- Chị Nguyệt tố cáo sai phạm ở BV Hoài Đức không phải vì tiền thưởng eo hẹp 320 nghìn đồng của Sở Y tế, mà vì niềm tin... Bộ Y tế, UBND TP Hà Nội, Ban chỉ đạo chống tham nhũng các cấp nên xem xét khen thưởng.

Đại biểu QH Hà Nội Trần Thị Quốc Khánh cho hay bà rất xúc động về câu chuyện của chị Nguyệt - người dám đứng lên tố cáo vụ việc gây chấn động trong dư luận - "'nhân bản" xét nghiệm ở BV Hoài Đức. 

Xem lại cơ chế bệnh viện thu tiền

Việc ở bệnh viện Hoài Đức xảy ra từ tháng 7/2012 và bị chị Nguyệt phát hiện ngay từ những ngày đầu. Nhưng ngay khi được phát hiện sự việc đã không bị ngăn chặn. Sự việc âm ỉ trong thời gian dài như vậy nhưng không được nói ra, phải chăng do chính sách pháp luật bảo vệ người tố cáo chưa đủ mạnh, thưa bà?

Tôi đồng ý do quy định của pháp luật bảo vệ người tố cáo hiện còn bất cập nên nhiều người không dám nói lên sự thật và bảo vệ lẽ phải. Đây là điều rất đáng suy nghĩ đối với các nhà lập pháp, các cơ quan quản lý nhà nước và các cơ quan tư pháp. Đ ã có rất nhiều người, kể cả đại biểu QH lên tiếng trong nhiều kỳ họp, nhưng kết quả giờ vẫn vậy.

{keywords}
ĐBQH Hà Nội Trần Thị Quốc Khánh: Khi bệnh viện là nơi chủ yếu để thu tiền bệnh nhân thì xã hội sẽ đi về đâu? Ảnh: Lê Anh Dũng

Tuy nhiên, tôi nghĩ trong sự việc này, yếu tố pháp lý bất cập trên không phải là lý do chính mà chính là việc thực hiện pháp luật về cán bộ công chức, viên chức, quy chế dân chủ trong cơ quan, pháp luật về khiếu nại, tố cáo, thanh tra, phòng chống tham nhũng… đã không được tôn trọng ở BV này. Cứ cho rằng ông Giám đốc với vai trò người đứng đầu thì như vậy, nhưng các nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước đã quy định rõ vai trò, trách nhiệm, quyền hạn của cấp ủy Đảng, tập thể Ban Giám đốc, Công đoàn, vậy những chủ thể này đã thực hiện như thế nào mà để sai phạm kéo dài đến cả năm trời?

Sự việc ở BV Hoài Đức chưa từng xảy ra. Xét về góc độ chống tiêu cực, tham nhũng, nó cho thấy vấn nạn tham nhũng, tiêu cực không chỉ đáng lo với khu vực của những quan chức cấp cao, ở những vị trí quan trọng, nhạy cảm, mà đã lan ra cả những lĩnh vực thiết thân đến những người dân bình thường.

Đúng là tham nhũng vẫn là vấn nạn, bức xúc trong xã hội ta hiện nay, tràn lan, phổ biến đến cả những nơi đầy tình thương như ở bệnh viện. Khi đau về thể xác, người dân biết đi đâu nếu không phải là đến bệnh viện? Thế mà Hoài Đức lại chỉ coi trọng việc thu lời từ xã hội hóa mà không đoái hoài đến bệnh nhân. Khi bệnh viện không còn khám chữa bệnh mà là nơi chủ yếu để thu tiền của bệnh nhân thì xã hội sẽ đi về đâu?

Thực tiễn cơ chế quản lý y tế ở nhiều nước phát triển đã làm cho các bệnh viện chỉ làm một việc là khám chữa bệnh, còn ở Việt Nam, các bệnh viện vừa phải khám chữa bệnh, vừa phải lo thu tiền của bệnh nhân. Tôi nghĩ cần xem lại cơ chế này.

Sở Y tế Hà Nội cần rút kinh nghiệm

Khi tố cáo, bản thân chị Nguyệt không nghĩ đến chuyện được khen, được thưởng hay kiếm được tiền từ chuyện này. Tuy nhiên, mức thưởng 320.000 đồng của Sở Y tế Hà Nội, theo bà, có đủ sức tạo ra sự khích lệ được không?

Theo quy định hiện hành, tiền thưởng cho cá nhân được tính trên cơ sở mức lương tối thiểu chung do Chính phủ quy định. Sở Y tế Hà Nội quyết định trao giấy khen kèm tiền thưởng cho chị Nguyệt là khá kịp thời, đúng thẩm quyền. So với thời giá thì mức khen 320.000 đồng cho một hành động dũng cảm quả thật quá bất cập, nhưng nó là quy định chung của Nhà nước hiện nay.

Tôi nghĩ chị Nguyệt và những người dám đứng lên tố cáo sai phạm chắc chắn không phải vì mức tiền thưởng eo hẹp này mà vì niềm tin vào Đảng, Nhà nước và để bảo vệ lẽ phải, bảo vệ cái đúng. Vì vậy, tôi nghĩ các cơ quan khác như Bộ Y tế, UBND TP Hà Nội, Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng các cấp… có thể xem xét khen thưởng cho xứng đáng vì việc làm  của chị Nguyệt và các cộng sự rất cần được khen thưởng và nhân rộng trong tình hình hiện nay.

Ngoài chuyện tiền thưởng 320.000 đồng, tại buổi lễ tuyên dương của Sở Y tế, những người được khen thưởng không được tặng hoa, chụp ảnh lưu niệm và không được mời lên phát biểu. Buổi lễ chỉ diễn ra vỏn vẹn trong vòng 30 phút và thiếu sự trang trọng tối thiểu. Bà đánh giá thế nào về cái cách mà Sở Y tế tổ chức khen thưởng cho cán bộ đứng lên tố cáo tiêu cực trong ngành?

Tôi nghĩ việc nhà báo nêu trên nếu đúng thì lãnh đạo Sở cũng cần xem xét rút kinh nghiệm. Việc khen thưởng người có thành tích dũng cảm trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực là việc làm mới theo luật Tố cáo, mới có hiệu lực hơn một năm nay, nên có thể cũng còn lúng túng, bất cập. Nhân việc này, tôi nghĩ các cấp ủy Đảng, chính quyền, công đoàn cũng cần quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sao cho việc tổ chức khen thưởng những người dũng cảm đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực đảm bảo sự đồng bộ, có sức lan tỏa rộng hơn.

Cẩm Quyên - Linh Thư