20 năm “ăn ngủ” với nghề tước rau bí

Như một thói quen vào 3 giờ sáng mỗi ngày, chị Lợi chất lên chiếc xe máy cà tàng cả tạ rau bí từ Vĩnh Phúc xuống Hà Nội. Gần 20 năm nay, quãng đường dài hơn 40km đã làm bạn với chị bất kể nắng mưa, nhọc nhằn. Chị chọn chợ Phú Gia (Hà Nội) làm cứ điểm - một góc thân quen, nơi đã gắn bó với chị nửa đời người.

Công việc đầu tiên của chị Lợi khi xuống chợ là phân chia rau tước sẵn vào từng túi, đóng theo đơn đặt hàng. Phần còn lại chưa xử lý, chị ngồi nhặt thêm cho đủ số lượng và tranh thủ buôn kèm vài loại rau quả kiếm lời.

{keywords}
20 năm xa quê là 20 năm chị Lợi gắn bó với nghề tước rau bí

Trung bình mỗi ngày, nhà chị cung ứng cho quán ăn, nhà hàng trong nội thành Hà Nội từ 150-200kg rau bí tước sẵn, ngày nhiều lên tới 170-200kg với giá 30.000 đồng/kg. Nhờ có mối tốt, khách sộp nên đều đặn mỗi ngày chị thu về 1,5-2 triệu tiền lãi.

Để có đủ nguồn cung, chị thuê thêm 2 lao động từ quê ra Hà Nội để hỗ trợ chị nhặt rau bí, ngoài ra còn phụ chị chở hàng, gieo trồng và chăm sóc rau non, với mức lương 6 triệu đồng/tháng.

Còn tại nhà, chị huy động toàn bộ thành viên trong gia đình “ra quân” sản xuất cho kịp tiến độ.

“Một mình tôi làm sao cáng đáng nổi. Ra chợ hôm nào thấy tôi tước nhiều chị em cũng túm lại nhặt giúp. Còn ở quê, các cụ trong xóm cứ chiều rảnh lại sang nhà đỡ một chân một tay”, chị kể.

{keywords}
Thợ chuyên nghiệp mỗi ngày có thể tước được 20-25kg rau bí
{keywords}
Rau bí nhặt xong sẽ được chuyển tới các nhà hàng, quán ăn trên địa bàn Hà Nội.

Vào vụ cao điểm, khi trời tờ mờ sáng, anh Long (chồng chị Lợi) đánh hẳn chiếc xe tải xuống chân cầu Nhật Tân chở rau ngược về Vĩnh Phúc. Rau bí ở đây được trồng trên đất phù sa nên độ tươi ngon hơn hẳn rau ở vùng khác. Đặc biệt là thân rau khá to, dài, thẳng, lá rau xanh, non và và ít bị sâu.

Rau bí khi cắt bán sẽ để dài tầm 1-1,2 mét và xếp lại thành từng bó. Mỗi bó gồm 10 ngọn với giá 6.000 đồng/bó đối với ngọn nhỏ, 12.000 đồng/bó ngọn to. Thường cứ 1.000 ngọn to sẽ đạt khoảng 100kg rau và 2.000 ngọn nhỏ đạt khoảng 100kg rau.

“Trung bình cứ 1 tạ rau sẽ tước được 50kg thành phẩm. Bởi thế mà dân chuyên rất chuộng rau bí ngọn to vì khi nhặt vừa đỡ hao vừa làm nhanh. Nên chuyến nào mà gom được ruộng toàn rau ngọn to là chúng tôi như bắt được vàng”, chị nói.

{keywords}
Cả nhà chị Lợi (Vĩnh Phúc) cùng nhau tước rau để cung ứng đủ số lượng khách đặt

Để đảm bảo độ tươi, rau bí sau khi tước xong sẽ được cho vào thùng xốp ướp đá để qua đêm. Đá và rau được rải đan xen, xếp chồng thành từng lớp để giữ rau tươi, tránh không khí xâm nhập.

Ra đảo hoang thuê đất trồng bí

Trước mỗi chuyến khởi hành, chị Lợi đều phải dậy từ lúc 2 giờ sáng để chuẩn bị đồ. Tính ra mỗi ngày chị chỉ chợp mắt được 4-5 tiếng, hôm nào mất ngủ lại thức xuyên đêm. Thương vợ, ông xã toàn khuyên chị “hay là mình bỏ hết rồi cùng về”.

“Nhiều lúc ông ấy cứ rủ về xuôi nhưng tôi không đồng ý, sau này thì chưa biết nhưng giờ thì không. Nếu về thì biết làm gì bây giờ, ở đây tuy cực nhưng còn kiếm được, sau về già còn có tấm, có món. Nhiều lúc nghĩ cũng tủi nhưng còn khỏe thì cứ làm, cố được đến đâu thì cố”, chị Lợi chia sẻ.

{keywords}
Vào lúc 3 giờ sáng mỗi ngày, chị Lợi đều chở cả tạ rau bí từ Vĩnh Phúc xuống Hà Nội

Đã tròn 20 năm kể từ ngày chị Lợi cùng chồng khăn gói quả mướp xuống Thủ đô lập nghiệp, nhiều lúc ngẫm lại, người đàn bà Vĩnh Phúc tuổi ngoài tứ tuần vẫn không khỏi xúc động nhớ về chuỗi ngày gian nan. Để mưu sinh, hai vợ chồng chị chuyển đến một hoang đảo ở giữa sông Hồng làm nơi cắm dùi và thuê một mảnh đất con con trồng rau bí.

“Tính ra, tôi đã ở đây gần nửa đời người. Sống mãi như vậy rồi cũng quen. Hồi mới qua đây thì vất lắm, không quyết tâm chẳng trụ nổi. Khu này nằm tách biệt với đất liền, chẳng có gì ngoài nắng với gió. Không điện, không nước sạch, muốn qua bờ bên kia đi chợ thì phải chèo thuyền sang” - chị nghẹn lời.

{keywords}
Khi tước rau, phần ngọn và phần lá sẽ được để riêng
{keywords}
 Để đảm bảo độ tươi, rau bí sau khi tước xong sẽ được cho vào thùng xốp ướp đá để qua đêm

20 năm trước, đây chỉ là bãi bồi hoang nằm dưới chân cầu. Sau đó, một cuộc di dân lớn từ nhiều làng ở Vĩnh Phúc ra bãi sinh sống, dần mới trở nên đông đúc. Mọi người ở đây chủ yếu trồng hoa màu và buôn bán nhỏ ở các chợ nội đô.

“Ở làng tôi, cứ 10 người thì 8 người rủ nhau xuống Hà Nội. Ruộng ít, không có công ăn việc làm, vợ chồng tôi cũng vì thế mà dứt áo ra đi. Các con tôi gửi ông bà giữ hộ, thi thoảng cuối tuần mới đón cháu xuống chơi”, chị kể.

Nếu đối với chị Lợi, rau bí là cả nguồn sống thì anh Long - chồng chị - lại rong ruổi đổ buôn xăng dầu. Thấy công việc của vợ vất vả, anh phải giảm khối lượng công việc xuống một nửa để hỗ trợ. Để tiện đi lại, hai vợ chồng chị quyết định mua một chiếc xe tải chở rau.

“Thấy bà xã ngày nào cũng tất bật nên tôi chọn cách lùi về phía sau để phụ giúp. Chúng tôi san sẻ nhọc nhằn với nhau để con đường đi ngắn lại” - anh Long tâm sự.

Hoàng Dung