Con tôi nuôi 4 năm nay chưa bao giờ tôi phải vất vả chuyện cho con ăn trong khi nhiều chị em "kêu trời" vì con lười ăn.
Cho con ăn ra sao để không vất vả? Làm cách nào để cho con ăn một cách ngon lành? Mẹ nên làm gì để không tạo căng thẳng trong mỗi bữa ăn?...Đây có lẽ là thắc mắc, trăn trở của rất nhiều mẹ Việt đang vướng phải. Tôi phải thừa nhận rằng, hiện nay ngày càng có nhiều bà mẹ kêu ca về các bữa ăn dành cho con, họ coi đó như là một cuộc chiến không có hồi kết. Có thể nói ăn là một trong những hoạt động sung sướng trong cuộc đời của con người, vậy tại sao mẹ lại biến bữa ăn thành cơn ác mộng cho cả con lẫn mẹ.
Bản thân tôi cũng là một người mẹ đang nuôi con nhỏ, bé Cindy năm nay lên 4 tuổi và tôi phải tự hào nói rằng mình không bao giờ phải đau đầu về chuyện ăn uống của con. Trẻ thì hoàn toàn không thể biết cách tự làm mình hư hỏng, chỉ có bố mẹ dạy con ăn uống “hư hỏng” như thế nào từ những bước đầu tiên mà thôi.
Ngay từ khi có con tôi đã quyết định đánh “phủ đầu” với những ý định thuê osin trông con, chạy theo con từng bước để mong bón cho con được thìa cơm hay phải cố gắng nhồi nhét, ép buộc ăn uống để con trở nên béo tốt khỏe mạnh. Tôi không hề tán thành với những cách làm trên của một số mẹ Việt, họ cần biết rằng làm như vậy chỉ gieo thêm thói quen, tật xấu cho con nhỏ chứ không hề có lợi lộc gì.
Tôi đã từng phải hãi hùng nhìn cảnh cô bạn tôi “cố sống cố chết” ép con ăn, hai tay hai đứa, vừa la vừa mắng, vậy mà các con vẫn thi nhau phun trong nước mắt. Tôi cũng sợ cảnh cả nhà phải thi nhau làm trò đùa chỉ với hi vọng con có thể há mồm để mẹ dễ dàng đút từng miếng bột, thìa cơm. Tôi cũng phải giơ cao tay thán phục trước những người bà, người mẹ “marathon” có thể chạy theo con hàng giờ với bát cơm trên tay. Nhìn thấy những cảnh tượng đó, tôi chỉ biết lắc đầu ngán ngẩm và tự nghĩ rằng “may mà mình không phải rơi vào tình cảnh đó”.
Không phải ngẫu nhiên mà tôi trở thành một người mẹ nhàn trước mỗi bữa ăn của con, tất cả đều phải có bí quyết và học hỏi từ những người đi trước. Chính nhờ vậy, khi cho Cindy đi mẫu giáo, tôi không cần phải quá lo lắng chuyện ăn uống của con, bởi bé có thể ngồi một chỗ tự xúc ăn ngon lành trong khi các bạn khác thì khóc mè nheo đòi mẹ.
Nhồi nhét trẻ ăn quá nhiều cũng khiến bé sinh ra chứng sợ ăn (Ảnh minh họa) |
Không phải cứ cho con ăn nhiều là tốt
Muốn chấm dứt “cơn ác mộng” này, mẹ cần biết nên cho con ăn bao nhiêu là đủ, cho con ăn không phải cứ nhiều là tốt. Hiện nay, thức ăn dành cho trẻ nhỏ ngày càng đa dạng và phòng phú, mỗi món lại có một tác dụng riêng biệt. Chính sự phong phú, đa dạng đó, khiến nhiều mẹ phải đắn đo suy nghĩ nên và không nên cho con ăn gì. Trên thực tế, tôi nhận thấy, có rất nhiều mẹ kém hiểu biết nên đã “tha lôi” đủ thứ “sơn hào hải vị” về cho con với ý nghĩ ăn càng nhiều đồ bổ sẽ khỏe mạnh, thông minh học giỏi.
Tuy nhiên, các mẹ cần biết rằng, khi còn nhỏ dạ dày của trẻ không có đủ sức chứa như người lớn, dó đó bé sẽ không thể tiếp nhận mọi đồ ăn mà mẹ nhồi nhét trong cùng một thời điểm. Mỗi giai đoạn phát triển của các bé, mẹ cần phải lên kế hoạch thực đơn với khẩu phần cũng như dinh dưỡng phù hợp, tuổi nào nên ăn gì và tránh gì các mẹ cần phải nắm rõ trong lòng bàn tay. Đừng để sự thiếu hiểu biết của mình ảnh hưởng đến sở thích ăn uống của con.
Chỉ nên cho con ăn lúc con cần
Trẻ nhỏ không có khả năng chịu đói cao như người lớn, chính vì vậy chỉ cần đói thì các con sẽ tự biết kêu mẹ. Khi bé, trẻ dùng tiếng khóc để báo hiệu cho mẹ rằng “bụng của mình đang biểu tình”, tuy nhiên không phải tiếng khóc nào cũng là minh chứng trẻ đang đói, các mẹ cần căn cứ thêm vào khoảng thời gian cho con ăn trước đó. Khi lớn hơn, các bé sẽ biết đưa ra yêu cầu và đòi hỏi của mình trước mỗi bữa ăn, do đó các mẹ không cần phải quá lo lắng việc nên cho con ăn lúc nào là hợp lý.
Việc các mẹ cho con ăn lúc bé không đói sẽ khiến bé nhanh chóng chán ăn và về lâu dài sẽ sinh ra chứng sợ ăn. Chính bản thân tôi cũng từng lâm vào tình trạng con không đói nhưng mẹ vẫn tỉ mẩn chế biến cho con ăn. Kết quả thì sao, con khóc không ăn, mẹ thì mất công chế biến. Sau một vài lần như vậy, tôi rút kinh nghiệm chỉ cho ăn lúc nào con đói, và đôi khi để trẻ đói một chút cũng không sao.
Cho con ăn chậm mà chắc
Tôi nhận thấy, nhiều mẹ hiện nay khi cho con tiếp xúc với một món ăn mới đều bỏ qua giai đoạn thử nghiệm mà nhanh chóng nhảy sang quá trình ăn uống “dồn dập”. Người lớn khi tiếp xúc với một điều mới mẻ cũng cần có thời gian để thích nghi huống chi là trẻ nhỏ. Không những vậy, một số mẹ còn mắc thói quen hay giục con ăn nhanh, con chưa kịp nhai hết cơn trong mồm đã vội vàng “nhồi” cho con thìa khác. Vậy thử hỏi làm sao mà trẻ không đùn không chớ ra được.
Cindy khi mới bước vào gia đoạn ăn dặm, tôi không dám cho con ăn nhiều một lúc, mới đầu chỉ cho con ăn từng thìa nhỏ, nhận thấy con có dấu hiệu không muốn ăn, tôi cũng không hề thúc ép, nhồi nhét. “Có công mài sắt có ngày nên kim”, nếu tôi kiên trì từng ít một mỗi ngày, con cũng nhanh chóng nắm bắt được mùi vị món ăn mới và dễ dàng tiếp nhận hơn.
Hãy nhớ tạo cho con một bữa ăn vui vẻ bên gia đình
Một phần tạo nên cuộc chiến ăn uống giữa mẹ và bé chính là không khí xung quanh bàn ăn của con. Có nhiều bé sợ ăn chỉ vì yếu tố tâm lý vì vậy khi cho bé ăn mẹ phải tạo không khí vui vẻ để giúp con có cảm giác ngon miệng hơn. Cách tốt nhất là các mẹ hãy tạo điều kiện cho bé ăn cùng gia đình, ngồi ăn cùng con sẽ giúp con có thêm hào hứng khi ăn và đó cũng là cách để con quan sát người lớn ăn, học cách ăn.
Một điểm nữa khi cho bé ăn cùng gia đình là nói không với phàn nàn và kêu ca, một khi đã ngồi vào bàn ăn bố mẹ nên tiết chế để tránh tạo ra không khí căng thẳng bởi ăn uống mà áp lực thì không ai ăn được. Nếu mẹ tạo ra một bầu không khí “u ám” sẽ khiến trẻ sợ hãi và lâu ngày hình thành thói quen sợ ăn.
Đối với tôi, bữa ăn là lúc cả gia đình được quây quần và vui vẻ bên nhau nên không tội gì tôi lại phá hỏng không khí đó. Nếu chắng may Cindy có lười ăn thì tôi cũng không nặng nhẹ với con, bởi tôi biết trẻ chỉ thực sự tự giác ăn khi thấy hứng thú.
(Theo chia sẻ của độc giả Minhtuyet...@... /Khám phá)