Cô Nguyễn Lan Phượng, giáo viên chủ nhiệm của em Nguyễn Hữu Hải Lâm, cho hay nhà trường sẽ tuyên dương hành động của cậu bé trước hàng nghìn học sinh và thầy cô giáo.
Chiều 5/12, Nguyễn Hữu Hải Lâm (học sinh lớp 2, trường Tiểu học Dư Hàng Kênh, Hải Phòng) cùng mẹ chia sẻ với Zing.vn về câu chuyện được đăng trên mạng xã hội trước đó.
"Lúc đâm vào xe, cháu rất sợ. Nhưng cháu được bố mẹ và cô giáo dạy phải biết nhận lỗi khi mình sai nên cháu đã đứng lại xin lỗi chú lái xe", Lâm kể lại.
Cậu bé bày tỏ em rất vui khi hành động của mình được cô giáo tuyên dương trước lớp. Lâm nghĩ đó chỉ là hành động nhỏ, nhiều bạn còn làm tốt hơn em.
Sau khi xe đạp va vào ôtô, cậu bé 7 tuổi đã dừng lại, khoanh tay xin lỗi tài xế (Ảnh chụp màn hình) |
Bài học về lời xin lỗi
Cô Nguyễn Lan Phượng, giáo viên chủ nhiệm của Lâm, cho biết cô đã khen ngợi em trước lớp. Nữ giáo viên đánh giá việc làm của cậu bé đơn giản nhưng thể hiện sự dũng cảm, dám nhận lỗi.
"Tôi tự hào về học trò của của mình. Các cháu còn nhỏ, tâm hồn như tờ giấy trắng. Hành động này là kết quả từ sự dạy dỗ của gia đình, quá trình tự rèn luyện và vai trò của giáo dục trong nhà trường”, cô Phượng nói.
Theo nữ giáo viên chủ nhiệm này, cô vẫn dạy học trò phải biết nhận lỗi và sửa lỗi trong môn học Đạo đức lớp 2. Câu chuyện của em Lâm là ví dụ trực quan, sinh động giúp cô áp dụng vào việc giảng dạy trong giờ ngoại khóa.
"Quan điểm giáo dục của nhà trường là dạy chữ phải song hành dạy lối sống, đạo đức. Hàng tháng, chúng tôi vẫn tuyên dương những tấm gương đạo đức về cách ứng xử dũng cảm, tinh thần vượt khó của học sinh trước toàn trường”, cô Phượng nói thêm.
Cô thông tin trong buổi sinh hoạt chào cờ đầu tuần tới, nhà trường sẽ tuyên dương hành động của cậu bé trước hàng nghìn học sinh và thầy cô giáo.
"Tôi không muốn con được khen"
Trao đổi với Zing.vn, chị Nguyễn Thu Hằng (33 tuổi, Hải Phòng), mẹ của bé Lâm, bày tỏ: "Khi câu chuyện được chia sẻ nhiều trên mạng xã hội, tôi khá xúc động vì con trai biết chịu trách nhiệm với việc làm của mình. Song, tôi không muốn bé được khen ngợi quá nhiều".
Chị lo lắng nhiều người quan tâm dễ khiến con trai sinh tâm lý ỷ lại, không chịu cố gắng. Chị muốn con ý thức được việc làm của mình, tự nhận lỗi, rút kinh nghiệm lần sau.
Ở lớp, Hải Lâm là cậu bé học giỏi, nghe lời thầy cô (Ảnh: NVCC) |
Chị Hằng cho rằng hành động của con trai mình không có gì đáng nói. Các bậc phụ huynh hay mắc sai lầm ở chỗ quá chiều chuộng, bao bọc con. Chị luôn dạy con trai tính độc lập, tự chịu trách nhiệm việc mình gây ra từ nhỏ.
Người mẹ trẻ tiết lộ điều quan trọng trong giáo dục con cái là mình thương nhưng không bênh con, thưởng phạt phân minh. Từ đó, cha mẹ dạy con tự giác, biết quan tâm người khác.
Cô Lê Nguyễn Phương Thảo - giảng viên Đại học Khoa học Huế - cho hay qua câu chuyện của cậu bé Lâm, nhiều người lớn tự thấy hổ thẹn khi bản thân không thể nói xin lỗi tưởng chừng đơn giản khi hành động sai trái, gây hậu quả nghiêm trọng.
"Nhiều tài xế ôtô gây tai nạn lại vội vã bỏ chạy, chối bỏ trách nhiệm. Họ không những tước đoạt đi sức khỏe của người khác mà còn đánh mất chính lòng tự trọng của bản thân", nữ giảng viên nhận định.
Cô Thảo cho rằng nói xin lỗi là bài học chúng ta được dạy từ khi vừa biết nhận thức, là hành động cơ bản mỗi người phải thực hiện khi làm sai, ảnh hưởng người khác. Tuy vậy, nhiều người lớn không làm được điều mà cậu bé 7 tuổi đã thực hiện.
Theo Kiều Trang/ Zing