(VEF.VN) - Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 đã giảm tốc, còn 0,82% và là mức thấp nhất trong vòng 13 tháng qua.
Theo công bố của Tổng cục Thống kê hôm 24/9, hầu hết các nhóm hàng hóa và dịch vụ đều giảm tốc.
|
Do tác động của việc giá xăng giảm 500 đồng/lít và dầu diesel giảm 300 đồng/lít kể từ 21h 26/8, nhóm giao thông đã có mức tăng trưởng “âm” về giá. So với tháng 8, chỉ số giá của nhóm này đã giảm tới 0,24%, là mức thấp nhất trong 11 nhóm hàng hóa dịch vụ được thống kê.
Kế đến, mức tăng khiêm tốn đáng ghi nhận là của nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống, chỉ tăng 0,28% được cho là yếu tố quan trọng làm giảm tốc chỉ số giá nói chung. Với quyền số chiếm tới 49% trong “rổ” hàng hóa tính giá tiêu dùng thì sự giảm tốc của nhóm nay có tác động mang tính quyết định tới xu hướng tốc độ chỉ số giá tổng thể.
Còn lại, nhóm vật liệu xây dựng, đồ uống, thuốc lá, giày dép mũ nón… đều tăng khoảng khoảng từ 0,37% đến 0,9%.
Tuy nhiên, một yếu tố lội ngược dòng mang tính đột biến trong tháng 9 là nhóm giáo dục, tăng mạnh tới 8,62%. Tháng 9 là mùa nhập học nên nhu cầu mua sắm đồ dùng học tập, đóng góp các khoản phí gia tăng và tập trung cao nhất trong năm. Nếu không có mức tăng kỷ lục có nhóm này thì có thể, chỉ số giá tiêu dùng tháng 9 đã thấp hơn nhiều so với con số 0,82%.
Nhìn lại diễn biến từ đầu năm đến nay, lạm phát đang có xu hướng tích cực. Tháng 9 là tháng thứ hai liên tiếp có mức tăng giá cả dưới 1%, trước đó, tháng 8 là 0,93%. Ghi nhận trong 9 tháng qua, tăng cao nhất là tháng 4 với mức tăng 3,32%. Các tháng 2, 3, 5 có mức tăng giá trên 2%. Các tháng 1, 6, 7 có mức tăng trên 1%.
So với tháng 12/2010, chỉ số giá tiêu dùng đến nay đã tăng 16,63%. Trung bình 9 tháng đầu năm so với cùng kỳ 2011, chỉ số giá tiêu dùng tăng 18,16%. Ba tháng cuối năm là thời điểm tăng cao về nhu cầu tiêu dùng nên đến nay, vẫn khó để khẳng định khả năng lạm phát năm nay sẽ chỉ ở mức 18% như mục tiêu Chính phủ đề ra.
Tổng cục Thống kê cho hay, chỉ số giá vàng tháng 9 đã tăng tới 13,14% và chỉ số giá đô-la Mỹ tăng 0,8% so với tháng 8.
Phạm Huyền