Gia Lai có 44 dân tộc anh em cùng sinh sống, đồng bào DTTS chiếm 46,26% (trong đó, dân tộc Jrai chiếm 30,37%, dân tộc Bahnar chiếm 12,51%, các dân tộc khác chiếm 3,38%).
Thời gian qua, các cấp ủy, chính quyền tỉnh Gia Lai luôn nỗ lực thực hiện đồng bộ các giải pháp giảm nghèo thông tin nhằm thúc đẩy khu vực đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên phát triển kinh tế, hướng tới thoát nghèo. Việc tuyên truyền, giới thiệu các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi thông qua nhiều hình thức, từ trực tiếp tới qua loa phát thanh, kênh truyền hình địa phương… được xem là một trong những giải pháp hiệu quả để thúc đẩy người dân phát triển kinh tế.
Gia đình, anh Siu Pớp, xã Ia Ly, huyện Chư Păh là một trong những hộ kinh doanh cá thể tiêu biểu trong vùng nhờ việc ứng dụng những khoa học kỹ thuật vào trong trồng trọt chăn nuôi. Với thế mạnh từ sự màu mỡ của vùng đất đỏ cao nguyên, phù hợp để phát triển cây cà phê, gia đình anh mạnh dạn đầu tư 4ha ca phê. Hàng năm, với sự hỗ trợ từ phòng nông nghiệp thị trấn, các đợt tập huấn từ Sở Nông nghiệp – Phát triển nông thôn tỉnh, mô hình trồng và kinh doanh cà phê của anh mỗi năm cho sản lượng 14 tấn ca phê tươi. Doanh thu từ bán cà phê đem lại khoảng 900 triệu. Trừ chi phí nhân công, và phân bón mỗi năm gia đình anh thu nhập khoảng 600 triệu đồng.
“Lúc đầu khi khởi nghiệp, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn về tiền bạc, mình không có vốn, mình cầm bìa đỏ tới ngân hàng Agribank. Mình lên đó mình trình bày, vay ít vốn để đầu tư cây cà phê và được góp vốn đề đầu tư cho gia đình. Phòng Nông nghiệp của huyện cũng hướng dẫn, chuyển giao các kỹ thuật cắt tỉa, bón phần, phòng trừ sâu bệnh, giúp cây cà phê mang lại năng suất cao hơn, chất lượng tốt hơn”, anh Siu Pớp chia sẻ.
Nhận thấy hiệu quả từ mô hình, anh Siu Pớp cùng với chính quyền địa phương đã chia sẻ thông tin, kêu gọi nhiều người dân là đồng bào dân tộc thiểu số sống trong vùng tới học tập, tạo công ăn việc làm và hướng dẫn bà con xây dựng các mô hình sản xuất cá thể tương tự. Từ cách làm đó, bà con trong vùng được khuyến khích làm theo. Theo tìm hiểu, mô hình của anh Siu Pớp đã được nhân rộng, góp phần ổn định sinh kế và tạo thu nhập ổn định cho nhiều gia đình là đồng bào dân tộc thiểu số trong vùng.
“Hiện giờ gia đình đang làm kinh tế rất là ổn. Bởi tôi làm cây cà phê này tới nay đã hơn 20 năm. Từ khi tôi làm được vườn của nhà tôi, mỗi khi gặp mấy anh em trong làng xóm, mình chia sẻ cách làm hay, các kinh nghiệm học được từ Phòng nông nghiệp cho các anh em trong làng để tiếp cận cách làm cà phê tốt nhất và hiệu quả nhât. Hiện tại, khi vào mùa thu hoạch như thế này tôi thường thuê khoảng 6 nhân công, 4 nhân công thì phơi cà phê ở nhà còn một đội thì đi hái. Bây giờ thì đang thuê khoảng 16 người, tiền lương thì hái theo sản phẩm, nếu họ hái tốt, 1 ngày 1 cặp có thể hái 1 tấn, tầm 600 người/ngày”, anh Pớp cho hay.
Ông Nguyễn Hữu Nguyên, Chủ tịch UBND huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai thông tin: “Hiện nay, Đảng và Nhà nước rất quan tâm tới các khu vực nông thôn, nhât là thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia, hiệu quả rất tốt. Trên địa bàn huyện Chư Pắc, nhà nước đang tập trung cho 341 tỷ để thực hiện 3 chương trình này. Đường làng, ngõ xóm, đang được đầu tư khá tốt. Chúng tôi cố gắng thực hiện chỉ thị 05 xóa nhà tạm, nhà dột nát. Các chính sách của Đảng, nhà nước rất hữu hiệu, để giúp cho bà con có cuộc sống, làm ăn ấm no. Tỷ lệ hộ nghèo giảm khoảng 2%, trong thời gian tới chúng tôi tiếp tục cố gắng để thực hiện tốt chương trình này, đặc biệt là các chương trình dân tộc và miền núi”.