XEM CLIP:
Nhiều hộ dân ở thôn Mỹ Sơn (xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) có trình báo với cơ quan chức năng việc BQL khu di sản văn hóa Mỹ Sơn tự ý cho đốn hạ nhiều cây trong rừng phòng hộ bị ngã đổ đem đi bán.
Sáng 20/3, theo phản ánh của một số người dân, cơn bão số 9 xảy ra vào cuối tháng 10/2020 đã làm cây rừng phòng hộ ở khu di sản văn hóa Mỹ Sơn gãy đổ hàng loạt. Cây gãy đổ chủ yếu là keo lá tràm, tai tượng.
Sau đó, BQL Mỹ Sơn đã cho người chặt cây đem đi bán lấy tiền khi chưa được phép của cơ quan chức năng có thẩm quyền.
Hình ảnh ghi nhận sáng 20/3 |
BQL khu di sản văn hóa Mỹ Sơn tự ý đốn hạ cây ngã đổ khi chưa được cho phép |
Ngoài ra, đơn vị thu mua cây cũng cưa hạ cây rừng của người dân thôn Mỹ Sơn trồng nằm trong di sản Mỹ Sơn.
Ông Nguyễn Thanh Ba (62 tuổi, xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên) cho hay, ông có 2ha đất trồng hơn 15 ngàn cây keo xen kẽ xà cừ. Số cây này được gia đình trồng từ năm 1994, thuộc dự án PAM 4304 (dự án rừng trồng bằng nguồn vốn tài trợ của Chương trình lương thực thế giới).
Sau đó, khu vực trồng rừng của ông Ba được chuyển thành rừng phòng hộ cảnh quan của khu di sản văn hóa Mỹ Sơn nên bị cấm khai thác, chặt hạ.
Theo ông Ba, rừng trồng của ông đã trên 20 năm tuổi, toàn cây gỗ lớn. Trong đợt bão số 9, BQL Mỹ Sơn đã cho người thu mua chặt hạ cây ngã đổ đem đi bán. Điều khiến ông Ba bức xúc là đơn vị thu mua còn chặt hạ nhiều cây của gia đình ông trồng.
Nhiều cây bị đốn hạ có đường kính 50 - 60cm |
“Các đợt bão trước, thấy cây cối của gia đình bị ngã đổ, tôi đã xin phép BQL Mỹ Sơn chặt hạ đem về nhưng không được phép mà họ chỉ cho tỉa cành, nhánh.
Thế mà trong đợt này, BQL Mỹ Sơn lại tự ý cho người thu dọn, chặt hạ cây trong di sản và chặt luôn cây rừng của chúng tôi. Cho dù là rừng của tôi giờ quy hoạch thành rừng phòng hộ cảnh quan, nhưng không nói mà cho chặt hạ cây của chúng tôi đã khiến người dân chúng tôi phải có ý kiến”, ông Ba nói.
Giám đốc BQL Mỹ Sơn thừa nhận sai sót
Ghi nhận của VietNamNet sáng 20/3, khu vực rừng phòng hộ khu di sản văn hóa Mỹ Sơn có nhiều cây bị chặt hạ. Nhiều cây gỗ có đường kính 50 - 60cm
Hiện trường vết cưa chặt còn mới, hàng chục thân gỗ bị chặt hạ vẫn chưa mang đi, nằm ngổn ngang.
Hàng chục thân gỗ bị chặt hạ vẫn chưa mang đi |
Giám đốc BQL khu di sản văn hóa Mỹ Sơn Phan Hộ cho biết, bão số 9 đã làm gãy đổ nhiều cây cối trong khu vực di sản.
Để khắc phục nhanh, trả lại lối đi nguyên trạng cảnh quan tham quan, BQL thống nhất giao cho Công đoàn cơ quan tổ chức thu dọn các cây ngã đổ mà trước đây công đoàn trồng dọc hai bên đường đi tạo bóng mát.
Theo BQL, qua khảo sát có 130 cây lớn nhỏ, công đoàn cơ quan đã lập kế hoạch, hợp đồng nhân công tổ chức thu dọn, chặt hạ các cây ngã đổ. Số tiền bán được là 180 triệu đồng, sẽ trả tiền cho công nhân thu gom và phát động trồng cây bản địa.
“Trong quá trình làm do chú tâm vào vấn đề nhanh chóng khắc phục hậu quả của bão lũ. Vì vậy so với các quy định về rừng thì chúng tôi chưa có báo cáo xin phép đầy đủ, dẫn đến những sai sót so với quy định.
Việc chưa cấp phép mà chặt cây là không đúng, nhưng chúng tôi không tổ chức khai thác, có ý đồ chặt rừng phòng hộ, bán cây. Chúng tôi chỉ muốn khắc phục nhanh hậu quả của bão để đón khách", ông Hộ phân trần.
Gỗ nằm ngổn ngang trong BQL khu di sản văn hóa Mỹ Sơn |
Ông Hộ thừa nhận, trong quá trình thu gom cây, đơn vị hợp đồng thu gọn đã chặt “nhầm” các cây của người dân bị ngã đổ.
"Đơn vị thu dọn đã nhầm lẫn chặt hạ luôn cây ngã đổ trong rừng của người dân trồng, khiến nhiều hộ dân bất xúc. Chúng tôi đã thương lượng và sớm giải quyết cho người dân. Đây là sai sót trong giám sát của BQL và là bài học đối với chúng tôi”, ông Hộ lý giải.
Trao đổi với VietNamNet trưa 20/3, ông Nguyễn Ngọc Nguyên, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Trung Quảng Nam cho biết, đơn vị đã tiếp nhận đơn trình báo của người dân và đang xác minh điều tra, thời hạn là 60 ngày. “Chúng tôi đã phối hợp với Phòng TN&MT huyện Duyên Xuyên xác định vị trí và nguồn gốc rừng bị đốn hạ, rồi mới có kết luận”, ông Nguyên nói. |
Lê Bằng
100 cảnh sát vây bắt nhóm phá rừng quy mô lớn ở Quảng Bình
Các đối tượng khai nhận, trong tháng 11/2020 đã chặt hạ 3 cây gỗ có khối lượng hơn 16m3 gỗ, sau đó tập kết gỗ tại bãi cát rồi chở về xuôi.