Loại ngói rồng men vàng là loại ngói cao cấp nhất, nó được sử dụng để lợp trên mái tòa chính điện trong Cấm thành, tức điện Kính Thiên - Hoàng Thành Thăng Long.
Trong văn hoá người Việt Nam, hình ảnh của rồng có ý nghĩa sâu sắc và quan trọng. Rồng được coi là một biểu tượng linh thiêng, đại diện cho sức mạnh, quyền lực, may mắn và bảo hộ. Con rồng thường xuất hiện trong văn hoá truyền thống và mỹ thuật Việt Nam.
Đó chính là nguồn cảm hứng để nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát sáng tác ra bộ sưu tập Con Rồng cháu tiên. Bộ sưu tập gồm 1.000 tác phẩm độc bản, thể hiện đất nước ngàn năm văn hiến. Nghệ nhân sử dụng nhiều chất liệu trong như gỗ, sơn mài, gốm, kim loại.
Bộ sưu tập có nhiều tác phẩm, bố cục sắp đặt thể hiện câu chuyện từ truyền thuyết Con rồng cháu tiên - nói về xuất thân của người Việt.
Chia sẻ với phóng viên VietNamNet, nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát cho biết: "Những giá trị riêng biệt hình ảnh của rồng thời Lý được tôi sử dụng nhiều trong bộ sưu tập. Tôi chọn cách tạo hình dân gian trong điêu khắc đình làng với mong muốn thể hiện nhiều ước vọng, ý tứ của người xưa".
Điểm nhấn trong bộ sưu tập là chiếc ghế rồng được dát 2.500 lá vàng. Ghế có hình con rồng với 5 móng vững chãi và mạnh mẽ, đuôi rồng như lá bồ đề, tư thế uốn lượn mang đậm ý nghĩa về văn hóa cội nguồn của người Việt Nam.
Nghệ nhân cho biết, bức phù điêu Lão long huấn tử là ý tưởng để anh làm nên tác phẩm ghế rồng. Tại đình Mông Phụ (Làng cổ Đường Lâm) có nhiều bức phù điêu thể hiện ý niệm này - hình tượng rồng cha cầm bút dạy rồng con tay cầm quả tú cầu... mang tính giáo dục, tình cảm gia đình đặc trưng cho mảnh đất Đường Lâm hiếu học bao đời với rất nhiều văn sĩ. Hiện nay, những bức phù điêu vẫn còn hiện hữu trong đình.
"Rồng vốn dĩ là con vật không có thật, hình tượng rồng được sinh ra thể hiện ước vọng của con người về một sự toàn mỹ. Hình tượng rồng này tôi thể hiện với sự kính trọng của rồng thời Lý, có nhấn thêm các chi tiết đuôi lá đề hình tượng của Phật giáo, móng rồng vững chãi và mạnh mẽ tối thượng hơn với 5 móng. Rồng tông màu vàng được thể thiện bằng chất liệu sơn mài trên gỗ lũa.
Hình ảnh tiên được tôi sắp đặt rất nhiều trên khoảng không phía trên rồng thể hiện sự hoà hợp giữa rồng và tiên. Ý niệm đó giúp tôi hoàn thiện tác phẩm chiếc ghế rồng với tư thế vươn đầu chuẩn bị bay lên", nghệ nhân chia sẻ.
Một số tác phẩm độc bản khác của nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát: