Hơn 3 tháng qua, Phan Thanh Huyền (28 tuổi, TP Thủ Đức) chỉ được gặp chú chó Samoyed của mình qua màn hình điện thoại.
Hồi tháng 7, khi TP.HCM siết chặt lệnh giãn cách xã hội, chị quyết định tạm gửi chó cưng tới một trung tâm chăm sóc vật nuôi ở nội quận.
Tới nay, dù chi phí chăm sóc đã lên đến hơn 63 triệu đồng, Thanh Huyền vẫn chưa có ý định đón chó về nhà vì muốn nó "có không gian vận động, được chăm sóc kỹ hơn".
Chị Thanh Huyền quyết định gửi chó tới một trung tâm chăm sóc trong thời gian giãn cách để thú cưng được vận động thường xuyên, thoải mái hơn. |
"Khi giãn cách xã hội, tôi không thể dẫn Wukong đi dạo như trước dịch. Nếu để một chú chó lớn như vậy ở yên trong căn hộ chung cư 24/7, nó có thể bị stress, bỏ ăn uống, nghịch ngợm gây ảnh hưởng tới người khác", chị giải thích.
Do chưa rõ lệnh giãn cách sẽ kéo dài tới khi nào và chú chó bị u lưỡi, chưa thể mổ ngay vì dịch, Thanh Huyền phải tìm trung tâm có không gian rộng, dịch vụ tốt, nhận giữ chó, mèo qua dịch.
"Cuối cùng, tôi gửi nó đến một trung tâm ở gần nhà. Tôi từng gửi Wukong khoảng một tháng khi đi công tác, song chưa bao giờ phải xa nó lâu như lần này", Thanh Huyền kể.
Ban đầu, chị khá lo chú chó sẽ thiếu năng lượng khi ở chỗ lạ. Nhưng thấy Wukong ăn uống tốt, chơi vui cùng các bạn chó khác, chị càng thêm an tâm.
Mỗi ngày, nhân viên từ trung tâm sẽ nhắn tin, gửi video cập nhật tình trạng chó cho chủ nuôi. Họ cũng theo dõi tình trạng của Wukong, cho uống thuốc và giúp Thanh Huyền đặt lịch mổ sớm nhất có thể.
Vài tháng qua, chị chỉ tranh thủ ghé qua 2 lần khi đi tiêm vaccine vì thực hiện yêu cầu phòng, chống dịch.
"Wukong ở đó vui vẻ tới mức không nhớ chủ nữa cơ. Chỉ duy nhất một hôm tôi ghé qua, nó cứ đứng ở cửa chờ trời tối hẳn mới vào nhà vì nhớ. Nhưng đa số thời gian thì nó vui vẻ lắm, tôi cũng mừng", chị cười, nói.
Anh Mai Đức Sang cho biết nhiều chủ nuôi có nhu cầu gửi thú cưng trong mùa dịch để chúng được vận động, chăm sóc tốt hơn. |
Sau 3 tháng gửi chó ở trung tâm, chi phí dịch vụ mà chị phải chi trả đã lên đến hơn 63 triệu đồng, bao gồm tiền chăm sóc, chỗ ở, thức ăn và thuốc điều trị.
"Dù khá ngại người khác đánh giá mình hoang phí, tôi cảm thấy mình có khả năng chi trả và dịch vụ xứng đáng với số tiền mình bỏ ra. Tôi chỉ quan tâm rằng chó của mình có được chăm sóc tốt hay không", chị kể.
Anh Mai Đức Sang, chủ trung tâm, cho biết khá nhiều khách hàng quan tâm đến dịch vụ gửi chó, mèo trong mùa dịch. Phần lớn đều sống ở chung cư, nhà riêng có diện tích nhỏ nên lo thú cưng, đặc biệt là những giống chó lớn, thiếu không gian vận động.
"Ngoài chú chó nhà chị Thanh Huyền, chúng tôi cũng nhận chăm thêm 3 bạn cún khác. Do dịch bệnh, trung tâm chỉ nhận số lượng ít để đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch. Tùy theo nhu cầu của chủ nuôi mà chúng tôi sẽ lựa chọn thức ăn, các dịch vụ khác nhau cho từng con", anh nói.
Khi TP.HCM nới lỏng giãn cách, việc đầu tiên Thanh Huyền làm là tới thăm và đặt lịch mổ cho chú chó. Hiện tại, Wukong đã được chữa trị, song chị chưa có ý định đón nó về nhà ngay.
"Tôi muốn để nó ở trung tâm thêm vài hôm để hồi phục sau mổ, chờ đường sá thông thoáng mới đưa về nhà. Tôi vốn ở một mình, lại nuôi Wukong từ khi nó còn nhỏ nên rất thương nó, đầu tư cho nó cũng đáng thôi", chị kể.
(Theo Zing)
Chỉ 8 triệu đồng, 2 năm làm chơi ăn thật chàng sinh viên mua nhà Hà Nội
Đi làm thêm chăm chỉ trong 4 tháng, Trung có đủ số tiền mua chú chó cưng yêu thích của mình. Đặc biệt hơn, cũng từ chú chó cảnh này mà Trung đã nảy ra ý tưởng kinh doanh riêng cho bản thân.