Thế mạnh nào cho Việt Nam trong CMCN 4.0?
Bình luận về cơ hội cho Việt Nam trước làn sóng CMCN 4.0, ông Huỳnh Quang Liêm, Phó Tổng Giám đốc của VNPT cho rằng, nếu nhìn lạc quan về tương lai thì Việt Nam có lợi thế về con người. CMCN 4.0 tiếp cận nguồn lực con người nên dễ hơn so cách mạng công nghiệp cần hạ tầng lớn như cảng biển hay đường xá chẳng hạn. Tuy nhiên, trong kỷ nguyên số, nếu không hội nhập thì chúng ta sẽ không phát triển. Chúng ta phải hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp thì mới có những doanh nghiệp như Google, Uber. Ông Liêm cũng nhấn mạnh, điều quan trọng cần tính chuyên nghiệp ở các doanh nghiệp và tổ chức. Nếu có lộ trình chuyển đổi số phải vẽ chiến lược và hành động chuyên nghiệp trong cuộc cách mạng này.
Cũng bình luận về cơ hội cho Việt Nam, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng Giám đốc Viettel cho biết: “Cách mạng nào cũng cần có hạ tầng. Cách mạng 2.0 và 3.0 đi cùng với hạ tầng điện khí hóa với việc xây dựng nhà máy, đường xá… cần nguồn lực tới cả nghìn tỷ USD. Việt Nam không thể nào xây dựng được hệ thống đường giao thông hay hệ thống nhà máy tốt như nước Mỹ. Đây là hạ tầng vật chất nên ngốn số lượng tiền đầu tư khổng lồ và Việt Nam không thể có cơ hội trong các cuộc cách mạng này. Thế nhưng, hạ tầng viễn thông đầu tư ít hơn chỉ khoảng vài tỷ USD. Vì vậy, để tạo ra hạ tầng cho CMCN 4.0 thì những nước nghèo như Việt Nam cũng đầu tư được. Đây chính là lợi thế của CMCN 4.0, cho phép những nước nghèo có được hạ tầng cho CMCN 4.0 không khác gì những nước phát triển như Mỹ”.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, các cuộc cách mạng trước đến Việt Nam cũng phải mất vài chục năm kể từ khi xảy ra trên thế giới. Khi nó tác động đến Việt Nam thì chúng ta đã bị bỏ quá xa thế giới và khi chúng ta tỉnh ngộ ra thì đã quá muộn. Thế nhưng, CMCN 4.0 xảy ra trên thế giới thì cũng ảnh hưởng ngay sau đó đến Việt Nam và từ đó nó tạo ra áp lực rất nhanh cho Việt Nam, đó chính là lợi thế cho Việt Nam. “Trong cuộc sống, chúng ta chỉ thay đổi khi gặp áp lực “không thay đổi thì chết”. Ví dụ, các doanh nghiệp viễn thông đang gặp phải vấn đề lợi nhuận bị xói mòn và tăng trưởng thấp. Vì bị áp lực đó nên bắt buộc các doanh nghiệp này phải tìm ra những mô hình kinh doanh mang tính “phá hủy” cái cũ đi. Các doanh nghiệp bắt buộc phải đi theo 4.0 vì không đi theo nó sẽ chết.
“Vì vậy, những doanh nghiệp nào không bị áp lực hoặc không tự tạo áp lực thì nguy cơ tụt hậu cao. Nếu doanh nghiệp ý thức về điều đó sẽ không bị tụt hậu. Muốn cho Việt Nam không bị tụt hậu và bắt kịp xu hướng của thế giới thì bắt buộc phải đẩy vào tình huống nguy hiểm. Tình huống nguy hiểm này có thể do Chính phủ tạo ra”, ông Nguyễn Mạnh Hùng nói.
Việt Nam cùng vạch xuất phát với các nước
Chủ tịch FPT Trương Gia Bình nhấn mạnh, cho dù CMCN 4.0 có thể làm cho nhiều nghề biến mất, nhiều người được dự báo thất nghiệp nhưng đây vẫn là cuộc cách mạng tất yếu mà con người chỉ có thể chọn cách tham gia hoặc bị loại khỏi “cuộc chơi”. Lợi thế nhất cho doanh nghiệp Việt Nam là cả thế giới đều bước vào cuộc CMCN 4.0 ở cùng một vạch xuất phát. Nếu các doanh nghiệp Việt Nam nhanh chân, đầu tư cho việc nghiên cứu, phát triển sản phẩm theo hướng 4.0 thì rất có thể, sau cuộc cách mạng, vị thế của nước Việt Nam, của doanh nghiệp Việt trên thị trường quốc tế sẽ hoàn toàn khác.
Ông Trương Gia Bình cho rằng, nếu các cuộc cách mạng trước cần nhiều tiền bởi thiên về phần cứng, thì với 4.0 chỉ thiên về ý tưởng, công nghệ. CMCN 4.0 không phải là cuộc cách mạng của riêng các đại gia mà là của tất cả mọi người. Trong đó, có thể là những nhóm người rất nhỏ bé, chỉ vài người, nhưng chính những nhóm nhỏ đó sẽ thay đổi tương lai, diện mạo của nền kinh tế. Cuộc CMCN 4.0 là “cá nhanh ăn cá lớn” trong khi trước đó là cá lớn nuốt cá bé”. Doanh nghiệp nào nhanh sẽ thành công. “Việt Nam đã bỏ qua 3 cuộc cách mạng trước đây và chúng ta đã phải nhận những hệ quả. Chúng ta sẽ có cơ hội lần này với CMCN 4.0” ông Trương Gia Bình nói.
Ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch Tập đoàn CMC thì cho rằng, Việt Nam đang ở thời điểm dân số vàng, CMCN 4.0 là cơ hội để các bạn trẻ tiếp cận công nghệ tốt hơn. Nền tảng của CMCN 4.0 sử dụng CNTT rất nhiều, các doanh nghiệp CNTT không chỉ có cơ hội cung cấp dịch vụ cho thị trường hơn 93 triệu dân mà còn có cơ hội tiếp cận với thị trường 7 tỷ người. Quan trọng là sản phẩm, dịch vụ có khả năng đáp ứng được nhu cầu thị trường hay không mà thôi…