Cát Hải nổi tiếng với quần đảo Cát Bà và vịnh Lan Hạ.

Nằm về phía Đông Nam thành phố Hải Phòng, quần đảo Cát Bà có diện tích gần 300km2, là địa bàn có vị trí quan trọng về quốc phòng, an ninh và nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch; với 366 hòn đảo lớn nhỏ, có vườn Quốc gia Cát Bà, có nhiều vịnh đẹp, được Thủ tướng Chính phủ công nhận vùng biển Cát Bà là khu bảo tồn biển của Việt Nam (năm 2003), quần đảo Cát Bà được UNESCO công nhận là khu Dự trữ sinh quyển thế giới (năm 2004); được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt (năm 2013).

Huyện Cát Hải đang nỗ lực phối hợp với các cơ quan chức năng hoàn thiện hồ sơ báo cáo Chính phủ để trình UNESCO công nhận "vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà" là Di sản thiên nhiên thế giới.

cathai.png
Nhà ga Cát Hải

Không chỉ nổi tiếng với những bãi tắm đẹp, vịnh Lan Hạ nằm ở phía Đông đảo Cát Bà cũng là một địa điểm nguyên sơ hấp dẫn khách du lịch. Vịnh thanh bình ôm trọn Cát Bà thành hình vòng cung, gồm hơn 400 đảo lớn nhỏ, tạo nên một bức tranh đất trời non nước chấm phá đầy ngẫu hứng và nhiều sắc xanh.

Với biển xanh, cát trắng mịn màng, khí hậu ôn hòa, không khí trong lành tựa như một thiên đường nghỉ dưỡng mà tạo hóa ban tặng, Cát Bà sẽ là điểm dừng chân lý tưởng sau những ngày ngược xuôi mỏi mệt.

Đến thăm thú nơi hòn đảo ngọc, du khách sẽ có được những trải nghiệm khó quên: khám phá những hang động kỳ thú hay tận hưởng cảm xúc đón bình minh trên bãi tắm yên tĩnh, thanh bình và hoang sơ như chốn không người.

Bên cạnh đó, vườn Quốc gia Cát Bà rộng 15.200 ha với hệ thống động thực vật vô cùng phong phú, là nơi lưu giữ những nguồn gen quý hiếm có trong sách đỏ thế giới mà đặc trưng là loài Voọc Cát Bà và cây kim giao. Khu dự trữ sinh quyển quần đảo Cát Bà đã được ghi nhận là “Phòng thí nghiệm học tập về sự phát triển bền vững” đầu tiên trên thế giới về các giá trị đa dạng sinh học, với 3.154 loài động vật và thực vật; trong đó, có 60 loài thực vật và 22 loài động vật quý hiếm, đặc hữu có tên trong sách đỏ Việt Nam, có 29 loài thực vật và 7 loài động vật trong sách đỏ thế giới. Các loài đặc hữu, quý hiếm, đang bị đe doạ về sự tồn vong, về động vật gồm có: Voọc Cát Bà, Sơn Dương, Thạch sùng mí Cát Bà; về thực vật có: Tuế Hạ Long, Chò Đãi, Kim Giao, Lát Hoa...

Chỉ trong vòng 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ huyện, nhiệm kỳ 2015-2020, với sự quan tâm đặc biệt của Trung ương, thành phố và nỗ lực phấn đấu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Cát Hải đã đột phá tạo nên diện mạo mới của một huyện đảo năng động, sáng tạo trong quá trình tiếp tục đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng.

Bước đột phá cho sự khởi đầu đầy ấn tượng qua 5 năm đối với ngành du lịch - dịch vụ, Cát Hải đạt con số tăng trưởng cao nhất từ trước tới nay với mức bình quân 17%/năm; kết thúc năm 2019, lượng khách du lịch đã vượt chỉ tiêu 41%, doanh thu từ hoạt động du lịch - dịch vụ đạt trên 1,8 nghìn tỷ đồng, vượt 2,4 lần so chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội XI. Du lịch - dịch vụ đã trở thành ngành kinh tế giữ vai trò chủ đạo của huyện.

Vĩnh Bảo