cay cau.jpg

Cầu Xóm Rẫy 

9h sáng, chúng tôi có mặt ở đầu cầu. Màu thời gian đã làm cho cây cầu cũ đi rất nhiều. Một vài người đi bộ, thỉnh thoảng có chiếc xe hai bánh đi ngang qua.

Theo anh Bảy Đa - một người dân ở cạnh cầu, trước đây khu vực này không có cầu. Người dân muốn qua rạch chỉ đi bằng ghe. Sau này dân số phát triển, tuyến đường Long Mỹ - Tân Lợi Thạnh dài hơn 1km được hình thành và việc có một cây cầu để qua rạch là điều cần thiết.

Năm 2005, một nhà hảo tâm người Thụy Sĩ, ông Toni có nhã ý tặng Bến Tre 44 cây cầu dây. Nhờ đó, Long Mỹ có được chiếc cầu dây vượt rạch Bộ Hổ. Đây cũng là tiền thân của cầu Xóm Rẫy hiện nay. Để cầu được thông suốt, 4 hộ dân đã tình nguyện hiến đất mở con đường rộng 1m dài gần 200m làm đường dẫn lên cầu và đường nối ra tỉnh lộ 887.

cay cau.jpg

 Một người dân bị rơi xuống mương được bà con cứu giúp

Cầu dây tồn tại được khoảng 15 năm thì có dấu hiệu xuống cấp, hư hỏng. Sau đó, tỉnh quyết định xóa bỏ 44 cầu dây và xây cầu Xóm Rẫy bằng bê tông.

Sau khi xây cầu Xóm Rẫy với tải trọng 3 tấn, chính quyền tiếp tục vận động bà con hiến thêm đất để mở rộng con đường. 3 hộ đồng ý, riêng hộ bà Nguyễn Thị Thuý chỉ cho 1m. Cũng từ đây, hộ dân này thường xuyên gây khó khăn khi bà con đi ngang qua phần đất của mình.

Anh Bảy Đa cho biết thêm, đoạn đường gần 200m đó ngang qua 8 con mương. Tại mỗi con mương đều được lót bằng nhiều tấm đan để người và xe đi qua.

Bà Lê Thị Phỉ, một người dân ở gần đó bày tỏ, lúc có cầu dây, hộ này đồng ý cho bà con đi ngang qua phần đất của mình nhưng từ khi có cầu bê tông thì không cho nữa. Mỗi lần sửa sang mặt đường hay bắc cầu qua mương, hộ dân đó đều cản trở.

cay cau.jpg

Chở hàng qua mương

Hiện nay, việc đi lại của người dân hết sức khó khăn. Nông sản sản xuất được không thể di chuyển số lượng lớn ra ngoài. Việc đi lại, chợ búa, học hành càng khó khăn hơn mỗi khi có triều cường hoặc mưa lớn. Việc té, rơi người và xe xuống mương xảy ra thường xuyên.

Theo đa số bà con nơi đây, sự việc xảy ra đã nhiều năm nay, người dân liên tục khiếu nại, thậm chí khởi kiện ra tòa án huyện Giồng Trôm nhưng vẫn chưa có kết quả.

Chỉ chờ phán quyết của tòa

Tiếp xúc với bà Thúy được bà cho biết, việc ngăn chặn không cho bà con sử dụng đường vì chủ đất liền kề đã ngăn chặn đường nước trong đất của bà thoát ra. Bà Thúy cũng thừa nhận có ngăn cản người dân lấp đất sửa đường, đập đan qua mương vì trong phần đất của bà nhưng mọi người làm không hề hỏi qua ý kiến của bà. Hiện nay vấn đề đất của bà đã được tòa án huyện thụ lý. Muốn giải quyết vấn đề phải đợi phán quyết của tòa, bà Thúy khẳng định. 

Ông Lê Thành Chiến, Chủ tịch UBND xã Long Mỹ xác nhận bước đầu xã đã thành lập nhiều đoàn đến các hộ dân vận động hiến đất làm đường. Có tất cả 4 hộ thì 3 hộ đồng ý, riêng hộ bà Nguyễn Thị Thuý chỉ đồng ý cho 1m bề ngang mặt đường xuyên qua phần đất 113m của bà.

"1m thì không đủ", ông Chiến nói tiếp. UBND xã tiếp tục vận động nhưng bà Thuý kiên quyết không cho nới rộng. Việc có cầu to mà không thể sử dụng, bị cản trở khi đi qua phần đất của bà Thuý khiến nhiều người bức xúc. Một số hộ dân đã đứng ra làm đơn khởi kiện bà Thuý ra tòa. Đơn gửi đến TAND huyện Giồng Trôm hơn 1 năm nay nhưng vẫn chưa có kết quả.

Các hộ dân đang phải đi qua con đường hẹp, lầy lội

Trong khi chờ đợi phán quyết của tòa, bà con vẫn tiếp tục sử dụng con đường qua phần đất của bà Thuý. Những lúc trời mưa hay triều cường, con đường trở nên lầy lội, bà con đem cát đất đến sửa chữa đều bị bà Thuý xúc bỏ xuống mương.

Chưa hết, bà Thuý còn lấy xà beng cạy đập bỏ những tấm đan qua mương khiến cho việc đi lại của bà con trở nên khó khăn và nguy hiểm hơn.

Qua những lần như vậy, xã đã đứng ra chủ trì để bà con khắc phục đồng thời tiếp tục vận động bà Thuý tạo điều kiện cho bà con đi lại. Những lần bà cạy đan đập bỏ, xúc đất đổ xuống mương đều được xã lập biên bản nhưng không xử lý chỉ với mục đích để bà cảm thông, tạo thuận lợi trong việc hiến đất làm đường. Thế nhưng bà Thuý vẫn giữ quyết định của mình.

Hiện, người dân xã Long Mỹ vẫn đang chờ con đường to đẹp để có thể đi lại thuận lợi.