Năm 2011, để hỗ trợ nông dân chuyển đổi đất nương rẫy sang trồng rừng sản xuất, UBND tỉnh Thanh Hóa đã thành lập Ban chỉ đạo phát triển KT-XH huyện Mường Lát để thực hiện dự án trồng rừng 147.
Tỉnh Thanh Hóa có chủ trương thành lập các đoàn công tác trực tiếp chỉ đạo, hướng dẫn người dân về kỹ thuật, chuyển đổi đất nương rẫy sang trồng rừng sản xuất.
Cây to nhất cũng chỉ bằng bắp chân |
Tính toán của các ngành chức năng, cây xoan rất thích nghi với điều kiện, thổ nhưỡng ở Mường Lát và kỳ vọng sẽ cho kết quả tốt. Dự kiến, chỉ sau 3 đến 4 năm cây xoan sẽ cho thu hoạch, hiệu quả cao hơn nhiều so với trồng ngô, lúa nương rẫy và hướng tới là cây thoát nghèo của địa phương.
Theo báo cáo của UBND huyện Mường Lát, từ năm 2012 đến năm 2019, địa phương này đã trồng trên 17.000ha xoan và cây lát (chủ yếu là xoan).
Từ đợt trồng đầu tiên đến nay đã gần 10 năm, cây xoan ở đây không như kỳ vọng. Xoan không lớn được khiến người dân không thể thu hoạch.
Anh Giàng A Tụa (41 tuổi) ở bản Suối Lóng, xã Tam Chung cho biết, gia đình anh trồng 1ha xoan từ năm 2012. Đến nay cây to chỉ bằng bắp chân, cây nhỏ bằng cổ tay, anh muốn bán cũng chẳng ai mua.
Cây xoan được xác định là cây chủ lực thoát nghèo nhưng không được như kỳ vọng |
“Để chuyển đổi rừng sang trồng xoan, chúng tôi được hỗ trợ 10kg gạo/khẩu/ tháng. Đến nay cây xoan không lớn được, người dân cũng chẳng biết phải trồng cây gì thay thế”, anh Tụa cho biết.
Theo người dân ở đây, khoảng 3 năm đầu cây xoan phát triển rất nhanh, người dân vô cùng phấn khởi. Nhưng từ năm thứ 4 trở đi cây xoan chững lại không phát triển được nữa và dần lụi đi. Nhiều người chặt về làm củi, làm rào.
Không mang lại hiệu quả như kỳ vọng
Ông Lương Minh Thông, nguyên Bí thư Huyện ủy Mường Lát cho biết, tại nhiều kỳ họp HĐND, cử tri có ý kiến về việc cây xoan chậm thu hoạch và không hiệu quả.
Về việc này huyện đã báo cáo lên tỉnh, tuy nhiên tỉnh chưa có đánh giá tổng kết nên chưa thể cho dân khai thác hay chuyển đổi cây trồng được.
10 năm nhưng cây xoan chỉ to bằng bắp chân, cổ tay |
Chủ tịch UBND huyện Mường Lát Nguyễn Văn Bình cũng cho biết, người dân ở đây mong muốn trồng loại cây có hiệu quả kinh tế cao hơn cây xoan.
“Điều kiện đất đai, khí hậu của Mường Lát rất khắc nghiệt, tầng đất mỏng vì thế cần có một loại cây phù hợp hơn. Hiện nay, huyện cũng đã có tờ trình đề nghị tỉnh đưa các chuyên gia nông nghiệp vào để phân tích chất đất, khí hậu từ đó đưa ra danh sách các cây trồng phù hợp mà vẫn đảm bảo độ che phủ rừng, chống xói mòn”, ông Bình thông tin.
Về vấn đề này, ông Cao Văn Cường, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa chia sẻ, tỉnh luôn trăn trở về hướng đi cho phát triển kinh tế huyện Mường Lát.
Ông Cao Văn Cường, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa |
Ông Cường thừa nhận, nhìn nhận ở khía cạnh kinh tế thì cây xoan chưa đem lại như kỳ vọng. Nhưng khía cạnh khác là phủ xanh đồi trọc, ý thức bảo vệ rừng của người dân được nâng lên rõ rệt.
“Thời gian tới, Sở với Viện Nông nghiệp Thanh Hóa cùng với các chuyên gia, nhà khoa học sẽ có những nghiên cứu, đánh giá cụ thể về điều kiện đất đai, điều kiện cây trồng phù hợp với Mường Lát để vừa nâng cao đời sống của người dân, vừa đảm bảo độ che phủ rừng và phòng hộ”, ông Cường cho biết.
Lê Dương
Bí thư Bạc Liêu cùng hai Thứ trưởng lội bùn trồng rừng ngập mặn
Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu cùng hai Thứ trưởng Bộ TN&MT đã phát động trồng rừng ngập mặn ven biển Bạc Liêu sáng 31/5.