Google lọt vào tầm ngắm của giới chức châu Âu từ năm 2010 và cũng bị “tuýt còi” không ít lần về các vấn đề liên quan đến quyền riêng tư, xóa bỏ kết quả tìm kiếm, bản quyền, tranh cãi về thuế.

Cuộc bỏ phiếu không ràng buộc mới đây nhất tại Nghị viện châu Âu là dấu hiệu mạnh mẽ nhất cho thấy lo ngại của châu Âu đối với sức mạnh ngày một lớn của các gã khổng lồ nước Mỹ. Ý tưởng chia tách Google làm đôi được 384 phiếu thuận, 174 phiếu chống và 56 phiếu trắng.

Ủy viên Cạnh tranh EU Margrethe Vestager cho biết sẽ đánh giá lại trường hợp này và trao đổi với những người khiếu nại trước khi quyết định bước tiếp theo.

Google đang thống trị thị trường tìm kiếm tại châu Âu với khoảng 90% thị phần. Các nhà làm luật đề nghị Ủy ban cân nhắc tách công cụ tìm kiếm ra khỏi các dịch vụ thương mại khác.

Tuy nhiên, một số chính trị gia chỉ trích đề xuất kể trên. Nhà làm luật Sophie in't Veld cho rằng Nghị viện không nên khuyến khích các giải pháp chống lại Google vốn được vận động mạnh mẽ từ các đối thủ của Google mà phải đảm bảo cạnh tranh công bằng và lựa chọn cho người dùng.

Google là đối tượng của cuộc điều tra kéo dài 4 năm của Ủy ban, xuất phát từ đơn kiện của Microsoft, Experdia, các nhà xuất bản châu Âu… Theo Hiệp hội Công nghiệp Truyền thông và Máy tính, tổ chức mà Google, eBay, Facebook, Microsoft và Samsung tham gia, việc tách công cụ tìm kiếm là giải pháp “quá đáng và phi tác dụng”, không có ý nghĩa gì trên thị trường trực tuyến.

“Dù rõ ràng nhằm vào Google, Nghị viện thực chất lại gợi ý tất cả các công ty tìm kiếm hay công ty trực tuyến có chức năng tìm kiếm phải bị chia tách. Đây là mối lo ngại lớn khi chúng ta đang cố tạo ra thị trường online duy nhất”, hiệp hội đánh giá.

Gia tăng áp lực cho Google, Pháp và Đức hôm 27/11 kêu gọi xem xét quy tắc cạnh tranh của EU nhằm đảm bảo các công ty Internet lớn không bị “lọt sàng”. Họ đề nghị mở một cuộc cố vấn công khai nhằm “thảo luận về khung có thể áp dụng cho các thành phần kinh tế, để xem liệu những quy định cạnh tranh hiện tại có cho phép chúng ta hướng đến hành vi của những công ty này hay không”.

Ông Axelle Lemaire, người phụ trách Các vấn đề Kỹ thuật số của Pháp, cho biết muốn các chiến lược giảm thuế xuống mức thấp nhất của các doanh nghiệp không còn tồn tại. Ủy ban châu Âu đang điều tra một số giao dịch thuế giữa những công ty như Apple, Amazon.