Các phương tiện giao thông từ trong tòa nhà đổ ra đường, gặp dòng phương tiện đang trên đường nên đã tắc càng tắc.

{keywords}

Đường Nguyễn Tuân (Hà Nội) đoạn chưa được mở rộng, vẫn còn nhiều nhà cao tầng đang xây dựng gây ùn tắc trong giờ cao điểm - Ảnh: Tạ Tôn

Trong khi hệ thống hạ tầng giao thông tại Hà Nội dù vẫn được quan tâm, nhưng tốc độ đầu tư chậm chạp, tỷ lệ đất dành cho giao thông rất thấp, số lượng nhà chung cư và các khu nhà ở vẫn đua nhau mọc lên với tốc độ chóng mặt…

Cư dân tăng chóng mặt

Ghi nhận của PV Báo Giao thông ngày 20/4, chỉ trên một đoạn khoảng 6 km từ đầu đường Tố Hữu nối với đường Lê Văn Lương ra Khuất Duy Tiến đã có khoảng 30 tòa nhà cao tầng án ngữ ngay mặt đường. Có những tòa nhà đã hoàn thiện, lượng dân cư đến sinh sống khá lớn như: Tây Hà, Bắc Hà, Tòa nhà SJC, Tòa nhà Licogi 13, Chung cư Hacinco, Tòa nhà Starcity hay DIAMOND FLOWER TOWER - Tháp Hoa Kim Cương cao khoảng 30 tầng... Bên cạnh đó, nhiều tòa nhà cao tầng khác sắp đến ngày hoàn thiện như: HUD cao hơn 30 tầng, Ecolife caption... Bên cạnh các tầng nổi với khoảng từ 25 đến hơn 30 tầng, các tòa nhà này đều có thêm từ 2 - 4 tầng hầm.

Phần lớn các tòa nhà này đều theo mô hình trung tâm thương mại ở dưới và khu nhà ở trên cao. Các hướng cửa đều quay ra mặt đường Tố Hữu và đường Lê Văn Lương. Hệ quả của việc này là trục đường Lê Văn Lương - Tố Hữu thường xuyên xảy ra ùn tắc kéo dài cả cây số vào những giờ cao điểm buổi sáng và chiều. Từng hàng xe ô tô, xe máy nối đuôi nhau xếp hàng nhích từng mét. Tình trạng càng nghiêm trọng hơn khi các phương tiện giao thông từ trong tòa nhà đổ ra đường, gặp ngay dòng phương tiện đang đông nghẹt xếp hàng trên đường nên đã tắc càng tắc.

Nhiều tuyến phố Nguyễn Huy Tưởng, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Tuân, Hạ Đình đều đã có dự án mở rộng từ lâu nhưng đến giờ vẫn chưa thấy khởi động. Đơn cử như đường Nguyễn Tuân đã có dự án mở rộng từ những năm 2003 với chiều dài chỉ hơn 1km bắt đầu từ đường Lê Văn Lương đến điểm cuối giao với đường Nguyễn Trãi, nhưng đến nay mới chỉ thực hiện được khoảng 150m từ đường Lê Văn Lương qua nút giao với đường Nguỵ Như Kon Tum. Đoạn 2 từ điểm giao với Nguỵ Như Kon Tum đến đường Nguyễn Trãi dài 720m chưa được mở rộng dù đã có quy hoạch.

Phó chủ tịch UBND P. Mộ Lao, Q. Hà Đông Nguyễn Quang Tuấn cho biết, so với thời điểm 2011, năm 2015 chỉ riêng tại P. Mộ Lao, số lượng cử tri đã tăng lên khoảng 8 - 10% (tương đương tăng thêm khoảng 5.000 - 6.000 người) đến sinh sống tại các khu nhà cao tầng vừa hoàn thiện. Trong khi đó trục đường Trần Phú, QL6... là những trục chính qua địa bàn phường lại gần như không được mở rộng nên ùn tắc thường xuyên diễn ra.

Tương tự là trục đường Trần Phú, Nguyễn Trãi cũng có hàng chục nhà cao ốc, tập trung lượng dân cư rất lớn. Một nhân viên môi giới bán căn hộ cho tòa nhà Ellipse Tower - 110 Trần Phú cho biết, hiện tại các căn hộ diện tích nhỏ đã bán gần hết, chỉ còn lại các căn hộ có diện tích lớn. Dự kiến, tháng 6 tới sẽ hoàn thành và bàn giao nhà. Chung cư Hattoco ngay bên cạnh cũng dự kiến chỉ đến quý II năm sau sẽ bàn giao nhà.

Trung tá Lê Việt Thành, Phó trưởng Công an phường Thượng Đình cho biết, mật độ dân số trên địa bàn của phường Thượng Đình những năm gần đây tăng chóng mặt do nhiều khu nhà cao tầng liên tiếp mọc lên. Mỗi khu chung cư như thế ước tính dân số có thể bằng vài phường cộng lại… Đơn cử chung cư Golden Land là tổ hợp Trung tâm Thương mại và Nhà ở căn hộ, gồm 3 tòa nhà mỗi tòa gồm: 3 tầng hầm, 4 tầng TTTM và 23 tầng dân ở.

Theo chuyên gia phản biện của Tổng hội Xây dựng Việt Nam Nguyễn Xuân Hải, khu nhà máy Dệt 8/3 đã được biến thành nhà cao tầng, khu tập thể Minh Khai trước kia chỉ xây 5 tầng nhưng đến nay đã được xây dựng thành nhà mấy chục tầng và nhiều khu nhà khác quanh khu vực này. Tuy nhiên, quy hoạch đường khu vực Bạch Mai, Minh Khai mở rộng đã có từ mấy chục năm nay nhưng có mở được đâu?

Thiếu đất cho giao thông

Theo thống kê, tỷ lệ diện tích đất dành cho giao thông tại Hà Nội đã được tăng thêm từ 0,3 - 0,5% đất đô thị/năm. Theo đó, năm 2010 tỷ lệ đất dành cho giao thông là 7% đến 2015 tỷ lệ dất dành cho giao thông đạt từ 6 - 8 % đất xây dựng đô thị.

“Con số này rất thấp so với các nước trên thế giới. So với các đô thị Bắc Mỹ, tỷ lệ này mới chỉ bằng 1/6, so với các nước châu Âu mới chỉ đạt 1/3”, TS. Trần Hữu Minh, Phó chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia nói và cho biết quy hoạch sử dụng đất ở Hà Nội đang có bất cập.

Ông Minh cho biết thêm, nhìn lại quy hoạch đô thị của Hà Nội từ năm 1954 đến nay, chúng ta đã phải điều chỉnh quy hoạch tổng thể 7 lần. Hiện nay, mật độ xây dựng vẫn cao, trong khi tỷ lệ đất dành cho giao thông, bãi đỗ xe, không gian đi bộ và giao thông phi cơ giới, các không gian công cộng còn thấp. Đây là những nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng quá tải của hệ thống hạ tầng giao thông.

Theo ông Lương Đức Thắng, Phó phòng Giao thông Đô thị (Sở GTVT Hà Nội), hệ thống đường giao thông phải thực hiện đúng quy hoạch, theo phân cấp từng loại tuyến đường như tuyến đường nội bộ, tuyến đường liên khu vực và các tuyến đường trục đường chính.

Lấy ví dụ khu Trung Hòa - Nhân Chính, ông Thắng cho biết, hệ thống giao thông tại đây đã thực hiện theo đúng quy hoạch nhưng lại phát sinh hiện tượng xe ô tô dừng đỗ tràn lan trên các tuyến đường. Đặc biệt là các tuyến đường nội bộ và các khu vực sân chơi. Sân chơi giờ lại trở thành điểm dừng đỗ xe của người dân trong khu vực, đã tác động trực tiếp lên các tuyến đường khác như: Đường Hoàng Minh Giám, Hoàng Đạo Thúy bị ảnh hưởng lớn đến khả năng giao thông kết nối các trục đường lớn như Lê Văn Lương và Trần Duy Hưng.

Theo Báo Giao thông