Thủ tướng Phạm Minh Chính đến thăm, chúc mừng các Chư tôn Giáo phẩm Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tăng ni, nhân Đại lễ Phật đản, Phật lịch 2567 năm 2023.

Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đọc thông điệp Đại lễ Phật đản Phật lịch 2567 của Đức Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam - Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng, qua đó kêu gọi kêu gọi tăng ni, phật tử cùng làm điều thiện, tích cực góp phần xây dựng đất nước, kiến tạo hòa bình để kết nên một đài sen cúng dường đức Phật.
Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đọc diễn văn Phật đản: “Đức Phật dạy chúng ta về đức hy sinh, cố gắng giúp đỡ người khác, tình nguyện cùng chia sẻ với mọi người trong hoàn cảnh khó khăn, biết chấp nhận những thiệt thòi, hy sinh bản thân mà vượt qua lòng tham, sự ích kỷ để trở nên con người cao thượng, đáng quý, xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn".
Tắm Phật là nghi lễ không thể thiếu trong Đại lễ Phật đản. Tăng ni, Phật tử tự tay múc nước thanh khiết bằng bát/gáo hình hoa sen. 
Khi tắm Phật, gáo nước thứ nhất sẽ xối từ vai bên trái tôn tượng Đức Phật với ý nghĩa nguyện bỏ điều ác. Gáo nước thứ hai xối cánh tay bên phải của Đức Phật với ý nghĩa nguyện làm những điều lành. Gáo nước thứ ba sẽ xối lên đôi bàn chân của Đức Phật cầu nguyện điều lành cho tất cả mọi người.

Lễ Phật đản  

Lễ Phật đản là một trong 3 lễ cấu thành Lễ Tam hợp mà Liên Hiệp quốc gọi là Vesak (Lễ Phật đản sinh, Lê Phật thành đạo và Lê Phật nhập niết bàn).

Đại lễ Phật đản được Liên Hiệp quốc công nhận là lễ hội văn hóa tôn giáo thế giới vì hòa bình. Thông điệp của Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres đã khẳng định: “Ngày lễ Phật đản là cơ hội vô giá để tất cả chúng ta suy nghiệm lại những lời dạy của Đức Phật trong việc giúp cộng đồng thế giới giải quyết những thách thức khẩn cấp. Thông điệp của Đức Phật về phi bạo lực và phục vụ chúng sinh trở nên cần thiết hơn bao giờ hết”.