Dân buôn hàng thùng, hàng second-hand vẫn thường rỉ tai nhau về những món đồ xa xỉ, có giá hàng chục triệu như: nhẫn kim cương, dây chuyền vàng, đồng hồ hàng hiệu… thỉnh thoảng bị bỏ quên trong những kiện hàng bình dân, trở thành “món hời” ngàn đô cho chủ hàng.
Những đồng ngoại tệ bỏ quên
Trước kia, nhắc đến hàng sida/hàng thùng, nhiều người vẫn nghĩ chỉ dân nghèo, thu nhập thấp mới mua. Buôn bán, kinh doanh mặt hàng này lời lãi cũng chẳng bao nhiêu, bởi mỗi món đồ bán ra giá chỉ vài chục đến vài trăm ngàn đồng.
Song, ít ai biết rằng, đối với giới buôn hàng thùng, mặt hàng này đem lại cho họ nguồn lợi nhuận khổng lồ, “một vốn bốn lời” khi giá bán có thể cao gấp 3, gấp 5 lần. Thậm chí, trong những kiện hàng thùng cũ kỹ bốc mùi hôi hám, nếu may mắn, chủ hàng còn nhặt được những thứ đồ có giá trị như: ngoại tệ, dây chuyền vàng, nhẫn kim cương,... giá từ vài triệu cho đến hàng chục triệu đồng.
Nhiều chủ hàng hàng thùng còn tìm thấy các món hời để quên trong những món đồ second-hand thế này |
Anh Nguyễn Viết Trung, chủ một shop hàng thùng nằm trên đường Láng (Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ, chưa bán một món đồ nào, lần đầu tiên khui kiện hàng thùng anh đã đút túi 20 triệu đồng.
Đó là ngày đầu anh Trung chập chững vào nghề, anh nhập 3 kiện áo gồm áo phao, áo khoác gió và áo vest. Sau một hồi vật lộn, anh mới cắt xong đống dây thép chằng chịt quấn quanh, vất vả lôi từng chiếc áo ra kiểm tra độ mới trước khi chuyển hàng cho xưởng giặt là.
Đứng trên ghế giũ một chiếc áo phao thật mạnh cho phẳng, anh giật mình khi nghe thấy tiếng kim loại rơi loảng xoảng khắp nhà, nhìn xuống đất anh thấy hơn chục đồng xu văng tứ tung khắp phòng.
“Thấy lạ, tôi cúi xuống nhặt lên xem thử thì phát hiện đây là tiền xu Hàn Quốc”, anh Trung nói. Ngay sau đó, anh lục kỹ túi của toàn bộ số áo trong 3 kiện hàng.
Sau khi cẩn thận kiểm tra hết túi trong túi ngoài, thậm chí cả những túi giấu kín đáo được may liền với lớp lót trong, kết quả, anh Trung tìm thấy hơn 700.000 won tiền giấy cùng một vốc tiền xu đầy hai tay, tương đương gần 17 triệu đồng tiền Việt.
“Tính ra chuyến đó, ngoài tiền lãi bán hàng, tôi còn hời thêm 17 triệu. Đem chuyện kể lại với ‘đồng nghiệp’ cũng là dân buôn hàng thùng lâu năm, tôi mới biết những món hời này thỉnh thoảng vẫn 'rơi từ trên trời xuống', nhưng phải may mắn lắm mới gặp”, anh kể.
Theo anh Trung, ngoại tệ thường là thứ được bỏ quên nhiều nhất trong những chiếc áo khoác cũ. Bởi, trong những chuyến hàng sau này, hầu như lần nào anh cũng nhặt được ngoại tệ, khi thì đồng won của Hàn Quốc, lúc lại tiền yên của Nhật. Mỗi lần nhặt được một ít, anh tích lại rồi lâu lâu đem đổi một thể cũng được 10-20 triệu đồng.
Những tờ tiền nước ngoài cũ kỹ nhặt được trong chiếc áo có thể đổi sang tiền Việt với con số khủng |
Vớ bở món hời ngàn đô
Thế nhưng, tiền chưa phải là tất cả. Bên cạnh ngoại tệ, nhiều dân buôn hàng thùng còn tìm thấy những món đồ quý giá, có giá trị lớn. Anh Trung cho hay, cách đây khoảng 3 tháng, một chủ hàng cùng hội với anh khi nhập một kiện áo phao nam “nước một” (hàng thuộc dạng đẹp nhất) đã phát hiện ra trong túi chiếc áo phao cổ lông rất đẹp có một chiếc hộp hình trái tim.
Mở chiếc hộp ra, chủ hàng đó vô cùng bất ngờ khi thấy một chiếc nhẫn màu trắng trông như nhẫn cưới, đính một viên đá lấp lánh sang trọng. Đem ra tiệm vàng thẩm định thì đó là một chiếc nhẫn bằng vàng trắng 14k, đá đính trên nhẫn là viên kim cương 4 ly, bán rẻ cũng được 10 triệu đồng.
“Có thể đây là một chiếc nhẫn đính hôn mà người chủ cũ của chiếc áo đã bỏ quên trong túi”, anh Trung đoán. Sau lần ấy, bạn anh còn nhặt được vài sợi dây chuyên vàng cũng đáng giá không kém.
Cũng là dân buôn hàng thùng nhiều năm, chị Lê Phương Trang, chủ một kios hàng thùng trên chợ Hàng Da (Hoàn Kiếm, Hà Nội) kể rằng, do ít khi kiểm tra kỹ túi áo, nên cùng lắm chị chỉ thấy một vài chiếc đồng hồ cũ vẫn còn chạy tốt hoặc ít tiền xu nước ngoài không mấy đáng giá bị bỏ quên. Song, chị Trang vẫn vớ được những món hời giá trị không kém.
Lần ấy vào dịp cuối năm 2013, vì nguồn hàng cận Tết khan hiếm mà nhu cầu mua sắm tăng cao nên cả chợ Hàng Da thiếu hàng bán Tết trầm trọng. Vì thế, khi một đầu mối quen tại chợ Châu Long (Châu Đốc, An Giang) chuyển ra một kiện áo khoác dạ loại 2 (hàng tầm trung, không phải loại đẹp), chị phải tranh giành mới nhập được.
Thế nhưng, khi mở tung kiện, chọn ra những chiếc áo khá khẩm để làm giá, chị Trang phát hiện ra một chiếc áo dạ đẹp hơn cả, cổ và tay đều đính viền lông thú thật vô cùng sang chảnh.
Lần vào lớp lót, chị sửng sốt khi thấy mác áo thêu tinh tế chữ Chanel, lớp lót cũng thêu chìm họa tiết của thương hiệu này. Nếu mua mới, chiếc áo cũng có giá cả ngàn USD.
“Tôi quyết định dừng làm giá, gọi điện ngay cho một vị khách quen vốn cực chuộng hàng hiệu. Không ngờ sau khi xem xét kỹ càng rồi mặc thử lên người, vị khách đã đòi đặt cọc trước 3 triệu để lấy chiếc áo. Đúng 30 phút sau, chị đó quay lại chồng thêm 12 triệu đồng tiền mặt nữa để mang áo về”, chị khoe.
Tết năm đó, chị Trang không cần vất vả chạy vạy để bán nốt chỗ đồ cũ vì đã có món hời Chanel vớ được trong kiện hàng thùng giá bèo.
“Mặc dù buôn bán thì lãi lời mới là nguồn thu chính, nhưng thỉnh thoảng, vớ được những món đồ thế này tôi thấy sướng lắm, bởi chúng đáng giá bằng cả một tháng lợi nhuận”, chị Trang cho hay.
Hải Dương