Nữ bệnh nhân 62 tuổi, nhập viện trong tình trạng đau nhức bầu ngực, kết quả nhũ ảnh ghi nhận hàng trăm khối cản quang và không thể phân biệt silicon và khối u. Để tránh hiểm họa khôn lường, bác sĩ đã buộc phải đoạn cả 2 vú của người bệnh.

Ngày 13/7, BS Nguyễn Triệu Vũ, khoa Ung bướu - Ngoại tổng quát, bệnh viện quận Thủ Đức cho biết, tại đây vừa can thiệp cho trường hợp bị di chứng sau bơm silicon lỏng. Bệnh nhân là bà T.T. (62 tuổi, ngụ tại quận Thủ Đức) vào viện trong tình trạng đau nhức bầu ngực.

Khai thác bệnh sử ghi nhận, khoảng 30 năm trước bà T. đã bơm silicon lỏng để làm đẹp bầu ngực. Trước khi vào viện, bệnh nhân thường xuyên có biểu hiện đau nhức.

{keywords}

Hình ảnh kiểm tra không phân biệt được khối u và khối silicon nằm dày đặc trong bầu vú

Các bác sĩ đã tiến hành siêu âm, nhũ ảnh nhưng không thể phân biệt được khối u và hàng trăm khối silicon lỏng trong 2 bầu vú của người bệnh. “Bà T. rất hoang mang và lo lắng trước nguy cơ bị ung thư vú. Theo khuyến cáo của y văn thế giới, những trường hợp như bệnh nhân T. nếu phẫu thuật chẳng những sẽ rất khó có thể lấy hết được các khối silicon mà còn khiến bầu vú của người bệnh bị biến dạng. Bệnh nhân đã chấp nhận phương pháp đoạn nhũ, nạo hết toàn bộ mô vú để giải thoát khỏi những di chứng do các khối silicon gây ra. Sau phẫu thuật, sức khỏe người bệnh đã ổn định.

Phân tích chuyên môn của BS Triệu Vũ chỉ ra: Silicon lỏng rất phổ biến trong lĩnh vực thẩm mỹ cách đây khoảng 20 năm, dựa trên đặc tính trơ, làm đầy, ít gây dị ứng nên nhiều bác sĩ cũng như người bơm silicon nghiệp dư đã sử dụng để nâng ngực, nâng mũi, xóa nếp nhăn… cho người có nhu cầu. Tuy nhiên, thực tế sử dụng cho nhận thấy, silicon lỏng có rất nhiều tác dụng phụ như gây loét kéo dài, đau, co rút biến dạng, tạo cục hoặc di chuyển vào phổi, thận… gây ra những hậu quả nghiêm trọng về mặt thẩm mỹ và sức khỏe người bệnh.

{keywords}

Silicon lỏng đã kết thành khối được lấy ra khỏi bầy vú bệnh nhân

Đặc biệt, khi tiêm vào vú, một thời gian sau, silicon kết thành khối gây nhiều nốt trong vú, rất khó phân biệt với khối u. Nếu bệnh nhân chẳng may bị ung thư sẽ khó phát hiện sớm. Do đó, từ năm 1991 Cơ quan quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã ban hành lệnh cấm sử dụng silicon lỏng nhằm mục đích thẩm mỹ, trừ một số ít chỉ định đặc biệt.

Tại Việt Nam, hiện nay silicon lỏng vẫn còn phổ biến do giá rẻ và đúng tâm lý thích “một vẻ đẹp nhanh chóng”. Nhưng, rất ít người biết được các tác hại do silicon gây ra bởi “tiêm vào thì dễ, lấy ra rất khó”. Mặt khác, những biến dạng do silicon gây ra rất khó khắc phục, có thể mất nhiều lần phẫu thuật, chỉnh sửa.

Để tránh các tai biến, biến chứng do silicon lỏng gây ra, BS Triệu Vũ khuyến cáo, người dân nếu có nhu cầu làm đẹp nên đến các bệnh viện hoặc trung tâm thẩm mỹ có uy tín để được tư vấn và chọn lựa phương pháp làm đẹp hiệu quả, an toàn.

(Theo Dân trí)