Dưới thời Chủ tịch Nguyễn Văn Đệ ("bầu" Đệ), thành tích tốt nhất mà CLB Thanh Hoá giành được là vị trí thứ ba tại giải vô địch quốc gia (V-League) các mùa 2014 và 2015, bên cạnh đó là những lùm xùm ngoài sân cỏ.

Đầu năm nay, "bầu" Đệ cũng gây sốc khi đề xuất cho CLB Thanh Hoá bỏ giải V-League do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.

{keywords}
 

Ngay cả khi mùa giải đã kết thúc, truyền thông và dư luận trong nước vẫn được một phen xôn xao trước thông tin "bầu" Đệ sẽ rời ghế Chủ tịch CLB Thanh Hoá, nhường lại vị trí này cho ông Cao Tiến Đoan, một đại gia có tiếng trong lĩnh vực bất động sản tại Thanh Hoá.

Tuy nhiên, dẫn lời trên VTC News, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa Phạm Nguyên Hồng khẳng định, ông Nguyễn Văn Đệ chưa nghỉ việc tại CLB Thanh Hóa.

Dù vậy, sự xuất hiện của vị doanh nhân Cao Tiến Đoan vẫn nhận được nhiều sự quan tâm từ dư luận.

Theo tìm hiểu của VietTimes, ông Cao Tiến Đoan sinh năm 1960, là chủ sở hữu của toà lâu đài "Bạch Dinh" nổi tiếng, toạ lạc trên khu đất rộng 50.000 m2 tại xã Quảng Châu, TP. Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hoá.

Hiện nay, ông Cao Tiến Đoan đang là Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tập đoàn Bất động sản Đông Á (Đông Á). Theo giới thiệu từ tập đoàn này, ông Đoan còn là Ủy viên Đoàn Chủ tịch TW Hội Doanh nghiệp trẻ Việt Nam; Ủy viên ban chấp hành phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), nhiệm kỳ 2015 – 2020.

Về Đông Á, doanh nghiệp này được thành lập vào tháng 10/1996, với số vốn ban đầu là 10 tỉ đồng, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực xây lắp, đầu tư và kinh doanh bất động sản.

{keywords}
 

Trên trang chủ, Đông Á cho biết đã hoàn thành 6 dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá, gồm: Khu đô thị mới ven sông Hạc (quy mô 37 ha, tổng vốn đầu tư 1.980 tỉ đồng); Dự án chung cư Đông Á Riverside (2 ha, 650 tỉ đồng); Dự án tòa nhà văn phòng – Khách sạn Đông Á (1.600 m2, 250 tỉ đồng); Dự án Khu đô thị sinh thái biển Đông Á Sầm Sơn (60,46 ha, 5.000 tỉ đồng); Dự án Khu du lịch sinh thái – Văn hóa núi Trường Lệ (146 ha, 3.000 tỉ đồng); Dự án Khu đô thị mới Quảng Tân (15 ha, 350 tỉ đồng).

Các dự án kể trên những tưởng sẽ đem lại nguồn lợi nhuận lớn cho Đông Á, song, dữ liệu của VietTimes cho thấy, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp này còn khá khiêm tốn, thậm chí là thua lỗ triền miên trong nhiều năm trở lại đây.

Gần nhất - năm 2019, Đông Á ghi nhận doanh thu thuần đạt 29,27 tỉ đồng, tăng 36% so với năm trước; báo lỗ thuần ở mức 268 triệu đồng, trong khi năm 2018 lỗ 5,58 tỉ đồng.

Kết quả kinh doanh của Đông Á cũng tỏ ra khiêm tốn so với quy mô tài sản. Tại ngày 31/12/2019, tổng tài sản của Đông Á đạt 1.191,7 tỉ đồng, tăng 21% so với thời điểm đầu năm; vốn chủ sở hữu tăng nhẹ lên mức 629,6 tỉ đồng.

Cập nhật đến ngày 22/4/2020, Đông Á có vốn điều lệ 689 tỉ đồng, trong đó ông Cao Tiến Đoan nắm giữ cổ phần chi phối với tỷ lệ sở hữu 57,71% vốn. 3 cổ đông cá nhân còn lại là bà Nguyễn Thị Điệp (13,676%), ông Cao Văn Phú (6,776%) và ông Cao Đức Thiện (21,777%).

Ngoài Đông Á, đại gia Cao Tiến Đoan còn đang đứng tên tại CTCP Tập đoàn Doanh nhân Thanh Hoá. Doanh nghiệp này được thành lập vào tháng 3/2018, trụ sở chính đặt tại tòa nhà Đông Á, 11A1 Tân Hương, TP. Thanh Hoá.

(Theo Viettimes)