- Cầu Hà Tân bắc qua sông Bàn Thạch (Quảng Nam) bị xuống cấp, sụt lún gần nửa mét khiến bề mặt uốn lượn, lan can gẫy đứt.
XEM CLIP:
Cầu Hà Tân dài 300m với 18 nhịp là cây cầu độc đạo để người và phương tiện của 5 thôn (thuộc xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) liên thông với các xã khác của huyện.
Cầu được đưa vào sử dụng từ năm 1994, nay đã xuống cấp nghiêm trọng. 5 năm trước, nhịp cầu thứ 3 cũng đã bị sụt lún.
Nằm gần giữa cầu, nhịp số 8 bị lún gần nửa mét. Cách đó khoảng 40m, nhịp số 3 lún xuống lòng sông khoảng 35cm. Bề mặt cầu uốn lượn, đứt gãy nhiều đoạn lan can. Phía dưới nước mênh mông, sâu gần 10 mét.
Ngoài ra, móng cầu ở phía thôn Hà Mỹ (xã Duy Vinh) xuất hiện một số vết nứt, các mảng bê tông bị sập.
Sáng nay, sau 1 tiếng quan sát, dù chính quyền địa phương đã có cảnh báo "cầu hỏng" nhưng hàng trăm lượt người và phương tiện qua lại cầu, vì không còn đường khác để đi.
Nhịp cầu bị lún gần nửa mét khiến người dân bất an |
“Cách đây 2 hôm, chiếc xe máy úc chạy qua đã làm nhịp số 8 của cây cầu bị sụt lún gần nửa mét. Chính quyền đã cử công an xã làm cổng barie cấm xe trọng tải lớn qua cầu”, ông Trần Ngọc Dũng (58 tuổi, trú thôn Hà Mỹ) cho biết.
Ông Dũng nói thêm, vào mùa mưa nước sông Bàn Thạch dâng cao, chảy xiết thì nguy cơ cầu sập là rất cao. Là cây cầu nối xã Duy Vinh với huyện Duy Xuyên, biết là nguy hiểm nhưng hàng ngàn dân phải liều mình băng qua.
Cầu Hà Tân đã khai thác hơn 20 năm và đang xuống cấp nghiêm trọng |
Bà Nguyễn Thị Thương (61 tuổi, trú thôn 4, xã Duy Vinh) cho biết: “Nguyên nhân cầu lún là do xe tải chở nguyên vật liệu chạy nhiều quá. Mỗi lần tôi đi chợ phải qua cầu đều cảm thấy bất an, không biết cầu sập xuống sông lúc nào”.
Là cây cầu độc đạo nên dù biết nguy hiểm nhiều người dân vẫn liều mình đi qua. Ảnh: Vũ Trung |
Cầu lún gần nửa mét. Ảnh: Vũ Trung |
Để dân qua lại nguy hiểm lắm
Theo Chủ tịch UBND xã Duy Vinh Nguyễn Sáu, xây dựng cách đây hơn 20 năm, cầu Hà Tân đang xuống cấp nghiêm trọng. Mỗi ngày, có khoảng 8.000 lượt người và phương tiện của bà con trong xã và xã Cẩm Kim lưu thông qua, chưa kể người nơi khác đến.
Ông Sáu cho biết, trước đó, xe có trọng tải 6 tấn được qua cầu. Từ khi cầu xuống cấp thì trọng tải cho phép là 3,5 tấn. Việc người dân phải qua lại trên cầu là rất nguy hiểm.
Chính quyền địa phương đặt biển cảnh báo cho người tham gia giao thông. Ảnh: Vũ Trung |
“Ngay sau khi phát hiện cầu bị sụt lún, chúng tôi đã cử công an xã trực, chắn barie để cảnh báo người dân. Tuy nhiên, đó là biện pháp tạm thời, còn về lâu dài cần phải tu sửa hoặc xây mới để người dân thông thương” - ông Sáu nói.
Ông Lê Trung Cường, Phó chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên cho biết, đã nhận được phản ánh của người dân về sự xuống cấp nghiêm trọng của cầu Hà Tân.
“Huyện đã cử đoàn xuống kiểm tra và ghi nhận. Chúng tôi cũng đã có các văn bản kiến nghị lên UBND tỉnh để xin kinh phí sửa chữa, nâng cấp cầu cho bà con đi lại an toàn.
Hiện, huyện Duy Xuyên vẫn đang chờ chỉ đạo từ cấp trên”, ông Cường cho biết thêm.
Hải Phòng: Cầu nghìn tỷ chưa sử dụng đã nứt toác
Cầu vượt Nguyễn Bỉnh Khiêm - Đình Vũ chưa đưa vào sử dụng đã nứt lớn kéo dài do thời tiết xấu.
Lỗ hổng 'chết người' khiến cầu sập liên tiếp
“Lỗ hổng” trong quản lý người lái phương tiện, phao tiêu biển báo gây nên các vụ tai nạn giao thông đường thủy.
Sập cầu đang thi công, 3 người bị vùi lấp
Trong khi đang thi công cầu vòm tại xã Xuân Quang (Chiêm Hóa, Tuyên Quang), hàng trăm khối bê tông sập xuống vùi lấp 3 người.
Lê Bằng