Theo đánh giá của nhiều chuyên gia hoá sinh, vi sinh, sự việc cắt đôi que thử xét nghiệm tại BV đa khoa Xanh Pôn, Hà Nội là điều chưa từng thấy.
PGS.TS Nguyễn Nghiêm Luật, nguyên Trưởng khoa Hóa sinh, ĐH Y Hà Nội khẳng định, trong nhiều chục năm làm nghề, chưa thấy ai, đơn vị nào cắt đôi que thử, đây là lần đầu tiên ông thấy sự việc này.
“Quy định của quốc tế và của hãng đều không cho phép làm vậy. Nhà sản xuất đã tính toán rất kĩ về liều lượng kháng thể, thử trên số lượng mẫu rất lớn giờ mang ra cắt đôi như vậy chắc chắn ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm nhưng tỉ lệ sai sót bao nhiêu cần có nghiên cứu đối chứng”, PGS Luật nói.
PGS.TS Nguyễn Nghiêm Luật khẳng định quy định quốc tế cũng như quy định của các hãng sản xuất không cho phép cắt đôi que test nhanh
Ông cho biết, bản thân các que test nhanh vẫn có một tỉ lệ nhất định kết quả bị sai sót, có hiện tượng dương tính giả, âm tính giả, tỉ lệ này sẽ tiếp tục tăng lên nếu nhân viên y tế thực hiện sai kĩ thuật hoặc trước khi xét nghiệm bệnh nhân có dùng một số loại thuốc.
“Nên với những trường hợp HIV test nhanh cho kết quả dương tính vẫn chưa thể kết luận được, cần phải làm các xét nghiệm hiện đại hơn, kĩ hơn. Viêm gan B cũng vậy, âm tính chưa chắc không bị vì có dạng tiềm ẩn, lúc đó kháng nguyên âm tính, số lượng virus không đủ để phát hiện, trong trường hợp này phải sinh thiết gan để xác định”, PGS Luật phân tích.
Theo PGS Luật, trên các que test nhanh sẽ được phân bổ từng loại kháng thể tuỳ theo vị trí. Khi huyết thanh, máu, nước tiểu của người bệnh chạm đến đâu, sẽ có phản ứng, nếu dương tính sẽ báo 2 vạch.
Việc kĩ thuật viên cắt đôi que thử sẽ làm kháng thể giảm đi một nửa nên độ chính xác của kết quả xét nghiệm cũng giảm.
Theo ông, trường hợp làm sai lệch kết quả xét nghiệm sẽ gây hậu quả cực kỳ lớn, ảnh hưởng rất nhiều đến bệnh nhân.
“Đơn cử những trường hợp bị HIV dương tính nhưng test nhanh báo âm tính khiến bệnh nhân yên tâm, về sinh hoạt vô độ thì rất nguy hiểm hay bệnh nhân viêm gan B dương tính lại báo âm, về không điều trị gì khiến bệnh ngày càng nặng”, PGS Luật dẫn chứng.
Về hành vi trộn chung các mẫu máu xét nghiệm vào chung một ống rồi xét nghiệm ELISA, PGS Luật cho biết, không ai làm như vậy.
Trường hợp cả 5 mẫu đều âm tính thì khẳng định 5 bệnh nhân âm tính, nhưng không thể loại trừ được trường hợp 5 mẫu có thể phản ứng với nhau.
Một chuyên gia xét nghiệm tại BV Bạch Mai cũng khẳng định, việc cắt đôi que thử xét nghiệm HIV, viêm gan B chắc chắn sẽ làm sai lệch các kết quả xét nghiệm.
Chuyên gia này cho biết, que test nhanh thường được chia thành nhiều ô phản ứng trên bề mặt, mỗi ô có chứa một loại kháng thể, bọc bên ngoài là một lớp vỏ cố định. Nếu cắt đôi sẽ làm xáo trộn các lớp, huyết thanh, máu của người bệnh sẽ thấm ngang theo vết cắt, không thấm theo thứ tự kháng nguyên từ trên xuống dưới hoặc từ dưới lên trên, ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm.
Nếu kháng nguyên không đủ, que thử sẽ không thể phát hiện được, gây hiện tượng âm tính giả.
Vị này cho hay, các que test nhanh chỉ là xét nghiệm định tính, để có độ chính xác cao hơn cần làm xét nghiệm định tính bán định lượng, xét nghiệm miễn dịch.
Thúy Hạnh
BV Xanh Pôn chưa xác định được bao nhiêu test xét nghiệm bị cắt đôi
- BV Xanh Pôn cho biết vẫn đang phối hợp với các cơ quan chức năng để làm rõ vụ việc, hiện chưa xác định được chính xác số que thử bị cắt đôi.