Mỗi tháng được chồng đưa cho từ 3,7-4 triệu đồng, sau khi trừ chi phí chi tiêu cho gia đình 5 miệng ăn, một bà mẹ bỉm sữa vẫn tiết kiệm được 1,1 triệu đồng/tháng.
Mới đây, trên một diễn đàn tâm sự của các bà mẹ bỉm sữa, chị N.T.T.Thủy ở Hà Nội kể, gia đình chị vốn không khá giả. Trong nhà, chỉ chồng chị là có công việc ổn định, còn chị ở nhà trông con. Mỗi tháng, chồng chị đưa cho chị 3,7-4 triệu đồng để lấy tiền chi tiêu sinh hoạt cho gia đình 5 miệng ăn (gồm 4 người và 1 trẻ em).
Hai tháng gần đây, chị Thủy mới đi làm thêm buổi tối, được trả 2 triệu/tháng. Tuy nhiên, số tiền làm thêm chị để dành tiết kiệm riêng, chỉ tiêu đúng số tiền mà chồng đưa cho.
Danh sách chi tiêu cho gia đình 5 người trong một tháng |
Cụ thể, tiền tiêu cố định cho con bao gồm các khoản: sữa chua 4 vỉ hết 96.000 đồng, váng sữa 2 vỉ hết 98.000 đồng, sữa su su 5 lốc hết 115.000 đồng, 1 bịch bỉm 170.000 đồng, tiền ăn 25 ngày hết 750.000 đồng (thức ăn chủ yếu là cháo và hoa quả). Tiền thuốc phát sinh khi con ốm đau hết 100.000 đồng. Tổng chi tiêu cho con hết trên 1,3 triệu đồng.
Phần chi tiêu cho người lớn: Tiền xăng xe hết 200.000 đồng, tiền mạng internet hết 110.000 đồng, tiền ăn của 4 người lớn trong 26 ngày (mỗi ngày 3 bữa) hết 1.560.000 đồng (hết 60.000 đồng/ngày), tiền dầu gội, kem đánh răng 100.000 đồng. Cộng tổng hết 1.970.000 đồng.
Một bữa cơm dành cho 5 người của gia đình chị Thủy, trong đó món tôm dành riêng cho con |
Sau khi chi tiêu sinh hoạt xong, chị Thủy vẫn bỏ ra được khoản tiền 1 triệu đồng để nộp phường (góp tiền tiết kiệm theo nhóm và mọi người lần lượt được lĩnh tiền theo tháng), 100.000 đồng để bỏ vào lợn đất cho con gái.
Chị Thủy cũng cho biết, tiền điện nước mỗi tháng hết 300.000 đồng thì bố mẹ chồng chi trả, ngày chủ nhật hàng tuần bố mẹ chồng chị cũng sẽ đi chợ nấu cơm.
Ngoài ra, một yếu tố giúp gia đình tiết kiệm là buổi trưa các ngày trong tuần, mẹ chồng chị và chồng chị cũng ăn cơm ở công ty, không ăn cơm ở nhà. Nên bữa trưa ở nhà chỉ phải đi chợ và nấu cho hai người lớn ăn.
“Giá cả hàng hóa tăng vù vù, các khoản chi phí phát sinh nhiều. Tính ra mỗi tháng mình chỉ tiêu hết tầm khoảng 3 triệu đồng, song, chồng mình vẫn kêu sao tiêu hết nhiều vậy”, chị Thủy tâm sự.
Sau khi chia sẻ những thông tiêu về các khoản chi tiêu trong gia đình với số tiền khoảng 3 triệu đồng mỗi tháng, nhiều bà mẹ bỉm sữa vào bình luận: “Tiêu như vậy là quá tiết kiệm” hay “4 triệu tiêu 3, vẫn để được 1 triệu tiết kiệm là quá giỏi”,...
“Nhà mình 2 người ăn đã hết 150.000 đồng, bữa trưa làm cơm cho chồng đem đi làm. Nhà bạn chi tiêu quá khéo rồi. Mình thực tế chưa làm được nhiều tiền nhưng chưa biết chi tiêu mấy. Làm ra bao nhiêu tiêu bằng sạch. Nhìn cách chi tiêu của bạn ở trên chắc mình phải xem xét lại cách chi tiêu của nhà mình”, Trần Thắm chia sẻ.
Tương tự, mẹ Khuyên Nga cũng bình luận: “Thế là chị tiết kiệm lắm rồi. Nhà em tháng nào cũng tiêu hết chục triệu, mà nhà thì có 3 người lớn và 2 trẻ con”.
Đa phần các bà mẹ điều cho biết tiêu vậy là thuộc hàng cao thủ, bởi trung bình một gia đình có 4 người, nếu chưa tính tiền học hành của con thì cũng phải tiêu hết tầm 10-15 triệu đồng/tháng.
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, mọi người cũng nghi ngờ 'thành tích' này vì cho đó là không tưởng. Song đây cũng là một câu chuyện để tham khảo cho nhiều bà nội trợ vì mỗi nhà một hoàn cảnh và dù ở Hà Nội những cũng có nhiều người nghèo, nhiều huyện ngoại thành chi phí rẻ hơn rất nhiều nội thành.
Hiền Anh