Xưa người dân Hà Giang trồng mít chỉ để lấy quả ăn chống đói, nay cây mít đã trở thành cây hàng hóa, cây làm giàu của nhiều hộ dân nơi đây.

Từ xưa, người dân xã Hà Giang đã trồng cây mít dai vàng trong vườn nhà. Đây là loại cây ăn quả phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng nơi đây, cho nhiều quả, múi to, màu vàng sậm, ăn giòn dai và có vị ngọt sắc, đem lại nguồn lợi lớn hơn nhiều so với các loại cây trồng khác. 

{keywords}
Mít dai vàng của gia đình anh Bùi Duy Phong, xã Hà Giang, huyện Đông Hưng (tỉnh Thái Bình) dù mới có quả 2 năm nay nhưng đã mang lại nguồn thu lớn cho gia đình.

Hầu hết mít trong xã được nhân giống từ cây mít cổ trên 120 tuổi độc nhất vô nhị của gia đình bà Trần Thị Khể, thôn Hòa Bình, xã Hà Giang. 

Bà Khể cho biết: Cây mít này có từ khi bố tôi còn trẻ, còn nguồn gốc xuất xứ từ đâu thì không ai biết. Dù đã sống hơn 1 thế kỷ nhưng cây mít vẫn cho quả đều. 

Năm nào được mùa cây mít cổ cho hơn 100 quả, năm nào ít cũng phải trên 50 quả, còn trung bình 70 - 80 quả/năm; nặng từ 4 - 12kg/quả. 

"Mỗi năm, ngoài biếu người thân, xóm làng thì gia đình tôi còn thu gần 10 triệu đồng từ việc bán mít. Đặc biệt, từ khi tỉnh quyết định bảo tồn, cây mít cổ được cán bộ ngành Nông nghiệp đến chăm sóc, phòng, trừ sâu bệnh, vì vậy dù tuổi đã cao cây vẫn xanh tốt quanh năm. 3 năm trở lại đây, tôi bán 300.000 đồng/quả trở lên, họ mua về để lấy hạt nhân giống...", bà Khể cho hay.

Cầu nhiều hơn cung, vì vậy mọi người phải đặt mua từ khi quả mít dai vàng còn xanh. Bà Khể ủng hộ chủ trương bảo tồn, nhân giống cây mít cổ và mong các cấp, các ngành sớm đưa cây mít dai vàng thành sản phẩm đặc thù của địa phương để nâng cao giá trị của giống mít này, giúp người dân thoát nghèo, làm giàu.

Là giống mít quý, sai quả, lại thơm ngon hơn các giống mít khác, do đó mít dai vàng của xã Hà Giang được nhiều người sành ăn tìm mua. Thêm nữa, cây mít dễ trồng, dễ chăm sóc, đầu tư giống 1 lần khoảng 10.000 đồng/cây nhưng được thu hoạch lâu dài.

Cây mít cũng ít bị ảnh hưởng bởi bão gió, giá bán ổn định, giá trị kinh tế cao gấp nhiều lần các loại cây ăn quả khác. Đó là lý do mấy năm gần đây khi thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, người dân xã Hà Giang đều chọn cây mít để thay thế các loại cây giá trị kinh tế thấp. 

Vì vậy, ở vùng quê này, gia đình nào cũng trồng mít trong vườn nhà, có nhà trồng trên 100 cây. Toàn xã hiện có 57ha trồng cây lâu năm, trong đó diện tích trồng mít khoảng 37ha với 10.000 cây. 

Anh Bùi Duy Phong, thôn Nam Tiến, xã Hà Giang cho biết: Trong mô hình chuyển đổi diện tích cấy lúa kém hiệu quả của gia đình, tôi chọn trồng 2 loại cây ăn quả chủ lực là mít dai vàng và bưởi Diễn. 

"Đây là những cây ăn quả lâu năm, bởi vậy, trong thời gian chờ mít và bưởi có quả tôi trồng xen rau màu, củ từ, nghệ để lấy ngắn nuôi dài. Đến nay, mít và bưởi đều đã cho quả. Trồng mít ít sâu bệnh, không phải chăm sóc cầu kỳ, chỉ cần lưu ý “mít tỉa cành, chanh tỉa rễ”, anh Phong chia sẻ.

Sau mỗi vụ thu hoạch, mít được chặt cành để cây ra cành mới, nhờ vậy vụ sau cây sẽ đậu quả nhiều hơn. Cây mít càng to, càng lâu năm quả càng sai, ăn càng ngon. Thường thì chỉ sau trồng 2 - 3 năm là cây mít ra hoa, quả đậu nhiều nhưng để quả mít to, ngon, tùy vào sức của cây anh loại bỏ bớt quả đi, chỉ để từ 5 - 10 quả/cây. 

Dù mới được thu hoạch 2 năm nay nhưng mỗi vụ anh Phong cũng bán được trên 30 triệu đồng. Thu nhập từ trồng mít gấp khoảng 10 lần các cây ăn quả khác, so với trồng lúa còn cao hơn. 

{keywords}
Cây mít cổ trên 120 tuổi của gia đình bà Trần Thị Khể, xã Hà Giang, huyện Đông Hưng (tỉnh Thái Bình) từ khi được bảo tồn, nhân giống giá trị kinh tế tăng gấp nhiều lần.

Anh Phong sẽ chọn cây mít nào quả ngon lấy hạt để nhân giống, mở rộng diện tích trồng mít. "Mít dai vàng ngon nhưng chưa có bản quyền, thường bị thương lái ép giá, chúng tôi mong cây mít Hà Giang sớm được công nhận sản phẩm OCOP để nâng giá trị, tăng thu nhập cho người trồng...", anh Phong đề đạt.

Đồng chí Nghiêm Văn Ngọc, Bí thư Đảng ủy xã Hà Giang cho biết: Trước đây, bà con thường trồng nhiều loại cây ăn quả khác nhau trong vườn nhưng không hiệu quả. 

Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhất là Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 20/01/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa kém hiệu quả giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030, xã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân cải tạo vườn tạp, chuyển những diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng mít dai vàng bản địa. 

Xã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chăm sóc, phục hồi và tiến hành nhân giống từ cây mít dai vàng quý hiếm trên 120 năm tuổi của gia đình bà Trần Thị Khể. 

Đến nay, HTX DVNN xã đã nhân giống được 1 vạn cây mít dai vàng. Số mít giống này được trồng tập trung, đang sinh trưởng và phát triển tốt. Ngoài ra, bà con cũng tự nhân được hàng nghìn cây mít giống để trồng và bán cho người dân các địa phương lân cận. 

Để bảo tồn và phát huy giá trị của cây mít quý địa phương, xã đã quy hoạch 10ha tại xứ đồng Đống, thôn Nam Tiến chuyển đổi trồng cây mít dai vàng, hiện đang chờ tỉnh phê duyệt. Xã cũng đang xây dựng đề án đưa cây mít dai vàng trở thành sản phẩm OCOP của địa phương.

Từ giá trị và hiệu quả kinh tế cây mít mang lại, người dân xã Hà Giang (huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình) mong muốn các cấp, các ngành liên quan hỗ trợ địa phương xây dựng thương hiệu cho mít dai vàng Hà Giang để cùng với bánh cáy Nguyên Xá, phát lộc Minh Tân, hồng xiêm Lô Giang có chỗ đứng vững trên thị trường, trở thành đặc sản giúp người nông dân có thu nhập ổn định.

(Theo Dân Việt/ Báo Thái Bình)

Cây mít lạ ở Bến Tre ra 200-300 trái

Cây mít lạ ở Bến Tre ra 200-300 trái

"Mít có trái quanh năm, vị thơm ngon rất lạ, múi to, nhiều thịt, hạt lép, màu vàng nghệ rất đẹp. Từ khi trồng đến nay, tôi không hề bón bất kỳ một loại phân vô cơ hay hữu cơ nào hết. Mỗi năm cây cho 200 đến 300 trái”.