- Chỉ thực sự là chất vấn, nếu một khi câu hỏi được đưa ra đúng quy định, phải có người có trách nhiệm và tư cách trả lời, và nhất thiết phải trả lời cũng như chịu trách nhiệm về tính trung thực - chuyên gia Bùi Đức Lại.
Ngày 8/6, Bộ Chính trị ban hành Hướng dẫn số
02-HD/TW, hướng dẫn thực hiện việc chất vấn trong Đảng tại các kỳ họp Ban Chấp
hành Trung ương. VietNamNet trân trọng giới thiệu bài viết của tác giả Bùi Đức
Lại, nguyên chuyên gia cao cấp Ban Tổ chức Trung ương.
Chất vấn vốn là hoạt động bình thường trong các tổ chức hoạt động trên nguyên
tắc dân chủ, là một hình thức giám sát có hiệu quả đối với các thành viên trong
tổ chức, nhất là đối với tập thể và cá nhân lãnh đạo. Ở nước ta, trên nguyên
tắc, chất vấn được quy định đối với các tổ chức, cá nhân trong Đảng, trong cơ
quan lập pháp, hành pháp, tư pháp, trong các đoàn thể. Tuy vậy, đây vẫn là vấn
đề mới mẻ đối với nhiều người và tổ chức trong cuộc sống hiện thực.
Đáng chú ý là, trong quá khứ, chất vấn đã từng thực hiện cả ở cấp cao nhất. Ngay khi Đảng mới ra đời, Hội nghị xứ ủy Bắc Bộ 1931 từng “chất vấn Trung ương” về vấn đề võ trang. Trong thời kỳ đầu kháng chiến chống Pháp, trong quân ngũ, anh bộ đội - nông dân dù chưa thuộc hết mặt chữ, cũng đã biết “khai hội, yêu cầu, chất vấn”, như Hồng Nguyên khắc họa trong bài thơ Nhớ nổi tiếng.
Hiện nay, chất vấn tại diễn đàn Quốc hội và hội đồng nhân dân một số địa phương, tuy còn những hạn chế, nhưng vẫn đáng được ghi nhận là tốt hơn cả so với các tổ chức khác. Trong Đảng, quyền chất vấn được ghi trong Điều lệ, phần nào được quy chế hóa, nhưng việc thực hiện còn nhiều hạn chế, nếu có thì cũng chỉ diễn ra trong nội bộ một số ít cấp ủy. Có lẽ chưa ở đâu đảng viên có điều kiện thực hiện quyền chất vấn cơ quan và cán bộ lãnh đạo. Cũng chưa có quy chế nhân dân chất vấn đảng viên, cấp ủy, cán bộ các cấp của Đảng, như đáng ra phải có đối với chính đảng duy nhất lãnh đạo và cầm quyền.
Đại biểu dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, tháng 1/2011. Ảnh: Hoàng Long |
Vì vậy việc Ban lãnh đạo Đảng chủ trương khuyến khích hoạt động chất vấn đã ít nhiều khơi dậy sự chú ý trong dư luận đảng viên và nhân dân. Nếu thực tâm và quyết tâm thực hiện, chắc chắn sẽ tìm ra các biện pháp tốt để thúc đẩy việc này.
Có thể kể nhiều nguyên nhân khiến sinh hoạt chất vấn còn yếu kém như: Thiếu quy chế cụ thể, rõ ràng; văn hóa “nghị trường” chưa phát triển; tính chiến đấu và tinh thần trách nhiệm yếu của các phía tham gia chất vấn; người có quyền chất vấn nản lòng vì hiệu quả chất vấn thấp, vấn đề chất vấn không được kết luận, tình hình chẳng những không được cải thiện mà người chất vấn còn bị trù dập, “trả đũa”… Thực chất của các nguyên nhân kể trên vẫn là dân chủ yếu kém, hình thức, thiếu cơ chế và điều kiện thực thi.
Công khai
Thử khảo sát một vài khía cạnh biểu hiện cụ thể.
1- Mối quan hệ không tương xứng giữa các chủ thể tham gia chất vấn
Nói chung, các cuộc chất vấn có bốn bên tham gia: người chất vấn, người bị chất vấn, người chủ tọa phiên chất vấn, người nghe chất vấn.
- Người chất vấn thường là cá nhân có vị trí thấp hơn trong bộ máy, đa số là cán bộ dưới quyền, chịu sự chi phối của người bị chất vấn. Khi thực hiện quyền chất vấn, họ phải đối mặt với nguy cơ chịu ác cảm từ phía người bị chất vấn. Không ở vị trí thuận lợi để có đầy đủ thông tin cần thiết nên họ có nguy cơ trở thành đối tượng phê phán từ nhiều phía về chất lượng chất vấn, về trình độ hiểu biết, thậm chí về động cơ chất vấn…
Nói cách khác, người chất vấn - nguồn khởi xướng và động lực của mọi hành vi chất vấn - là phía có vị thế yếu nhất trong cuộc chất vấn. Các “quan chức” trong bộ máy thường không tham gia chất vấn, mặc dù họ chiếm số lượng đông đảo nhất, có nhiều thông tin, có tiếng nói có trọng lượng nhất. Trong số đó, những người có vị trí cao thì cho rằng mình thuộc một cơ cấu lãnh đạo cao hơn, không muốn bộc lộ các vấn đề nội bộ của cơ cấu đó qua chất vấn, sợ mang tiếng “mất đoàn kết” “vạch áo cho người xem lưng”. Người có vị trí thấp thì im lặng hoặc chất vấn vòng vo, thực chất là né tránh. Vì vậy, trong các phiên chất vấn, ít khi vang lên tiếng nói chất vấn thẳng thắn, nội dung cụ thể, rõ ràng, bám sát những chủ đề quan trọng nhất. Nếu có, thì cũng lại thường xuất phát từ một số ít người có vị trí “độc lập”, nằm ngoài bộ máy.
- Trong khi đó, người bị chất vấn
phần lớn là cá nhân (hoặc người đại diện đủ thẩm quyền của tập thể) có vị trí
cao hơn người chất vấn. Là đối tượng bị chất vấn, họ có tâm lý xem trả lời chất
vấn là việc “cực chẳng đã”, không mấy ai vui vẻ, thành thật hợp tác để thực hiện
tốt. Nhiều người tìm cách biến báo, “câu giờ”, né tránh trách nhiệm, hoặc nhận
trách nhiệm một cách chung chung cho qua phiên chất vấn. Do chẳng mấy khi bị
“truy vấn” nên cách làm như vậy là “an toàn” nhất. Đó là chưa kể trong một số
quy chế, có những trường hợp người bị chất vấn không có trách nhiệm trực tiếp
trả lời chất vấn. Ví dụ, theo quy chế hiện hành về công tác nhân sự tại đại hội
đảng các cấp, khi bị chất vấn về tư cách, cá nhân người ứng cử hoặc được đề cử
không có trách nhiệm trả lời. Đoàn chủ tịch đại hội thay họ làm việc này. Không
trả lời công khai mà chỉ trả lời riêng cho người chất vấn.
Chất vấn - hoạt động được đông đảo cử tri chờ đợi ở mỗi kỳ họp Quốc hội. Ảnh: Minh Thăng |
- Người điều khiển phiên chất vấn, do nhiều nguyên nhân, nhiều khi không làm đúng trách nhiệm chủ tọa theo quy định. Khá phổ biến việc ngộ nhận, xem trách nhiệm “điều khiển phiên họp” là quyền cho ai được chất vấn và chất vấn vấn đề gì, là quyền tự mình giải thích ý kiến chất vấn, thậm chí giải trình hộ người bị chất vấn. Dù với động cơ gì, làm như vậy là vi phạm quyền chất vấn, gây ức chế cho người chất vấn, làm giảm sức sống và chất lượng phiên chất vấn.
- Người nghe chất vấn là các thành viên của tập thể dự phiên chất vấn. Dễ nhận thấy một hiện tượng khá phổ biến là nhiều người chỉ quan tâm tới điều mình chất vấn, ít quan tâm đến vấn đề người khác chất vấn, dù đó có thể là vấn đề cần quan tâm hơn. Họ dễ dàng chấp nhận việc người chủ tọa “lái” vấn đề, kể cả khi chất vấn chưa được trả lời thỏa đáng.
Trong các phiên chất vấn công khai, hoặc được các phương tiện thông tin đại chúng tường thuật tại chỗ, thì đông đảo người xem cũng nghiễm nhiên trở thành người nghe chất vấn. Tính chất công khai của những phiên chất vấn như vậy có lẽ là yếu tố quan trọng nhất làm cho nó có hiệu quả giám sát khá cao đối với các bên tham gia chất vấn, kể cả người bị chất vấn, người chất vấn và điều khiển chất vấn. Tiếc rằng, những hoạt động chất vấn công khai còn hiếm.
Sự mô tả còn rất sơ lược như trên chỉ ra rằng còn rất nhiều vấn đề chưa ổn từ phía các bên tham gia chất vấn và quan hệ giữa họ cần được khắc phục.
2- Vấn đề được chất vấn
Vấn đề được đưa ra chất vấn luôn là vấn đề trung tâm, có tính chất tiền đề đảm bảo chất lượng cuộc chất vấn.
Thường có rất nhiều vấn đề người ta thấy cần chất vấn, nhưng trong mỗi không gian và thời điểm chính trị cụ thể, luôn luôn có một số vấn đề then chốt, cần được chọn trúng và tập trung chất vấn, đặt ra đúng chỗ, đúng địa chỉ trách nhiệm. Đó là những vấn đề đang được dư luận đông đảo quan tâm, có ảnh hưởng trực tiếp đến sự an nguy của đất nước, đến đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, tinh thần và quyền làm chủ của nhân dân; những chủ trương và chính sách lớn; phẩm chất, hành vi, trách nhiệm của các cá nhân và tổ chức liên đới trực tiếp.
Chủ đề chất vấn có thể bao hàm mọi mặt lãnh đạo, lập pháp, hành pháp, tư pháp, từ đường lối, chủ trương, chính sách, đến việc thực thi luật pháp, công vụ đến trách nhiệm, phẩm chất, tư cách, hành vi của cán bộ, công chức các cấp, đảng viên…
Tuy nhiên quan sát các cuộc chất vấn có thể thấy chủ đề chất vấn hiện nay thường chỉ bó hẹp trong một số vấn đề chính sách. Trong đó lại không ít trường hợp chọn chủ đề chưa thật xác đáng, chất vấn thiếu tập trung, nửa vời, sai địa chỉ. Nguyên nhân là:
- Chất lượng của người chất vấn: Trình độ có hạn chế, chưa nhận biết đúng vấn đề, thiếu khách quan, cũng có trường hợp có động cơ không lành mạnh.
- Cơ quan và người chủ trì chất vấn thường vô tình hoặc cố ý hạn chế các chủ đề chất vấn và đối tượng chất vấn. Họ thường né tránh các vấn đề gai góc bằng cách xếp nó vào loại “chủ đề nhạy cảm”; viện dẫn quyết định của cơ quan cấp trên cao hơn, của ban lãnh đạo hoặc ý kiến cá nhân của người lãnh đạo để thoái thác chất vấn.
Không 'dĩ hòa vi quý'
3- Để mở rộng hoạt động chất vấn, khiến cho nó ngày càng có hiệu quả, góp phần vào quá trình dân chủ hóa đời sống chính trị của đất nước, của các tổ chức đảng, nhà nước, tổ chức quần chúng, cần có nhiều giải pháp mà nội dung chủ yếu là mở rộng và thực hành dân chủ.
- Một là, về nhận thức. Chất vấn trong rất nhiều trường hợp là hoạt động giám sát đối với cá nhân và tổ chức, đánh giá và sử dụng cán bộ. Chất vấn trên tinh thần xây dựng, nhưng cuộc chất vấn nào cũng ít nhiều có tính chất đấu tranh làm rõ đúng sai, không thể tiến hành với thái độ xuê xoa, nửa chừng, cầu mong “dĩ hòa vi quý”. Trong điều kiện hiện nay, phía chất vấn là chủ thể có vị thế yếu nhất cả trong và sau chất vấn. Vì vậy các quy chế và việc thực hiện quy chế chất vấn phải hướng tới việc hỗ trợ, khuyến khích và bảo vệ họ là chủ yếu. Cần bãi bỏ những quy định hạn chế tính tích cực, chủ động của họ, thực chất là kiềm chế hoạt động chất vấn.
- Hai là, chất vấn chỉ có ý nghĩa thiết thực khi trách nhiệm tổ chức và cá nhân được xác định minh bạch, cụ thể bằng luật pháp. Thiếu điều kiện đó thì cuộc chất vấn mất đối tượng đích thực và không thể có hiệu quả gì cụ thể.
- Ba là, chất vấn phải gắn với trách nhiệm giải trình. Đó là hai mặt của vấn đề. Chỉ thực sự là chất vấn, nếu một khi câu hỏi được đưa ra đúng quy định, phải có người có trách nhiệm và tư cách trả lời, và nhất thiết phải trả lời cũng như chịu trách nhiệm về tính trung thực của câu trả lời. Nội dung chủ yếu của quy chế chất vấn chính là quy chế về trách nhiệm giải trình - trả lời từ phía người bị chất vấn.
- Bốn là, cần hạn chế phạm vi các “chủ đề nhạy cảm”, nhất là phải bỏ hẳn việc tùy tiện xếp loại các vấn đề khó trả lời minh bạch thành vấn đề “nhạy cảm” như hiện nay. Nước nào cũng có một số ít vấn đề liên quan đến an ninh quốc gia không thể công khai, là vấn đề thực sự “nhạy cảm”. Còn lại đa số vấn đề khác đều có thể và cần công khai, nhất là mọi vấn đề liên quan đến phẩm chất, đạo đức, trách nhiệm và hành vi của cán bộ lãnh đạo các cấp.
- Năm là, trong điều kiện hiện
chưa thể sớm khắc phục tình trạng “bất đối xứng” trong quan hệ giữa các bên tham
gia hoạt động chất vấn (như trình bày trên), cần hết sức coi trọng công khai hóa
các hoạt động chất vấn, tạo điều kiện để nhân dân và cấp dưới tham gia và giám
sát chất vấn. Tăng cường các phiên chất vấn công khai của các cơ quan lãnh đạo
của Đảng và cơ quan nhà nước. Khuyến khích nhân dân hoặc trực tiếp, hoặc thông
qua các phương tiện thông tin đại chúng chất vấn cán bộ lãnh đạo các cấp, nhất
là về phẩm chất, đạo đức, lối sống và chất lượng thi hành chức trách công vụ.
Bùi Đức Lại