- Một khối u máu có đường kính lên tới 18cm trong gan bé gái 9 tuổi đã được các bác sĩ Bệnh viện Nhi trung ương cắt bỏ thành công.

Cháu N.T.M ( 9 tuổi) được đưa tới Bệnh viện Nhi trung ương khám do đau tức mạn sườn trái từ đầu năm 2014. Các bác sĩ phát hiện trong gan trái bệnh nhi có một khối u máu kích thước lớn, chỉ định cho thuốc về nhà uống và hẹn tái khám.

Tuy nhiên, gia đình tự ngưng điều trị và đến hơn 1 năm sau mới đưa con trở lại bệnh viện do thấy bụng bé to bất thường.

{keywords}
Hình ảnh khối u khổng lồ trong gan bé gái. Ảnh: BS cung cấp

Lúc này, khối u đã phát triển lớn với đường kính 18cm, chiếm gần toàn bộ vùng khoang bụng trái. Hình ảnh chụp CT cũng cho thấy, trên khối u có nhiều mạch máu và mạch máu nuôi u.

Sau khi hội chẩn toàn viện, các bác sĩ đã quyết định phẫu thuật cắt bỏ khối u, thay vì can thiệp nút mạch do trên khối u có quá nhiều mạch nuôi.

Ca phẫu thuật do PGS.TS Trần Ngọc Sơn - Phó Trưởng khoa Ngoại phụ trách gặp nhiều khó khăn do khối u bị dính nhiều với cơ hoành trái, lách và mạc nối, nguy cơ chảy máu cao, có thể đe dọa đến tính mạng do cháu bé bị rối loạn đông máu với tỷ lệ prothrombin thấp, hồng cầu tăng cao (đa hồng cầu).

Cháu bé được truyền plasma tươi để tăng cường đông máu và rút bớt máu để làm giảm tình trạng đa hồng cầu.

Kết quả, các bác sĩ đã cắt bỏ thành công khối u, bảo tồn được lách với lượng máu mất tối thiểu.

Trung tuần tháng 3 vừa qua, cháu M. được ra viện trong tình trạng sức khỏe ổn định.

Theo bác sĩ Sơn, u máu (hemangioma) ở gan là một trong những u gan lành tính hay gặp nhất ở trẻ em. Bệnh không có triệu chứng rõ rệt và thường được phát hiện tình cờ khi kiểm tra sức khỏe, siêu âm gan hoặc chụp cắt lớp vi tính.

Khi u máu phát triển có kích thước lớn gây triệu chứng như: đau bụng, chướng bụng… thì cần điều trị phẫu thuật cắt gan.

Bác sĩ Sơn khuyến cáo, việc kiểm tra định kỳ 3 tháng một lần khi phát hiện u máu rất quan trọng, giúp bác sĩ phát hiện sự tăng bất thường về kích thước của u máu để kịp thời can thiệp, tránh nguy cơ cho trẻ.

T.Hạnh