Việc tiếp xúc với vi trùng trong khoảng cách gần trên máy bay với hàng trăm người là không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, chắc chắn không một hành khách nào lại muốn tiếp xúc với những chất thải sinh học khác như bãi nôn mửa, phân tiêu chảy hay máu trên chuyến bay của mình.

Tuy nhiên, sau một loạt sự cố gần đây thì điều này không còn là hy hữu khi bay.

Mới đây, một chuyến bay của hãng hàng không Delta từ Atlanta đến Barcelona đã buộc phải quay đầu và hạ cánh khẩn cấp sau khi có hành khách bị tiêu chảy suốt chuyến bay.

Theo những chia sẻ của các nhân chứng thì phi hành đoàn đã cố gắng hết sức để dọn dẹp đống lộn xộn bằng khăn giấy, tấm thấm hút và chất khử trùng.

Khi liên lạc với kiểm soát không lưu, phi công giải thích rằng chuyến bay phải quay đầu máy bay do “vấn đề nguy hiểm sinh học”.

Sau khi chuyến bay hạ cánh, hành khách đã phải trèo qua ghế để tránh chất thải tiêu chảy ở lối đi.

Tuy nhiên, đó không phải tất cả. Vào cuối tháng 8, hai hành khách trên chuyến bay của Air Canada đã bị hộ tống ra khỏi máy bay vì từ chối ngồi ở ghế có bãi nôn của hành khách trên chuyến bay trước. Theo đó, mặt ghế và dây an toàn đều bị ướt.

Dù được các tiếp viên cố gắng làm sạch và khử mùi bằng túi đựng cà phê cùng nước hoa nhưng các hành khách vẫn cảm thấy không chịu được.

Trước đó, vào tháng 7, một hành khách trên chuyến bay của Air France từ Paris đến Toronto cũng nhận thấy mùi hôi bốc ra từ chỗ để chân dưới ghế ngồi của mình.

Habib Battah nói với CNN rằng: “Nó có mùi như phân bón".

Sau khi kiểm tra, anh nhận thấy một vết ướt trên sàn nhà bên dưới mình và phát hiện ra đó là máu người.

Jenna Brown, Cán bộ Y tế Môi trường chuyên về an toàn thực phẩm và sức khỏe cộng đồng, nói với Euronews Green: “Các chất thải, dịch cơ thể bao gồm chất nôn mửa, phân tiêu chảy, máu, nước tiểu trên phương tiện giao thông công cộng có nguy cơ lây truyền bệnh nghiêm trọng từ Norovirus đến các bệnh nghiêm trọng hơn”.

Brown cho biết các chất lỏng này phải được coi là chất lây nhiễm để đảm bảo áp dụng các biện pháp kiểm soát thích hợp nhằm bảo vệ sức khỏe của bất kỳ ai ở gần hoặc bất kỳ nhân viên nào xử lý việc dọn dẹp.

Việc làm sạch và khử trùng khu vực hiệu quả sẽ loại bỏ các mối nguy vật lý, sinh học và hóa học do chất dịch cơ thể gây ra, nhưng “kỹ thuật làm sạch kém có thể làm lây lan truyền nhiễm”.

Brown cho biết khu vực này cần được cách ly ngay lập tức và loại bỏ chất dịch cơ thể bằng cách sử dụng các hạt hấp thụ được thiết kế đặc biệt cho việc này, giúp ngăn ngừa sự lây truyền các bệnh truyền nhiễm qua không khí. Cuối cùng, khu vực này cần được khử trùng.

Cô tiếp tục: “Bất kỳ nhân viên nào xử lý việc dọn dẹp đều phải được đào tạo, trang bị các thiết bị phù hợp để bảo vệ bản thân khỏi bị nhiễm trùng”.

Nếu khu vực này không được làm sạch đúng cách thì nguy cơ lây truyền vẫn tồn tại.

Trước Covid-19, các máy bay được vệ sinh đơn giản giữa các chuyến bay như dọn rác và hút bụi trên sàn.

Sau đại dịch, nhiều hãng hàng không đã giới thiệu hệ thống lọc không khí cấp bệnh viện, trao đổi không khí trên máy bay vài phút một lần. Họ còn phun thuốc kháng khuẩn lên tất cả các bề mặt.

Cứ hai đến sáu tháng một lần, máy bay thường được vệ sinh kỹ lưỡng khi chúng được đưa đi bảo trì.

Khi ở trên không, hầu hết các tổ bay đều có thể xử lý các sự cố tràn chất nguy hiểm sinh học nhỏ cho đến khi quay trở lại trung tâm để làm sạch sâu hơn. Nếu sự cố tràn lớn hoặc phức tạp, chuyến bay có thể bị hoãn hoặc hủy trong khi chờ vệ sinh chuyên nghiệp.

Theo Euronews