Trước vỉa hè công viên 29/3 (đường Nguyễn Tri Phương, quận Thanh Khê) và cổng chùa Quang Minh (đường Tôn Đức Thắng, quận Liên Chiểu) là địa chỉ cắt tóc quen thuộc của những người lao động nghèo, học sinh, sinh viên.
Điều đặc biệt, việc cắt tóc hoàn toàn không mất phí, chỉ cần đổi lấy nụ cười. Trung bình mỗi buổi, điểm cắt tóc 0 đồng phục vụ khoảng 50-60 người.
Chủ nhân của điểm cắt tóc miễn phí là anh Nguyễn Minh Vương (SN 1994, quê ở Quảng Nam). Dẫu công việc khá bận rộn nhưng đều đặn mỗi tuần 2 lần, Vương vẫn cùng nhân viên bố trí thời gian cắt tóc miễn phí tại đây.
“Nhiều người khó khăn, không được cắt tóc thường xuyên. Họ sợ tốn kém nên có khi 3 - 4 tháng mới dám cắt một lần. Tôi muốn giúp mọi người có mái tóc đẹp, cũng như bớt một phần chi phí trong cuộc sống. Cắt tóc không cần đầu tư nhiều, chủ yếu là bỏ công. Chỉ cần nhìn thấy nụ cười hạnh phúc của họ là tôi vui rồi”, Vương nói về lý do "bám trụ" với công việc này.
Bất kể đối tượng khách là ai, nhóm của anh đều phục vụ nhiệt tình, chu đáo, vừa cắt tóc, vừa hỏi han về công việc, gia đình, sức khoẻ và không quên dặn họ lần sau quay lại tiếp.
“Nhiều chú, bác có tâm lý e ngại khi được cắt tóc miễn phí nên tôi luôn căn dặn nhân viên phải niềm nở, lễ phép, để họ ngồi vào ghế thấy thoải mái, gần gũi, xem mình như chính con cháu trong nhà“, Minh Vương chia sẻ.
Làm nghề chạy xe ôm, ông Nguyễn Văn Thanh (52 tuổi, quận Thanh Khê) trở thành khách quen của nhóm cắt tóc vài năm nay.
“Mỗi lần cắt ít nhất tôi cũng mất 40 nghìn đồng. Từ ngày biết đến điểm cắt tóc miễn phí, tôi đỡ được một khoản. Nhân viên ở đây cắt rất cẩn thận, nói chuyện lại tình cảm”, ông Thanh nói.
Không chỉ cắt tóc miễn phí trên vỉa hè, những năm qua, Vương cùng nhân viên còn đến tận nơi cắt tóc cho các bạn nhỏ ở làng Hy Vọng, các bệnh nhân của Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng, Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng...
Hễ có lời đề nghị cắt tóc cho những hoàn cảnh khó khăn là anh lại rủ nhân viên tới ngay. Nhiều buổi số lượng lên đến cả trăm người, nhóm cắt không ngơi tay. Có hôm cắt xuyên trưa mới xong nhưng ai nấy đều vui vẻ, quên hết mệt nhọc khi nhận lại nụ cười hạnh phúc của mọi người.
Đi lên từ nghèo khó
Chia sẻ về việc làm của mình, Vương nói, bản thân sinh ra trong gia đình nghèo có 5 anh chị em. 17 tuổi Vương nghỉ học giữa chừng, rời quê ra Đà Nẵng bươn chải, kiếm sống.
Lăn lộn đủ nghề nên anh hiểu và cảm thông sâu sắc với những người nghèo khổ: “Tôi đã trải qua hoàn cảnh đó, khi phải tiết kiệm từng đồng, không phải thích ăn gì thì ăn, muốn cắt tóc là cắt. Chính vì thế, khi còn đi học nghề, làm thợ cắt tóc nhưng tôi luôn mong muốn giúp đỡ người khác từ chính công việc của mình”.
Vương vác ba lô đồ nghề đi cắt tóc miễn phí với một suy nghĩ “mình không có của thì giúp công”. Hồi đó, ban ngày đi làm, còn buổi tối, Vương thường rủ vài người bạn đi cắt tóc cho các lao động nghèo ở khu vực quận Liên Chiểu. Dù đêm khuya, mọi người vẫn chờ đợi để được cắt tóc miễn phí.
Sau 7 năm gắn bó với nghề, năm 2018 Vương mở một tiệm cắt tóc, kinh tế cũng dần ổn định hơn và bắt đầu mở các điểm cắt tóc miễn phí để giúp đỡ mọi người. Hoạt động được duy trì từ đó tới nay. Không chỉ cắt tóc miễn phí ở vỉa hè, tại các cửa tiệm của Vương đều dựng tấm biển cắt tóc miễn phí cho những người khó khăn. Nhiều bác xe ôm, chú bán vé số, sinh viên nghèo… trở thành khách quen của tiệm.
“Thực ra, thời điểm đầu khi cắt tóc miễn phí cũng có nhiều người dị nghị, nói ra nói vào. Họ bảo tôi 'làm màu', quảng cáo vì ai đời tiệm cắt tóc nhìn cũng sang trọng mà đi cắt miễn phí cho người nghèo. Im lặng, mặc kệ những lời nói đó, chúng tôi tới hết tuyến đường này, trung tâm nọ đến bệnh viện kia suốt 7 năm qua. Có thể nói đây là một hành động nhỏ nhưng tôi nghĩ mình làm được gì thì làm, giúp được gì thì giúp”, Vương trải lòng.
Đi lên từ bàn tay trắng, Minh Vương hiện là chủ chuỗi tiệm cắt tóc nam ở Đà Nẵng với 6 cửa hàng và hơn 60 nhân viên. Các học viên của anh sau khi về quê Quy Nhơn (Bình Định), Quảng Nam, Quảng Ngãi… mở tiệm cũng nối tiếp triển khai hoạt động cắt tóc miễn phí để giúp những người khó khăn ở địa phương.
Được biết, trong đợt nắng nóng đỉnh điểm vừa qua ở Đà Nẵng, anh Vương đã trích một phần doanh thu hàng ngày của tiệm, đặt các thùng nước mát miễn phí trên vỉa hè, gửi tặng người lao động kèm lời nhắn dễ thương.
“Giờ đây cuộc sống của tôi có điều kiện hơn, nên sẽ duy trì và phát triển các hoạt động thiện nguyện khác để giúp đỡ cho những người nghèo. Tôi luôn tâm niệm rằng, cuộc sống là phải cho đi. Mong rằng những việc làm nhỏ của mình sẽ góp phần lan toả, giúp đỡ được nhiều người có hoàn cảnh khó khăn”, Minh Vương chia sẻ.