"Tui biết có một đại gia trang trí hai cây tùng cổ thụ trước trụ sở công ty của mình, mỗi cây có giá trên hai trăm ngàn đô-la”. Lão nghệ nhân Tám Thọ, người có thâm niên 40 năm trồng kiểng và bán cho các đại gia Sài Thành tiết lộ.
Qua lời kể của lão nghệ nhân ngoài 70 tuổi này thì chuyện các đại gia có thể bỏ ra tiền tỷ để sở hữu một cây kiểng quý, là điều rất bình thường. Đa số các đại gia mua kiểng về để trang trí nhà cửa, công ty theo phong thủy, cũng như kết hợp làm thú vui tao nhã sau những giờ cật lực trên thương trường.
Ông Tám buồn rầu cho biết: "Thời buổi kinh tế khó khăn, người ta cũng không còn bỏ tiền ra mua kiểng nhiều như trước. Suốt 2 năm nay, tui chỉ bán được có một cây sala trị giá 200 triệu. Một đại gia mua để cúng chùa. Ế ẩm lắm chú ơi".
Ông Tám Thọ đang dẫn khách đi chọn kiểng. |
Ông Tám nhớ lại: "Cách đây chừng 4 năm thôi, chuyện đại gia mua một cây kiểng tiền tỷ về trang trí công ty cho hợp phong thủy, làm ăn thuận lợi là điều hết sức bình thường. Có ngày tui bán được 4-5 cây giá vài trăm triệu, thỉnh thoảng cũng có cây ngoài 1 tỉ đồng".
Trước tình hình khó khăn, hàng ngày phải thuê 5 nhân công chăm sóc vườn kiểng rộng khoảng 4 héc-ta, tốn tiền mua phân bón, ông Tám đã có ý định kết hợp với các công ty du lịch, lập thành khu tham quan. Ông Tám than: "Tui gọi điện cho họ, họ chỉ cười trừ, chẳng quan tâm. Ai cũng đang khó khăn mà".
Tuy nhiên, là một người có thâm niên 40 năm trong ngành cây kiểng và khá nổi tiếng nên vẫn còn có lai rai khách đến tìm ông Tám, chủ yếu là mua những cây kiểng nhỏ, giá vài chục triệu. Vì vậy, ông không đến nỗi "chết" như những người trồng kiểng khác.
Đa số, khách hàng của ông Tám trong thời buổi khó khăn chung này là những chủ nhà hàng, khách sạn. Họ mang kiểng về trang trí ở sảnh khách sạn, nhà hàng, thực chất là cũng để phục vụ cho việc kinh doanh, kiếm ra tiền, chứ cũng không đơn thuần biến cây kiểng làm thú vui tao nhã nữa.
Kho phân bón hoành tráng nằm trong vườn kiểng của ông Tám. |
Chi phí để chăm sóc một cây kiểng, phải "nằm" chờ khách "ghé mắt", mua về, có khi kéo dài suốt cả năm, tính ra tiền lãi chẳng còn bao nhiêu. Nguồn gốc của những cây kiểng ông Tám có, chủ yếu là mua lại trong nước, về bỏ công chăm sóc và "uốn" dáng.
"Chơi kiểng phải có niềm đam mê, chứ không mình sẽ không đủ kiên nhẫn đâu. Với tui, mỗi cây kiểng như một đứa con. Hàng ngày nhìn nó lớn, tươi tốt, tui có niềm vui hơn".
Theo lời ông Tám, một cây kiểng có giá trị, ngoài chủng loại, còn phải hội đủ về vóc dáng. Mỗi vóc dáng đều có một ý nghĩa, thông điệp.
Cây mai chiếu thủy dạng bonsai, có năm tầng (một tầng có 3 nhánh nhỏ), thể hiện ý nghĩa "tam cương, ngũ thường" trong đạo Khổng. |
"Hiện nay, cây tùng dạng cổ thụ là loại đắt tiền nhất, có cây giá 4-5 tỉ đồng. Nhưng từ ngày có một đại gia làm bên lĩnh vực tài chính - tiền tệ nhập từ bên Nhật về, loài cây này trở nên bớt quý và hiếm, rớt giá. Ổng nhập cả ngàn cây. Tui có đến vườn kiểng của vị đại gia này 3 lần. Hiện tại, theo tui biết, ổng trang trí hai cây tùng trước trụ sở công ty, mỗi cây có giá trên 200 ngàn đô-la.
Đó là giá do ổng nhập về nhiều cây cùng lúc, chứ mua lẻ tẻ một vài cây thì giá trên thị trường quốc tế còn cao hơn gấp mấy lần. Ổng muốn mang loại cây quý về Việt Nam, làm tài sản cho cho quốc gia, đó là một việc làm đáng mừng".
Phóng viên đùa: "Ông tiết lộ trị giá khủng của hai cây tùng, ông không sợ mình gián tiếp kích thích lòng tham cho kẻ trộm, hại vị đại gia này sao?"
Ông Tám cười khà khà: "Tui đố thằng ăn trộm nào khiêng nổi. Mỗi cây nặng khoảng hai tấn, cao hơn mười mét, phải có xe cần cẩu mới có khả năng cẩu thôi".
Những cây tùng có giá trăm triệu trong vườn kiểng của ông Tám. Riêng mỗi cái chậu, đã có giá hơn 10 triệu đồng. |
Giải thích lý do cây tùng có giá trị, ông Tám nói: "Loài cây tùng có dáng hiên ngang, sống được trong môi trường khắc nghiệt, dáng thẳng đứng tượng trưng cho người chính trực. Loài cây này không có ở Việt Nam".
Ông Tám tự hào: "Tui nuôi con cái thành đạt, có nhà khang trang, xe hơi... cuộc sống dư giả, tất cả đều là từ vườn kiểng này đó. Giờ tui già rồi, chân hay bị đau, đi đứng khó khăn, không còn làm nổi nữa... chủ yếu là giao hết cho nhân công chăm sóc. Vừa rồi, mới chết hai cây sala, mỗi cây định bán năm chục triệu. Tui đau lòng lắm".
Cơ ngơi khang trang này, ông Tám có được từ kinh doanh cây kiểng. |
Đang trò chuyện, chuông điện thoại reo. Ông Tám cười tươi: "Có người đến mua kiểng rồi".
Khoảng 15 phút sau, một chiếc xe Lexus 7 chỗ đỗ xịch trước sân. Nhìn dáng dấp sang trọng của nữ chủ nhân chiếc xe, có thể nhận rõ nét thành đạt, giàu có. Bà này muốn mua loạt cây kiểng về trang trí trong ngôi biệt thự mới của mình, với mong ước hạp phong thủy, làm ăn phát đạt. Chân khập khiễng, ông Tám dẫn khách ra vườn xem kiểng.
Qua trò chuyện, bà khách này muốn bỏ ra khoảng ngoài 200 triệu để mua một số cây kiểng về trang trí.
Trời sắp ngả sang màu sẫm tối. Ông Tám vẫn kiên nhẫn dẫn khách đi khắp vườn. Trong 30 phút, bà khách đã chọn khoảng...15 chậu kiểng dạng bonsai, các loại như kim quýt, ngâu, sam núi, mai chiếu thủy... giá mỗi cây ngót nghét không dưới con số chục triệu.
Ông Tám dẫn khách đến những chậu tùng... Bà khách nói ngay: "Con không mua tùng đâu. Tùng không hạp tuổi với con. Thầy bói bói vậy.Thôi để con chọn cây khác...".
Thấy phóng viên đi theo, bà khách khó chịu dò xét, rồi quay sang hỏi ông Tám, xem đó là ai. Có vẻ rất cẩn thận, bà nói ngay với lão nghệ nhân: "Cho cậu ấy về đi. Chuyện mua kiểng của con, con không muốn ai biết hết".
Trước lời đề nghị thẳng thừng của bà khách khó tính, phóng viên đành lịch sự xin phép ra về. Ông Tám đến gần phóng viên, nói nhỏ: "Chú về đi, hôm nào gặp. Nhiều người họ kỹ tính lắm. Chính vì vậy mà lúc nãy chú hỏi tui những đại gia nào mua kiểng, tui không thể tiết lộ danh tánh".
Ra về khi trời đã tối hẳn. Vườn kiểng chìm trong màn đêm. Côn trùng đã bắt đầu nỉ non. Nhớ lắm một chiều quê.
(Theo Motthegioi)