏi gầm sàn nhà ở. Đến nay, các xã bê tông hóa, cải tạo, nâng cấp hơn 200 km đường nông thôn, nhân dân đóng góp hàng chục tỷ đồng và hơn 39.700 ngày công lao động, hiến gần 71.700 m2 đất xây dựng nhà văn hóa, kiên cố hóa mương thủy lợi.

Năm 2013, huyện Hòa An chưa có xã về đích nông thôn mới; đến năm 2020 có 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới (Nam Tuấn, Hoàng Tung, Bế Triều, Đức Long, Hồng Việt). Thực hiện việc sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã, huyện hiện có 3 xã (Nam Tuấn, Hoàng Tung, Đức Long) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Phấn đấu đến hết năm 2023, xã Hồng Việt về đích nông thôn mới, xã Nam Tuấn đạt nông thôn mới nâng cao năm 2024 và đến hết năm 2025 Hòa An trở thành huyện nông thôn mới. 

Thời gian tới, Mặt trận Tổ quốc các cấp trong tỉnh Cao Bằng tiếp tục khẳng định vai trò là cầu nối tin cậy của Đảng, chính quyền với quần chúng trong việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân cũng như giữ vững trật tự kỷ cương xã hội. 

Đồng thời, tỉnh Cao Bằng tăng cường tuyên truyền thực hiện hiệu quả Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp với thực tiễn địa phương, đơn vị. Phát huy dân chủ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; tạo điều kiện để nhân dân tham gia tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh.      

Quỳnh Nga