Thảo luận tổ chiều 31/10 về việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, ĐBQH lo ngại tình trạng rải mành mành chương trình, dàn trải, thiếu hiệu quả và khó quy trách nhiệm.

Thảo luận ở tổ đại biểu Thanh Hóa. Ảnh: Phương Loan

Rơi rớt trên đường

ĐB Phạm Thị Hồng Nga (Hà Nội) cho rằng, đã gọi là chương trình mục tiêu thì phải xem sau bao năm thực hiện, mục tiêu có đạt được không?

Thực tế, nhiều chương trình đã  thực hiện 10 năm, chưa được tổng kết, đánh giá và vẫn được tiếp tục trong thời gian tới. Hiệu quả tới đâu?

Chương trình kiên cố hóa trường lớp là một ví dụ. Định mức ngân sách cho 1 phòng học không đổi trong 10 năm. Số tiền ấy, ở đồng bằng sông Cửu Long chỉ đủ cho đổ móng, xong được móng thì hết tiền, làm sao hoàn thành dự án? Có nơi trường tự động thay đổi mục tiêu, không làm một phòng mà sửa lại cả không gian trường, nhưng không có vốn đối ứng, thành dở dang.

Vùng núi, vận chuyển vật tư chi phí cao, vật tư đến nơi thì hết tiền làm, không đạt được mục tiêu.

ĐB Trịnh Xuyên (Thanh Hóa) chỉ rõ, cách làm của ta là Trung ương rót một cục tiền ở trên, một phần giữ lại ở ban quản lý chương trình…, chi cho các phần khác nhau, xuống đến dưới chỉ còn một chút.

“Chính phủ chi 10 đồng, nhưng về đến tay người nhận chỉ còn 2-3 đồng thôi. Tiền rơi rớt trên đường đi quá nhiều”, đại biểu Lê Thanh Vân (Hải Phòng) than.

Hơn nữa, “tính cục bộ lợi ích quá lớn, tạo cơ chế xin - cho” trong việc thực hiện các chương trình mục tiêu.

ĐB Võ Thị Dung (TP.HCM) băn khoăn, không ít trường hợp để có chương trình, các đơn vị đi xin, thậm chí là “chạy” dự án. Khi triển khai thì chậm trễ, nên có cảnh, cuối năm, để giải ngân, cơ sở dồn dập nhận được vài trăm cân tài liệu về chương trình mục tiêu quốc gia.

“Đó là cách làm vô trách nhiệm với dân”, bà Dung nhấn mạnh.

Rải mành mành

Trưởng đoàn ĐBQH Hà Nam Lê Văn Tân cho rằng cần xem xét đâu là chương trình mục tiêu, đâu là những nhiệm vụ thường xuyên phải làm của các tỉnh. “Phân biệt như vậy để chi cho ra tấm ra món, làm cho thiết thực, hiệu quả”.

“Tôi thấy rất nhiều dự án thành phần của các chương trình mục tiêu có nội dung trùng lắp với nhiệm vụ thường xuyên của tỉnh, là những công việc mà nếu không bố trí vốn để làm thì tỉnh vẫn phải làm”, ông Tân nói.

“Có cảm giác chương trình mục tiêu như một thứ bồi dưỡng thêm, cải thiện lương cho cán bộ”, ĐB Trần Du Lịch nêu.

Bản thân các chương trình mục tiêu cũng trùng lắp. ĐB Hoàng Đăng Quang (Quảng Bình) đơn cử, cũng là chương trình dạy nghề, hiện nay có quá nhiều đoàn thể đều có chương trình dạy nghề, từ Bộ LĐ-TB-XH cho đến Liên minh hợp tác xã, Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ....

“Ai nấy đều xin xây trung tâm, mở lớp, tuyển biên chế, xin kinh phí.. Cách làm rải mành mành thế này đã làm phân tán nguồn vốn”.

Đại biểu Lê Thanh Vân (Hải Phòng) phân tích, thực ra nhiều chương trình mục tiêu nhưng lại lờ mờ mục tiêu, chồng lấn với nhiều chương trình khác.

Trong 12 chương trình mục tiêu đã thực hiện, có một số rõ ràng không đạt mục tiêu, và vẫn được tiếp tục đưa vào. Điều này thể hiện quyết tâm của Chính phủ nhưng cũng cần xem lại, nếu không sẽ phải giải quyết hậu quả của việc thực hiện dàn trải.

“Chương trình mục tiêu quốc gia phải giải quyết vấn đề trong từng giai đoạn, không phải cứ làm chưa xong thì bỏ tiền làm cho xong”, ĐB Nguyễn Xuân Trường (Hải Phòng) nói.

ĐB Trịnh Xuyên (Thanh Hóa) yêu cầu đánh giá lại việc triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu xem hiệu quả như thế nào? Tính toán xem để lại chương trình nào cho phù hợp? Nên làm ít chương trình nhưng đầu tư cho đúng mức.

Giao quyền và trách nhiệm cho địa phương

Đại biểu Vân cho rằng Quốc hội nên ra nghị quyết về chương trình mục tiêu quốc gia, chỉ rõ khuôn khổ, phạm vi, giao trực tiếp vốn cho chủ thể chương trình, và gắn trách nhiệm với chủ thể, không giao bộ ngành quản lý chung chung như hiện nay.

Cùng quan điểm này, ĐB Phạm Văn Cường (Lào Cai) chỉ rõ, việc quản lý các chương trình mục tiêu quốc gia rất khó. Mỗi chương trình thực hiện theo một kiểu, không thể phối hợp được với nhau. Tình trạng hiện nay là không có tổng chỉ huy.

Nhiều đại biểu đề nghị Trung ương nên giao hẳn về cho các địa phương tự bố trí nguồn vốn thì mới hiệu quả.

“Làm sao Trung ương có thể kiểm soát đến tận xã. Thời gian chờ đợi xin ý kiến Trung ương quá lâu”, ĐB Nga phân tích. Vì thế, nên giao quyền chủ động cho tỉnh, thành phố trong việc quyết định các dự án, công trình, gắn với kiểm điểm trách nhiệm nếu nơi nào làm sai, nhiều đại biểu nói.

Phương Loan - Lê Nhung