Khoảng hơn một năm trở lại đây, uống cà phê mỗi buổi sáng đã trở thành thói quen của Lê Hà Linh (nhân viên văn phòng ở TP Thủ Đức, TP.HCM). Một ly latte với Linh thậm chí còn quan trọng hơn cả bữa sáng vì giúp cô tỉnh táo, làm việc năng suất.

Những hôm phải làm thêm giờ hay cần tập trung cao độ, Linh phải "nạp caffeine" đến hai lần.

Cô gái 28 tuổi thường chỉ trung thành với một vài thương hiệu đồ uống. Một trong những nơi này bán mỗi ly cà phê với giá 60.000-90.000 đồng.

"Mỗi tuần tôi chi khoảng 300.000-400.000 đồng cho tiền cà phê, trong đó có những cốc latte giá hơn 70.000 đồng. Tôi xem đó là khoản chi cần thiết, như tiền ăn sáng hay đổ xăng vậy", Linh nói với Zing.

Không chỉ Hà Linh, nhiều người trẻ sinh sống ở các thành phố lớn như TP.HCM sẵn sàng chi mạnh tay cho các loại đồ uống như cà phê, trà sữa. Nhóm này quan tâm nhiều đến chất lượng sản phẩm/dịch vụ, thích trải nghiệm mới và có văn hóa thưởng thức riêng.

Ly cà phê đắt hơn cả bữa ăn

Theo báo cáo thị trường kinh doanh ẩm thực tại Việt Nam năm 2022 của iPOS, nền tảng cung cấp giải pháp bán hàng, vận hành, nhân sự cho ngành F&B, nhiều người Việt sẵn sàng chi hơn 40.000 đồng cho mỗi lần đi cà phê.

Khảo sát ngẫu nhiên trên 3.940 người sinh sống ở các tỉnh thành lớn như TP.HCM, Hà Nội cho thấy 58% thực khách sẵn sàng dành từ 40.000 đồng trở lên cho mỗi lần sử dụng đồ uống.

Trong đó, 44% sẵn sàng chi tiêu 41.000-70.000 đồng (mức chi ở các thương hiệu đồ uống tầm trung như Highlands Coffee, Phúc Long, The Coffee House...) và 14% sẵn sàng chi tiêu từ 70.000 đồng (mức chi ở các thương hiệu đồ uống cao cấp như Starbucks, Runam Bistro...).

Mức chi trên 70.000 đồng chiếm tỷ trọng lớn đối với những người có mức thu nhập từ 11 triệu đồng/tháng trở lên (cụ thể là 20% trong nhóm thu nhập 11-20 triệu đồng/tháng và 26% trong nhóm thu nhập trên 20 triệu đồng/tháng).

 

Mức chi tiêu phổ biến cho cà phê, trà sữa cao hơn cả số tiền nhiều người dành cho các bữa ăn chính. Ảnh: Phương Lâm. 

Xét theo cơ cấu độ tuổi, 23-30 là nhóm tuổi chi tiêu nhiều nhất cho đồ uống, với gần 30% đến các quán cà phê/trà sữa từ 3 lần/tuần trở lên.

Còn xét về giới tính, phụ nữ sẵn sàng chi nhiều tiền hơn cho việc đi cà phê. 62% phụ nữ chi hơn 40.000 đồng cho mỗi lần sử dụng đồ uống, trong khi tỷ lệ này ở nam giới là 49%.

Mức chi tiêu phổ biến cho cà phê, trà sữa cao hơn cả số tiền nhiều người dành cho 3 bữa ăn chính trong ngày. Theo khảo sát, người Việt chi 10.000-30.000 đồng cho bữa sáng, 31.000-50.000 đồng cho bữa trưa và bữa tối.

Bữa chính thông thường là cơm, phở ở các hàng quán bình dân, vỉa hè. Trong khi đó, khi uống cà phê/trà sữa, nhiều người có xu hướng lựa chọn các cửa hàng, thương hiệu nổi tiếng.

Thói quen chi tiêu khác

Theo ông Nguyễn Thái Bình, chuyên gia vận hành F&B, tệp khách hàng lớn nhất trong thị trường F&B là sự giao thoa giữa cuối Gen Y và đầu Gen Z.

"Đây là nhóm tuổi leader (người dẫn dắt) của thị trường trong tương lai, là những cá thể chuẩn bị và mới bắt đầu tham gia vào thị trường lao động, có tư duy mở. 3 cụm từ tôi có thể mô tả về tập khách giao thoa này là: YOLO (You only live once), làm việc từ xa và sống có mấy đâu".

Riêng đối với thị trường cà phê Việt Nam, nhóm khách hàng trẻ, với những thói quen chi tiêu, văn hóa cà phê khác biệt so với thế hệ trước, cũng ngày càng có sức ảnh hưởng.

Ông Trần Nhật Quang, Founder Là Việt Coffee, nhận định thời gian gần đây, cùng với sự phát triển của specialty coffee, tập trung vào việc nâng cao chất lượng, mục đích đi cà phê của mọi người đã chú trọng vào ly cà phê, văn hóa thưởng thức và sử dụng dịch vụ hơn.

"Đây là xu hướng chung của thế giới. Với thế giới mở như hiện nay cùng với sự phát triển của Internet, các bạn trẻ rất dễ dàng chia sẻ và bắt được xu hướng này".

 

Khách hàng trẻ yêu thích những không gian và trải nghiệm mới lạ. Ảnh: Phương Thảo. 


Ông Quang nói thêm khách hàng trẻ đôi khi mong muốn những trải nghiệm khác biệt so với những thế hệ trước. Điều này tạo lợi thế cạnh tranh cho những thương hiệu mới.

Ngoài ra, đa phần người Việt rất thích sử dụng thương hiệu có tiếng trên thế giới. Vì vậy, các "ông lớn" trong ngành thường nắm bắt điều này để marketing đánh vào nhu cầu quốc tế hóa của người trẻ.

Còn theo ông Nguyễn Hoàng Hải, đại diện chuỗi cà phê Coffilia, trước đây, người Việt đi cà phê bởi tính tiện lợi, giá thành rẻ và chưa có nhu cầu cao về thiết kế không gian hay trải nghiệm dịch vụ.

Nhưng những năm gần đây, người tiêu dùng đã dần có gu thưởng thức và kiến thức về cà phê hơn. Do đó, họ có xu hướng lựa chọn những địa điểm không chỉ đáp ứng được sở thích cà phê, mà còn chú trọng chất lượng không gian, dịch vụ. Ông Hải cho rằng đây là sự thay đổi theo hướng tích cực.

"Tầng lớp trung lưu ở Việt Nam đang phát triển nhanh và có độ tuổi 25-35. Đây là nhóm có thói quen tiêu dùng tương đối mạnh tay. Họ sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho ly cà phê hàng ngày của mình, yêu thích các không gian hiện đại được đầu tư bài bản, từ thiết kế đến trang thiết bị và chất lượng sản phẩm, dịch vụ", ông Hải nhận định.

Theo Zing