Chị Huệ Lan được bà Phát nhận nuôi từ một bệnh viện vào năm 1987. Sau khi bà Phát mất, cô gái bất hạnh năm nào được thừa hưởng số tài sản hơn 1.000 tỷ đồng mà mẹ nuôi để lại.

Ngày 10/3/2011, bà Thạch Kim Phát (ngụ quận Tân Phú, TP.HCM) đột ngột qua đời ở tuổi 65. Sau khi làm ma chay thì người thân phát hiện bà này để lại số tài sản khoảng 1.000 tỷ đồng gồm vàng, kim cương, tài khoản ngân hàng, đất đai, nhà cùng một lượng lớn tiền mặt. 

Do bà Phát ra đi đột ngột không để lại di chúc nên theo quy định của pháp luật, số tài sản này sẽ do cô con gái nuôi duy nhất là chị Thạch Hà Huệ Lan (27 tuổi) thừa kế. Nhưng người thân bà Phát không đồng ý vì cho rằng họ cũng có một phần công sức trong việc tạo ra số tài sản nói trên khiến 2 bên phát sinh tranh chấp.

{keywords}

Năm 2012, ông Thạch Vũ Phương (56 tuổi, em trai bà Phát) đại diện cho 6 anh em ruột trong nhà đứng tên khởi kiện chị Huệ Lan đòi lại căn nhà cùng đất ở tại địa chỉ 110/1 đường Tô Hiệu, quận Tân Phú.  

Theo nội dung đơn kiện, khu đất này có diện tích gần 3.000 m2, trên đó xây dựng nhà gần 2.000 m2. Ông Phương cho biết căn nhà này do mẹ ông là bà Hà Kim Liên mua từ thời chế độ cũ, đến năm 1987 do già yếu nên giao lại cho bà Phát đứng ra quản lý, trông coi.

Sau khi bà Phát mất thì chị Huệ Lan gửi hồ sơ yêu cầu phòng công chứng số 1 khai nhận căn nhà và đất tại đường Tô Hiệu là di sản thừa kế của mẹ để lại. Ông Phương tìm cách ngăn chặn và biết được bà Phát đã được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và đất ở.

Cho rằng đây là tài sản của mẹ để lại chứ không phải của bà Phát nên ông Phương cùng các anh em khởi kiện lên TAND TP.HCM yêu cầu không công nhận căn nhà và đất ở tại số 110/1 Tô Hiệu là di sản thừa kế của bà Phát để lại. Đồng thời yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và đất ở đã cấp cho bà này và buộc chị Huệ Lan giao lại khu đất cho gia đình ông Phương.

Ngày 7/11, TAND TP.HCM đã triệu tập luật sư Nguyễn Tấn Thi (đại diện cho ông Phương) đến trụ sở để trao quyết định đình chỉ vụ án do ông Phương làm đơn kiện khi vụ án đã hết thời hiệu khởi kiện (tòa án xác định đây là tranh chấp di sản thừa kế, tính từ ngày 10/9/1990 đến ngày ông Phương nộp đơn kiện là ngày 6/9/2012 thì vụ án này đã trên 10 năm, nghĩa là đã hết thòi hiệu).  

Đồng thời, ngày 25/4, TAND TP.HCM có yêu cầu nguyên đơn cung cấp các văn bản, chứng cứ chứng minh quyền đồng thừa kế với căn nhà và đất ở nhưng ông Phương không cung cấp được. Ngoài vụ kiện này thì cậu của bà Phát là ông Hà Xuân cũng có đơn yêu cầu chị Lan trả lại 90.000 Euro, một người anh của bà Phát cũng yêu cầu cô cháu nuôi trả 100.000 USD. Hai vụ kiện này đã được TAND TP.HCM thụ lý. 

Trả lời báo chí sau khi nhận quyết định đình chỉ, luật sư Nguyễn Tấn Thi cho biết ông cùng thân chủ của mình sẽ tiếp tục theo đuổi đến cùng vụ kiện. “Đây là đòi lại nhà và đất ở chứ không phải phân chia tài sản thừa kế vì căn nhà và đất này vốn dĩ do mẹ của mấy anh em là bà Hà Kim Liên gây dựng. 

Vì thế căn nhà này là di sản thừa kế của toàn bộ con bà Hà Kim Liên, bà Phát chỉ là người trông coi, quản lý”. Luật sư Thi cho biết thêm, trong quá trình thu thập chứng cứ thì ông phát hiện một tình tiết mới rất quan trọng đó là việc bà Phát đã nhận con nuôi không hợp lệ. Theo quy định thì trong hồ sơ xin nhận con nuôi phải có giấy tờ chứng minh người giao và nơi giao, nhưng trong hồ sơ nhận con nuôi của bà Phát không có hai loại giấy này.

 Khi ông Thi đến bệnh viện Hùng Vương hỏi thì được trả lời do vụ việc đã quá 20 năm nên họ không còn lưu hồ sơ. Nghi vấn là bà Phát nhận con nuôi không hợp lệ, luật sư Thi cho biết gia đình ông Phương sẽ khởi kiện vụ án này ra tòa. 

Cô gái được thừa hưởng gia sản ngàn tỷ 

Bà Phát không có chồng con nên năm 1987 người phụ nữ này đến bệnh viện Hùng Vương để xin nhận con nuôi. Lúc này bệnh viện cũng vừa tiếp nhận một bé gái bị cha mẹ bỏ lại sau khi sinh.  

Bà Phát nhận đứa bé này rồi đưa về nhà nuôi nấng, chăm sóc. Nhưng mãi đến năm 2007, Huệ Lan mới được nhận là con nuôi hợp pháp trên giấy tờ. 

{keywords}

Bà Phát làm nghề sản xuất bún gạo do cha mẹ truyền lại. Do chăm chỉ làm ăn cộng với sự nhạy bén trong kinh doanh nên bà dần gây dựng được số tài sản kếch sù. Muốn cô con gái nuôi học hành nên người để sau này quản lý gia sản nên vào năm Huệ Lan 21 tuổi, bà cho sang Singapore, sau đó qua Đức du học.

Tháng 3/2011, khi Huệ Lan đang theo học ở Đức thì nhận được tin mẹ nuôi qua đời, cô tức tốc bay về Việt Nam chịu tang. Sau đám tang, cô và người thân trong gia đình mới biết mẹ nuôi để lại số tài sản trị giá hơn 1.000 tỷ đồng.  

Do bà Phát chết bất ngờ không để lại di chúc nên số tài sản này thuộc về Huệ Lan theo quy định của pháp luật. Sau khi nắm giữ khối tài sản kếch sù thì những rắc rối kèm theo bắt đầu đến với cô gái. 

Do việc tranh chấp tài sản với người thân bà Phát chưa xong nên Huệ Lan ít tiếp xúc với người ngoài, thuê vệ sĩ bảo vệ. Theo một số người từng tiếp xúc với Huệ Lan thì đây là cô gái dáng người nhỏ nhắn, cá tính, rất thông minh, nhạy bén và đặc biệt là nói được 4 thứ tiếng gồm Đức, Anh, Pháp và Trung Quốc.

(Theo Zing)