- “Bỏ con bỏ cháu, không bỏ mồng 6 chợ Chuộng”. Không lỡ hẹn, mùng 6 Tết hàng năm, chợ Chuộng lại nhộn nhịp họp. Hễ qua sông là bị ném, năm nào không đánh nhau to thì năm đó mùa màng thất bát, người dân đau ốm.

Chợ Chuộng họp trên bãi bồi ven sông Thiều, thuộc địa phận xã Đông Hoàng, huyện Đông Sơn, Thanh Hóa; giáp ranh ba huyện Đông Sơn, Triệu Sơn, Thiệu Hóa. Chợ có phong tục kỳ lạ là càng năm nào đánh nhau to thì năm đó người dân càng gặp nhiều may mắn.

Ném nhau, đánh nhau để cầu may

Không ai biết vì sao chợ có tên gọi kỳ lạ vậy, chợ có từ khi nào cũng không ai nhớ nổi. Tương truyền, chợ được lập nên bởi trước đây có vị vua nhà Lê hành quân đánh giặc qua vùng này vào mùng 6 Tết âm lịch, để che mắt giặc, vua phải nhờ người dân giả họp chợ, vũ khí được cất giấu trong những gánh hàng.

Khi giặc tới, nghe lệnh vua, người dân nhất tề xông ra giết giặc. Từ đó, chợ được họp mùng 6 Tết hàng năm để tưởng nhớ vị vua kia; đánh nhau để mô phỏng lại trận đánh năm nào.

 
Chiếc cầu được bắc tạm bợ để qua sông sang chợ

Gọi là chợ “đánh nhau” bởi đánh nhau để cầu may là một phong tục không thể thiếu của chợ Chuộng. Khi vãn chợ sẽ xảy ra vài vụ “ẩu đả”, nhưng đó chỉ là những cuộc đánh nhau tượng trưng của thanh niên các làng tổ chức với nhau để cầu may, nếu người bị đánh chạy vào làng nào thì năm đó làng sẽ giàu sang, người dân gặp may mắn.

Chợ Chuộng chủ yếu bán các loại rau, củ, các đồ cầu may. Song có lẽ mặt hàng bán chạy nhất ở chợ là…cà chua. Người đi chợ không chỉ cầu mong mua may bán đắt mà chủ yếu xem ném nhau, đánh nhau lấy may.

Đánh bạc không kể tuổi tác


Dân nơi đây có câu“ Không ném, không đánh thì không thành chợ Chuộng”. Người dân đi chợ ném nhau để cầu may mắn, chủ yếu là ném cà chua, ai bị ném càng nhiều thì năm đó càng gặp may nhiều.

Chị Thủy, người bán cà chua ở chợ cho biết: “Cà chua chỉ có 3 nghìn/ cân, từ sáng tới giờ chị bán được hơn trăm nghìn, chủ yếu là bọn trẻ mua để ném nhau”. Lúc đầu chủ yếu là con trai trêu con gái mới ném, sau thì bạ đâu cũng ném, ném cả vào người đi chợ. Đến cả giáo viên cũng không thoát khỏi bị ném cà chua vào người. Học sinh biết thầy giáo dẫn người yêu đi chợ nên hễ nhìn thấy bóng dáng thầy là… đua nhau ném. Đến khi thầy dẫn được người yêu “chạy thoát” thì đầu tóc, quần áo bê bết hạt cà chua.

"Chạy khắp chợ cũng không thoát khỏi bị ném" - chị Oanh (xã Đông Hoàng – Đông Sơn) vừa gỡ hạt cà chua trên tóc vừa nói. Đầu năm mới, Oanh dẫn bạn học đi chợ Chuộng chơi lấy may, mới qua cầu sang tới chợ đã bị “bủa vây” bởi cà chua từ tứ phía.

“Dù sao bị ném cà chua vẫn còn đỡ, nhiều người còn bị ném cả táo xanh, thậm chí là cả trứng thối, chuối xanh vào người. Có cụ già đang bế cháu đi chơi bị ném cả chuối xanh vào người” - Oanh lắc đầu.

Từ cầu may đến… giải quyết “nợ nần”

Cụ Thoải (người dân xã Dân Quyền – Triệu Sơn) nói: “Trước đây chỉ là đánh nhau cho vui và cầu may thôi, nhưng bây giờ chúng nó đánh nhau ghê quá”. Người dân địa phương ngày càng ít đi xem chợ Chuộng, nếu có đi thì cũng chỉ dám đứng trên bờ đê nhìn xuống bởi sợ bị ném, bị đánh; chủ yếu là người xứ khác đến xem cho biết, thanh niên đi chợ để trêu nhau, ném nhau, thậm chí là để giải quyết “ân oán cá nhân” tại chợ.

Năm nào cũng có đánh nhau


Nhiều người dân địa phương cho biết, “chợ đánh nhau” giờ đây đang mất dần đi ý nghĩa tốt đẹp ban đầu của nó.

Trước đây, đánh nhau chỉ mang tính chất tượng trưng, cầu cho mùa màng tốt tươi, người an vật thịnh. Giờ đây, chợ đánh nhau càng ngày càng to nhưng không còn mang ý nghĩa cầu may nữa mà để chứng tỏ thanh niên làng nào mạnh hơn. Trai các làng có “ân oán, hận thù” gì cũng mang ra chợ để “thanh toán”.

Thậm chí, không chỉ con trai mà con gái cũng tham gia đánh nhau.

Trước đây, khi vãn chợ mới xảy ra đánh nhau, giờ thì khắp chợ chỗ nào cũng thấy từng tốp thanh niên đuổi đánh nhau giữa chợ. Người bị đánh nhẹ thì bầm dập chân tay, nặng thì có thể phải đi bệnh viện cấp cứu.

Và đây là nạn nhân của trò ném cà chua

Anh Quyết (xã Dân Lý – Triệu Sơn) kể lại: “Năm trước bọn em đi chợ bị trai bên xã Đông Hoàng dìm xuống sông, đến khi lóp ngóp bò lên vẫn còn bị đuổi đánh. Năm nay đi xem chỉ dám đứng trên bờ”. Nhưng Quyết cho biết, thanh niên bên làng đã chuẩn bị sẵn “vũ khí” để đến khi tan chợ sẽ “phục thù” trai Đông Hoàng vì năm trước bị đánh.

Khắp chợ, xen lẫn giữa những gánh hàng là từng nhóm túm tụm lại để đánh bạc, chơi xóc đĩa. Các nhóm từ 5 đến 7 người, không kể già trẻ, lớn bé đều chơi. Chơi nhỏ thì vài nghìn, lớn thì vài chục nghìn. Nhiều khi, mâu thuẫn đánh nhau cũng từ chuyện ăn thua một vài nghìn mà ra.

Theo ghi nhận của chúng tôi, lực lượng chức năng tại lễ hội quá mỏng, từ 15 – 20 công an viên các xã phụ trách trên địa bàn họp chợ cũng không đảm bảo được an ninh cho suốt phiên chợ. Khi xảy ra ẩu đả cũng chỉ là phạt cảnh cáo.

“Nhiều khi trai các làng không đánh nhau ở chợ mà hẹn nhau ra khu vực khác để giải quyết nên dù có bố trí lực lượng bảo vệ cũng không thể kiểm soát hết được” - đại diện công an xã Đông Hoàng – Đông Sơn cho biết.

Hoàng Phương