“Vắc xin công nghệ” hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó khăn vì dịch

Tại Diễn đàn quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ ba – năm 2021, câu chuyện thực tế về hoạt động ứng phó với dịch Covid-19 và hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam vượt qua đại dịch nhờ công nghệ vừa được ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng giám đốc FPT chia sẻ với các đại biểu dự phiên hội thảo chiều ngày 11/12.

Theo nghiên cứu của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), tính đến tháng 10, gần 100.000 doanh nghiệp đã đóng cửa vì dịch Covid-19. Kéo theo đó là hàng triệu lao động mất việc làm và 60% lao động không có nguồn hỗ trợ cuộc sống.

“Hơn hết, đây đều là những người lao động yếu thế, dễ tổn thương nhất. Chúng tôi thấy rằng đây là trách nhiệm mà FPT phải làm. Trong 33 năm qua, chúng tôi đã đồng hành cùng các doanh nghiệp Việt Nam trong nhiều lĩnh vực khác nhau”, ông Nguyễn Văn Khoa chia sẻ.

{keywords}
CEO Nguyễn Văn Khoa cam kết FPT sẽ tiếp tục hành động nhanh hơn Covid, dùng công nghệ để đi nhanh hơn.

Hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất kinh doanh đã được Thủ tướng Chính phủ xác định là 1 trong 6 trụ cột phục hồi kinh tế trong bối cảnh sống chung với Covid nhằm thực hiện tầm nhìn, mục tiêu và khát vọng phát triển đất nước. Trong đó, doanh nghiệp là trụ cột của nền kinh tế quốc gia, trụ cột càng lớn thì dân càng giàu, nước càng mạnh và sự tự cường càng lớn

Tuy nhiên, suốt thời gian vừa qua, doanh nghiệp rất bối rối, khó ứng xử và khó nhất chính là ứng xử với người lao động của mình, làm sao để họ có thể yên tâm trong công việc. Vì vây, với niềm tin rằng công nghệ giúp doanh nghiệp chống dịch và bứt phá trong bình thường mới, FPT đã đưa ra giải pháp “Vắc xin công nghệ” để cung cấp cho các doanh nghiệp sử dụng, vượt qua khó khăn trong đại dịch.

“Vắc xin công nghệ” này không chỉ để tăng sức đề kháng của doanh nghiệp mà còn góp phần vào công cuộc phục hồi kinh tế, thúc đẩy phát triển kinh tế số, đồng thời giải quyết bài toán an sinh xã hội.

“Chúng tôi cũng tin rằng giải pháp này sẽ hỗ trợ trong công tác phòng chống dịch để phục vụ chính quyền số. Với mục tiêu giảm thiểu tử vong, tối đa phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, phương pháp luận của chúng tôi là làm sao để ảnh hưởng của dịch bệnh, để số ca F0 nhỏ nhất, dù có F0, doanh nghiệp vẫn có thể hoạt động bình thường, tiếp tục phát triển kinh doanh”, vị CEO FPT chia sẻ.

Hơn 3.000 doanh nghiệp đã tiếp cận bộ giải pháp FPT eCovax

Với phương pháp luận đó, FPT đã phát triển một loại “vắc xin công nghệ” có tên FPT eCovax giúp tăng sức đề kháng của doanh nghiệp, với nhiều giải pháp đáp ứng tức thời các nhu cầu của doanh nghiệp trong từng giai đoạn đại dịch.

Trong đó, giải pháp “eCovax Không chạm” giúp doanh nghiệp ra quyết định từ xa, ký số từ xa, văn phòng không giấy tờ... để vận hành thông suốt, linh hoạt trong bối cảnh giãn cách. Giải pháp “eCovax Pháo đài xanh” giúp quản lý lịch làm việc, khoanh vùng F0 nếu có ở phạm vi ảnh hưởng nhỏ nhất, để không phải đóng cửa cả văn phòng, nhà máy, chủ động ứng phó dịch bệnh khi xã hội mở cửa, tái thiết vận hành.

Giải pháp thứ 3 vô cùng đặc biệt là “eCovax Nhân lực” cho các nhà máy, công xưởng, khu công nghiệp. Hiện nay, có hàng triệu người lao động bị ảnh hưởng, giải pháp sẽ giúp doanh nghiệp tuyển dụng online dễ dàng bất cứ giờ nào, ở đâu.

{keywords}
Đến nay, đã có hơn 3.000 doanh nghiệp đã sử dụng các giải pháp FPT eCovax.

Một lần nữa nhấn mạnh quan điểm doanh nghiệp sẽ được tái thiết toàn diện bằng công nghệ, đại diện tập đoàn FPT thông tin thêm: Sau 4 tháng, đã có hơn 3.000 doanh nghiệp ở mọi quy mô, trong đó phần lớn là doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận và sử dụng các giải pháp FPT eCovax. Doanh nghiệp chỉ cần triển khai trong khoảng 2 - 3 ngày và tối đa là 5 ngày là có thể sử dụng được giải pháp.

Để có được kết quả trên, đầu tiên FPT học từ những kinh nghiệm toàn cầu. Thế giới đã đi qua những giai đoạn rất khó khăn, FPT hiện có mặt tại 27 quốc gia, làm việc tại các tập đoàn lớn nên hiểu được cách họ chống dịch. 

“Với gần 20.000 kỹ sư, FPT có thể làm ra các sản phẩm nhanh nhất để phục vụ doanh nghiệp, chúng tôi đã làm chủ năng lực, công nghệ, 100% giải pháp là Make in Việt Nam, làm bởi bàn tay khối óc của người Việt”, CEO FPT Nguyễn Văn Khoa nói.

Đại diện tập đoàn công nghệ này cũng cam kết thời gian tới tiếp tục cho ra các sản phẩm khác, đúc kết kinh nghiệm chống dịch trong nước và năng lực công nghệ nội tại để đưa ra giải pháp cho các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, đặc biệt là những doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ - đối tượng dễ tổn thương và chịu ảnh hưởng lớn nhất. Các giải pháp vắc xin số dựa trên nền tảng công nghệ lõi của FPT như AI, Cloud, Blockchain, Big Data, tự động hóa sẽ lần lượt được đưa ra trong thời gian tới.

“Chúng tôi cũng kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp công nghệ Việt Nam hợp lực để thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, góp phần kiến tạo 1 quốc gia hùng cường. Tôi tin tưởng rằng bằng công nghệ, Việt Nam sẽ chiến thắng đại dịch và trở thành 1 điểm sáng về phát triển kinh tế của thế giới, điểm đến hấp dẫn về đầu tư nước ngoài”, đại diện FPT đề xuất.

Vân Anh

Cộng đồng doanh nghiệp công nghệ Việt nhận nhiệm vụ phát triển các nền tảng số quốc gia

Cộng đồng doanh nghiệp công nghệ Việt nhận nhiệm vụ phát triển các nền tảng số quốc gia

Bộ TT&TT vừa công bố lần thứ nhất 35 nền tảng số quốc gia cần sớm triển khai và giao nhiệm vụ cụ thể cho các doanh nghiệp công nghệ số chủ chốt của Việt Nam chịu trách nhiệm nghiên cứu, phát triển các nền tảng này.