- Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý ngán ngẩm khi miêu tả thực tế: khám bệnh, không chìa thẻ bảo hiểm thì thôi, chìa ra còn bị tiêm đau hơn.

Phiên họp sáng 11/9 của UBTVQH bàn về báo cáo "Kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế giai đoạn 2009-2012", trong đó trọng tâm là luật Bảo hiểm y tế (BHYT). Nhiều thành công, kết quả và cả nguyên nhân, hạn chế của những bất cập về triển khai BHYT được phân tích, mổ xẻ dựa trên kết quả giám sát do UB Các vấn đề xã hội QH thực hiện.

Trên hết, mọi ý kiến đều tựu chung một quan điểm: BHYT chưa được phát huy hết giá trị ưu việt. Điều đáng buồn là người dân nhìn BHYT rất có vấn đề, chỉ người ốm bệnh nặng mới mua, ốm nhẹ, không ốm thì không mua.

{keywords}
Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý: Thà không đưa thẻ bảo hiểm ra còn hơn. Ảnh: Minh Thăng

Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý ngán ngẩm khi miêu tả thực tế: khám bệnh, không chìa thẻ bảo hiểm thì thôi, chìa ra còn bị tiêm đau hơn. "Thà không đưa thẻ ra còn hơn" - ông phát biểu. Trong khi đó, có thực trạng nguy hiểm mà ông Lý cho hay, đó là địa phương giữ người bệnh vì BHYT. Lẽ ra khi bệnh nhân điều trị tuyến dưới nặng buộc phải chuyển lên tuyến trên thì tuyến dưới cố giữ người bệnh để không phải tách BHYT đi theo lên trên, mất chỉ tiêu khám BHYT.

Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu chỉ ra thực trạng "có nơi phát triển kinh tế nhưng không tham gia BHYT" vì họ có tiền, sẵn sàng vào nơi khám dịch vụ theo yêu cầu, thay vì nương vào cơ chế khám chữa bệnh bảo hiểm mất thời gian, thủ tục giấy tờ rườm rà, bị gây khó dễ, y đức kém của y bác sĩ... Khám BHYT còn bị kê thuốc loại giá đắt, làm các xét nghiệm đặc trị tốn kém không cần thiết... khiến giá BHYT đội lên. "Vậy giám định bảo hiểm y tế, tổ chức nào, ai chịu trách nhiệm?" - ông đặt câu hỏi.

Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Hạnh Phúc cũng cho rằng, có tâm lý đi khám bệnh, nếu câu đầu tiên bác sỹ hỏi có BHYT hay không, sinh ra tâm lý khác hẳn vì sợ bị phân biệt đối xử.

Quỹ BHYT nơi thừa, nơi thiếu

Theo báo cáo giám sát, đến cuối năm 2012, gần 70% dân số cả nước đã tham gia BHYT, trong đó còn 18 tỉnh có tỷ lệ tham gia BHYT dưới 60%. Nhiều tỉnh có quỹ BHYT kết dư hàng trăm tỷ đồng chưa được phân bổ lại để sử dụng số kết dư, nhưng một số địa phương lại liên tục bội chi quỹ BHYT và nhận hỗ trợ của quỹ trung ương nhiều năm.

{keywords}
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến: Cắt amidan giá dịch vụ hơn 300 nghìn đồng nhưng bảo hiểm chỉ trả được 40 nghìn. Ảnh: Lê Anh Dũng

Có những chi trả lung tung như luật BHYT quy định quỹ chỉ thanh toán cho người bị tai nạn giao thông khi không vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, năm ngoái, tất cả các trường hợp tai nạn giao thông, cả vi phạm pháp luật lẫn không vi phạm, đều được BHYT thanh toán với tổng chi phí khoảng 200 tỷ đồng.

Báo cáo còn nhận định, một số nhóm đối tượng chỉ tham gia BHYT khoảng 20-30%, chủ yếu người ốm mới tham gia BHYT; chất lượng khám chữa bệnh BHYT ở tuyến dưới chưa đáp ứng yêu cầu do hạn chế về nhân lực chuyên môn và kỹ thuật y tế, qua đó gây quá tải ở các bệnh viện tuyến trên...

Trong khi đó, các hình thức lạm dụng quỹ BHYT, nhất là ở các bệnh viện ngày càng tinh vi, chưa có công cụ và biện pháp hiệu quả kiểm soát vấn đề này; vẫn còn chênh lệch giá thuốc giữa các bệnh viện trong tỉnh, giữa các tỉnh, giữa bệnh viện với thị trường...

Cùng với luật BHYT, năm 2012, Thủ tướng đã ban hành đề án “Thực hiện lộ trình tiến tới BHYT toàn dân giai đoạn 2012-2015 và 2020”, theo đó, năm 2015 dự kiến sẽ có 70% và đến năm 2020 có 80% dân số tham gia BHYT.

Giải trình trước UBTVQH về những bất cập, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chia sẻ tâm lý của xã hội về BHYT. Bà làm phép so sánh cắt amidan giá dịch vụ hơn 300 nghìn đồng nhưng bảo hiểm chỉ trả được 40 nghìn. Sự chênh lệch giữa khả năng chi trả của BHYT với nhu cầu thực khám chữa bệnh chung khiến dân trở nên thờ ơ với BHYT.

Khám chữa bệnh bằng bảo hiểm bị "phân biệt đối xử", ý nghĩa ưu việt mờ nhạt, khi cơ chế quản lý ràng buộc bộc lộ những bất cập. Bà Tiến cho rằng bảo hiểm chỉ người ốm bệnh mới mua, người khỏe không mua do công tác tuyên truyền về ưu việt của BHYT chưa tốt, thụ động... Hay như đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin để kiểm soát 100% hồ sơ khám chữa bệnh BHYT cũng chưa có khiến việc giám sát hồ sơ thủ công, bất cập, dẫn đến thực trạng lạm dụng quỹ BHYT...

Tuy nhiên, Bộ trưởng khẳng định nhiều bất cập đang được khắc phục như thủ tục hành chính khám chữa bệnh BHYT, xây dựng các bệnh viện vệ tinh giảm quá tải, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, cải thiện lương cho ngành y... UB Các vấn đề xã hội cũng kiến nghị hàng loạt những vấn đề liên ngành, cơ quan, tổ chức cùng phối hợp thực hiện để BHYT được phổ cập toàn dân như mục tiêu.

Linh Thư