Nhộng những con rệp giường mà ta thường gặp tiết ra một chất chống kích dục (anti-aphrodisiac) có thể dập tắt “ham muốn” để tránh phải giao phối vời những gã rệp đang đi tìm đối tác để thoả mãn. Thứ hoá chất này có thể dùng làm để chống lại sự giao phối trong quần thể rệp giường và “diệt chủng” quần thể rệp.

Nhà nghiên cứu Vincent Harraca, trường ĐH Lund ở Thuỵ Điển khẳng định: "Những kết quả này có thể áp dụng để làm giảm số lượng quần thể rệp giường bằng cách “phá” các cuộc giao phối giữa chúng. Nhờ đó, chúng không thể sản sinh ra các thế hệ tiếp nối để đi đến diệt vong”.

Ông cho biết: “Những con rệp giường đực là loài có thói quen giao phối bừa bãi và nhiều lần. Chúng tìm cách để giao phối với bất cứ con rệp nào chúng gặp, bất kể đối tác mà chúng tiếp cận là rệp đực, rệp cái hay rệp con, thậm chí là một ấu trùng chưa biến thái ở giai đoạn nhộng (nymph)".

Những con rệp giường hút máu nguy hiểm. Ảnh: Internet.

"Khi giao phối, rệp đực đục một lỗ vào bụng đối tác của mình và phóng tinh. Tuy nhiên những con nhộng này lập tức chống trả bằng cách tiết ra một loại pheromon để rệp đực biết là mình đã “bé cái nhầm”, hãy đi chỗ khác tìm một đối tượng khác mà “hành sự”.

Để thử xem nhộng đã tiết ra chất chống kích dục gì và cơ chế ra sao, Harraca và đồng nghiệp đã thử nghiệm dùng thuốc bôi móng tay (có khả năng tạo màng) bọc lấy tuyến chứa chất pheromon của nhộng lại để chúng không phóng thả được chất này nữa. Lúc đó, chúng buộc phải nhận một số lượng tinh trùng của rệp đực y hệt những con rệp cái phải hứng chịu. Các nhà nghiên cứu đã dùng pheromon này phun vào quần thể rệp để giảm “ý chí chiến đấu” của rệp đực, kết quả là số lần giao phối của chúng giảm rất nhiều. Chất pheromon thu được đang được mang phân tích hoá học và tìm cách tổng hợp.

Nhóm các nhà khoa học Thụy Điển rất hy vọng họ sẽ phát minh ra một phương pháp rất thú vị để “diệt chủng” loài rệp giường, một loại ký sinh trùng hút máu, gây ngứa ngáy khó chịu và truyền những bệnh dịch nguy hiểm mà không cần dùng đến các loại thuốc diệt côn trùng mà hiện nay người ta đang sử dụng.

Kết quả nghiên cứu được đăng tên Tạp chí Sinh học BMC.

T.H. (Theo Livescience)