- Những miếng chả cá vàng đậm, nguội lạnh được đặt trên các mâm, đĩa to, không nguồn gốc xuất xứ, không hướng dẫn bảo quản, không hạn sử dụng. Chúng được bày bán tràn lan tại các chợ đầu mối, chợ cóc ở Hà Nội.
Mua hàng bằng... lòng tin
Tại một chợ đầu mối khu vực Cầu Giấy, gian hàng chế biến chả cá tại chỗ để bán cho người tiêu dùng làm nhiều người chú ý. Mùi thơm phức từ chả cá cuốn hút vị giác của các bà nội trợ. Người bán hàng luôn miệng chào mời với lời giới thiệu hấp dẫn: “Chả cá thơm ngon, đảm bảo chất lượng”.
Trong một không gian rộng chừng 3m2, người bán hàng bày biện những thau, chậu đựng chả cá chưa chế biến, một chảo mỡ vàng đen đang sôi sùng sục cùng những miếng chả vàng suộm được bày trong mấy cái khay sắt. Chị này vừa luôn tay rắc rau mùi, hạt tiêu vào một chậu đựng sẵn thịt cá đã xay nhuyễn vừa xởi lởi: “Mua đi em, chả cá nhà chị ngon lắm. 70.000 đồng/kg thôi, mua nhiều thì giá sẽ giảm bớt đi chút ít”.
Tại đây, thịt cá xay nhuyễn được bọc sẵn trong các túi nilon, vất chổng chơ trên nền gạch. Khi được hỏi về các bọc thịt cá xay này, người bán hàng trả lời: “Chị làm cá từ đêm, xay hết ở nhà, mang lên đây cứ thế rán cho tiện”. Hỏi về loại cá được xay làm chả, chị này cho biết “Toàn là cá trắm đen với cá trôi to thôi”.
Thịt cá được xay nhuyễn sẵn từ nhà, vất chổng chơ tại chợ, chờ chế biến thành chả cá |
Khi khách tỏ ra không tin tưởng về chất lượng thịt cá, người bán hàng “lên gân”: “Em cứ mua về ăn thử, không ngon chị không lấy tiền. Các nhà hàng, quán chả cá toàn lấy hàng của chị về bán, có ai làm sao đâu”.
Ở ngoại thành, một số chợ cóc khu vực huyện Từ Liêm, chả cá được chế biến sẵn cũng được bày bán khá tràn lan với giá dao động từ 70.000-90.000 đồng/kg. Những miếng chả cá vàng đậm, nguội lạnh được đặt trên các mâm, đĩa to, không nguồn gốc xuất xứ, không hướng dẫn bảo quản, không hạn sử dụng. Thứ mà người bán hàng “trưng” ra duy nhất với các bà nội trợ là lời nói: “Chả cá ngon đấy, chị bán mãi rồi, có ai kêu đâu”.
Chị Hà (Xuân Đỉnh, Từ Liêm) kể rằng hai cậu con trai của chị rất thích ăn chả cá, nhưng vì không có thời gian để làm tại nhà nên đôi khi chị phải mua sẵn tại chợ rồi về chế biến lại cho chắc chắn. Chị nói: “Bà bán hàng bảo chả cá đảm bảo chất lượng nhưng thực tình mình cũng hơi gợn gợn. Chẳng biết chả làm từ cá gì, có tươi ngon hay là ươn thối rồi tẩm ướp gia vị”.
Chả cá không nhà sản xuất, không hướng dẫn bảo quản, thông tin thành phẩm sơ sài |
Chị cũng cho biết thêm, cửa hàng chị hay mua chả cá là được nhiều người mách vì chả ngon, thơm. “Thấy người ta bảo ngon thì mình mua, ra chợ bây giờ mua theo lời truyền tai nhau là chính, chất lượng có trời mới biết được”, chị Hà tâm sự.
Để cả năm không hỏng
Không chỉ mập mờ về chất lượng, trôi nổi về vệ sinh thực phẩm, các loại chả cá được đóng gói sẵn, bày bán la liệt tại nhiều chợ cũng đặt ra nhiều nghi vấn cho người tiêu dùng.
Nhiều loại chả cá mẫu mã sản phẩm đẹp, bắt mắt với giá từ 10.000-12.000 đồng/gói 350 gram được bày bán lộ thiên, chất đống cùng vô số các thực phẩm khác như nem rán, khoai tây rán, khoai môn rán, tôm rán... Trên bao bì, các loại chả cá ghi lẫn lộn tiếng Trung Quốc và tiếng Việt, trong đó phần hướng dẫn bảo quản và sử dụng được ghi chữ rất nhỏ.
Gian hàng chế biến chả cá chật chội với đủ thau chậu, chảo mỡ vàng đen. |
Tìm hiểu kỹ, chúng tôi nhìn thấy dòng chữ bảo quản ở nhiệt độ -18 độ C với thời gian sử dụng 1 năm, -12 độ C với thời gian sử dụng 1 tháng...Tuy nhiên, theo ghi nhận, số chả cá trên thường không được để trong tủ lạnh bảo quản mà bày bán với nhiệt độ ngoài trời. Nhiều chủ hàng thản nhiên cho hay: “Cái này có hạn sử dụng cả năm, lo gì hết hạn. Hàng mấy tháng lại nhập về một lần, không sợ hết hạn đâu. Để mấy tháng vẫn ăn được”.
Ngoài ra, nhiều gian hàng còn bày bán loại chả cá viên tròn, màu trắng đục, ghi nhãn “Chả cá viên”, thông tin thành phẩm sơ sài, tìm mỏi mắt không thấy tên nhà sản xuất, không hướng dẫn bảo quản, chỉ ghi thời gian sử dụng 1 năm.
Một người bán tôm cua tại chợ đầu mối khu vực Cầu Giấy tiết lộ: “Tôi ngày nào cũng bán hàng ở đây, thấy người ta vất đống chả, tôm đóng gói lung tung ấy mà. Có hôm, vất lẫn vào với cá biển, đến trưa nắng cá bốc mùi, không ai mua nữa thì người ta mới dọn đi, hôm sau lại bỏ ra bán tiếp”.
Khổng Chiêm