6 năm mong ngóng cầu nối nhịp

Nằm cách trung tâm TPHCM hơn 10km, xã Phước Lộc (huyện Nhà Bè) hiện nay bị ngăn cách bởi 3 con rạch: Hiệp An, Long Kiểng, Ông Lớn nên giao thương khu vực gặp nhiều khó khăn.

z5683120264799 184afced3e4ecb11c4bdc9a76f9006a4 998.jpg
Cầu Rạch Cây Khô với kinh phí 500 tỷ đồng dự kiến thông xe vào dịp Quốc khánh 2/9. Ảnh: T.K

Riêng rạch Ông Lớn có chiều rộng chưa đầy 100m, chạy xuyên tâm, chia cắt xã Phước Lộc thành đôi bờ (gồm bờ tây và bờ đông). Người dân muốn qua lại có hai cách di chuyển gồm đường bộ và đường sông nhưng đều rất "gian truân".

Với đường sông có bến đò tại ấp 3, mỗi chuyến chở được khoảng 12 người, thời gian "luỵ đò" từ 10-20 phút. Bến này hoạt động từ 6-19h, giá vé 4.000 đồng/lượt (bao gồm cả xe máy).

Còn đường bộ, người dân phải đi đường vòng hơn 10km theo lộ trình từ đường Đào Sư Tích (bờ đông rạch Ông Lớn)→ Lê Văn Lương→  Nguyễn Hữu Thọ→ Nguyễn Văn Linh→ Phạm Hùng→ Nguyễn Văn Ràng (bờ tây rạch Ông Lớn). 

z5682623542442 ec3c1af89287344a622d4fcd5c07b6db 949.jpg
Người dân xã Phước Lộc sắp thoát cảnh "qua sông luỵ đò" khi cầu Rạch Cây Khô thông xe. Ảnh: T.K

Ông Nguyễn Văn Nam (nhà trên đường Nguyễn Văn Ràng, bờ tây rạch Ông Lớn) cho biết, trung tâm hành chính xã, cơ sở y tế, trường học hầu hết nằm phía kia bờ theo trục đường Đào Sư Tích, nên mỗi lần có công chuyện như làm giấy tờ, khám chữa bệnh, học sinh đi học... đều rất vất vả.

“Ngại đi đường vòng 10km, chúng tôi chọn cách 'lụy đò' để qua lại nhưng phương án giao thông này bộc lộ nhiều hạn chế, mất an toàn. Đò nhỏ chỉ chở được ít người. Lúc thời tiết mưa gió đi lại rất nguy hiểm; gặp lúc nước xuống thấp theo thuỷ triều thì đò bị mắc kẹt, phải tạm dừng hoạt động”, ông Nam bày tỏ.

Vì những khó khăn trên, không chỉ ông Nam mà hầu hết người dân xã Phước Lộc đều trông ngóng công trình xây dựng cầu kết nối đôi bờ sớm hoàn thành.

“6 năm qua, người dân chúng tôi mỏi mòn chờ đợi cầu, đường sớm được đưa vào sử dụng để bà con không còn cảnh phải đi đường vòng hoặc phải đi đò rất nguy hiểm”, ông Tám Vượng (người dân ngụ huyện Nhà Bè) chia sẻ

W-z5682623093477_9a507b49be2c7a7c5f991b1b6a518db9.jpg
Cầu Rạch Cây Khô đã nối nhịp đôi bờ rạch Ông Lớn. Mặt cầu được thảm nhựa, sơn vạch. Ảnh: T.K
W-z5682623409195_513aed5fc932340ac50277c5ff3a53a8.jpg
Phần lan can bảo vệ cầu bằng thép cao 1m, lề bộ hành rộng 1m lát gạch đã hoàn thành lắp đặt. Ảnh: T.K
W-z5682623381691_c2e4d0cb814b53d8353e4f4565092593.jpg
Công trình có một cầu đi bộ lắp đặt ở phía gần đường Nguyễn Bình tạo thuận lợi cho người dân. Ảnh: T.K

Dồn lực đưa dự án cầu Rạch Cây Khô thông xe dịp lễ 2/9

Cầu Rạch Cây Khô bắc qua rạch Ông Lớn được khởi công năm 2018, tổng vốn đầu tư 500 tỷ đồng, do Ban quản lý đầu tư xây dựng khu vực Nhà Bè quản lý. Công trình dự kiến hoàn thành năm 2023 nhưng trễ tiến độ do vướng mặt bằng.

Theo ghi nhận, đến nay, các hạng mục chính của dự án đã thành hình bao gồm phần cầu có chiều dài 485m, rộng 12,5m với hai làn xe chạy. Toàn bộ kết cấu bề mặt cầu đã được thảm nhựa, làm vỉa hè, thoát nước, kẻ vạch đường, lắp lan can.

Cầu có thiết kế với 10 trụ và hai mố, cao khoảng 5m so với mặt đường. Tĩnh không cầu 7m giúp tàu thuyền qua lại thuận lợi.

Trên công trường, nhà thầu đang huy động nhân lực, máy móc để đẩy nhanh các hạng mục hoàn thiện các chi tiết dải phân cách, đèn chiếu sáng.

z5682623451423 269e1ca9192179e84ceb20772da32d07 934.jpg
Cầu có thiết kế với 10 trụ và hai mố, cao khoảng 5m so với mặt đường. Phía dưới gầm cầu đang thi công đường dân sinh. Ảnh: T.K

Ông Lê Minh Trí, Giám đốc Ban quản lý đầu tư xây dựng khu vực Nhà Bè cho biết, dự án đã hoàn thành các hạng mục chính và đạt hơn 98% khối lượng thi công. Hiện nhà thầu nỗ lực triển khai các hạng mục "nước rút' như lắp đặt taluy, đèn chiếu sáng, trải nhựa đường nhánh kết nối.

"Dự kiến cầu sẽ hoàn thành vào cuối tháng 8 và tổ chức thông xe dịp lễ 2/9", ông Trí thông tin.

z5682623431486 32d4d721248e53428b05eaf1481f1d93 930.jpg
Cầu Rạch Cây Khô bắc ngang qua rạch Ông Lớn sẽ mở ra tuyến đường kết nối mới giữa hai huyện Bình Chánh và Nhà Bè, giúp giao thương thuận lợi. Ảnh: T.K

Đại diện UBND huyện Nhà Bè cho biết, cầu Rạch Cây Khô sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân sinh sống ở hai huyện Nhà Bè, Bình Chánh qua lại. Cầu cũng mở ra hướng kết nối khu vực với các quận 5, 6, 8 và khu đô thị Nam Sài Gòn.

Đồng thời, cầu cũng góp phần giảm tải áp lực giao thông cho trục đường Nguyễn Hữu Thọ, giúp việc đi lại giữa đường Nguyễn Văn Linh với Khu công nghiệp Hiệp Phước và cảng Hiệp Phước được dễ dàng hơn.