Thẩm phán hạt Santa Clara đã đồng ý với yêu cầu của Apple về một lệnh cấm tạm thời đối với đối tượng có hành vi rình rập và đe dọa giám đốc điều hành công ty này.
Theo tài liệu gửi tới tòa, “táo khuyết” buộc tội người phụ nữ đã có lời nói đe dọa và thông tin ngày càng nghiêm trọng qua thư điện tử cũng như tài khoản Twitter đối với ông Tim Cook từ cuối năm 2020. Đối tượng tuyên bố có quan hệ tình cảm với lãnh đạo cấp cao của Apple và cả hai đã có con chung.
Trong các bức thư điện tử, người phụ nữ gửi bức ảnh khẩu súng ngắn và đạn với những bình luận như “Khẩu súng mới sẽ không còn mới nữa một khi tôi bóp cò”. Apple cũng cho biết đối tượng còn lập công ty lừa đảo với những cái tên “khêu gợi”, trong đó điền tên Tim Cook là giám đốc và địa chỉ nhà riêng của ông vào trong mẫu đơn.
Vụ việc leo thang vào tháng 10/2021, khi người phụ nữ xuất hiện trước cửa nhà Tim Cook trên chiếc ô tô có biển số Virginia và yêu cầu gặp vị giám đốc này, trước khi bị bảo vệ yêu cầu rời đi. Sau đó vài phút, đối tượng quay trở lại và bị chặn lại bởi cảnh sát địa phương. Cơ quan chức năng đã khám xét phương tiện nhưng không tìm thấy vũ khí trong xe. Người phụ nữ nói với cảnh sát rằng, cô ấy có thể “trở nên bạo lực”.
Theo Apple, đối tượng tiếp tục gửi thư điện tử đe dọa tới Tim Cook, trong đó có một bức thư vào đầu tháng 1 yêu cầu ông phải “dọn phòng” để cô ta có thể “chuyển đến vào tuần tới”.
“Apple tin rằng đối tượng có thể có vũ khí, vẫn đang trong khu vực South Bay Area và có ý định quay trở lại tư gia của CEO Apple hoặc rình rập ông thời gian tới”, trích tài liệu của công ty gửi tới tòa.
Lệnh cấm nhằm ngăn chặn đối tượng sở hữu súng xuất hiện gần nhà hoặc văn phòng của Tim Cook tại Apple, thời hạn tới ngày 29/3 và có thể được xem xét gia hạn. Ngoài ra, người phụ nữ trên cũng bị cấm liên hệ hay “tag” Tim Cook vào các bài viết trên mạng xã hội.
Apple đã từ chối đưa ra bình luận về vụ việc trên.
Vinh Ngô (Theo NYtimes)
Chỉ bằng vài chữ ngắn ngủi, Steve Jobs giải thích quyết định quan trọng nhất của Apple
Không phải lãnh đạo thế giới nào cũng có thể hiểu được quyết định này của Steve Jobs, cố nhà sáng lập kiêm CEO Apple.