Chính sách, chiến lược của một số cường quốc tác động sâu sắc đến quốc phòng, an ninh khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Vì vậy, nghiên cứu, nắm chắc các nội dung này là cơ sở quan trọng để Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng tham mưu với Đảng, Nhà nước hoạch định đường lối, chính sách quốc phòng, an ninh bảo vệ vững chắc Tổ quốc.

Chiến lược của một số cường quốc

Trung Quốc là quốc gia có lợi ích gắn liền với lợi ích của châu Á - Thái Bình Dương - khu vực có tầm quan trọng lớn nhất thế giới về kinh tế, an ninh và chính trị. Vì vậy, nước này luôn xác định và theo đuổi mục tiêu nâng cao vai trò, vị thế, gia tăng sự ảnh hưởng đối với khu vực. Những năm gần đây, nhờ cải cách đất nước thành công, Trung Quốc trở thành quốc gia có nền kinh tế đứng thứ hai thế giới, sau Mỹ. Không dừng ở đó, họ liên tục đưa ra các chính sách, chiến lược, nhằm phát triển đất nước trở thành cường quốc số 1 thế giới. Thực hiện sáng kiến “Vành đai và con đường”, Trung Quốc đầu tư hàng nghìn tỉ USD vào nhiều nước, trong đó có các nước Đông Nam Á (ASEAN) để hợp tác, giúp các nước này phát triển kinh tế; đồng thời, tăng cường sự ảnh hưởng, chi phối an ninh, chính trị và nhiều mục tiêu chiến lược khác. Với lợi thế sức mạnh kinh tế, Trung Quốc triệt để lợi dụng vấn đề này chi phối hoạt động sản xuất, cung ứng toàn cầu và quan hệ quốc tế của các nước. Tuy nhiên, họ cũng chịu tác động không nhỏ từ môi trường quốc tế và khu vực, nên phải điều chỉnh các chính sách, đưa ra chiến lược “tuần hoàn kép” để nỗ lực thúc đẩy kinh tế tiêu dùng trong nước, tự chủ về công nghệ và tăng cường quan hệ quốc tế. Cùng với đó, Trung Quốc chú trọng củng cố sức mạnh quân sự, hiện đại hóa quân đội, gia tăng hoạt động quân sự ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Biển Đông, như: diễn tập phô trương sức mạnh vũ khí, phương tiện quân sự; đưa ra bộ luật Hải cảnh, v.v. Những hành động đó đã và đang làm cho tình hình an ninh khu vực, nhất là trên Biển Đông trở nên phức tạp hơn, ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường hòa bình, ổn định và sự phát triển của khu vực.

Nga có chiến lược khá phù hợp ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Trong Chiến lược an ninh quốc gia, Nga xác định: Mỹ và NATO là đối thủ đe dọa an ninh hàng đầu. Theo đó, Nga thực hiện chính sách kiềm chế Mỹ, cân bằng với Trung Quốc, xử lý ổn thỏa quan hệ với Nhật Bản, các nước ASEAN và tăng cường can dự, nâng cao vai trò ở châu Á - Thái Bình Dương. Đồng thời, tăng cường sức mạnh quân sự với việc hiện đại hóa quân đội, thành lập các đơn vị chiến lược mới, phát triển vũ khí chiến lược, vũ khí ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI),… theo đuổi ý tưởng thành lập Liên minh kinh tế Á - Âu, thực hiện mục tiêu chiến lược trở thành siêu cường, cạnh tranh với Mỹ trên phạm vi toàn cầu, trước mắt ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Nga một mặt đẩy mạnh hợp tác kinh tế, thu hút đầu tư, công nghệ và thương mại với Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc; mặt khác, chú trọng quan hệ, hợp tác với Trung Quốc trên nhiều lĩnh vực: kinh tế, quốc phòng, an ninh,… nhằm làm suy giảm vị thế chiến lược của Mỹ và kết nối với các nền kinh tế mới nổi trong nhóm BRICS làm đối trọng với nhóm các nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới (G-7) do Mỹ đứng đầu. Đặc biệt, Nga xác định Việt Nam là cửa ngõ để tiếp cận các nước ASEAN nên đã nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam, nhằm tăng cường ảnh hưởng, tìm lại vị thế cường quốc không chỉ với Đông Nam Á mà cả khu vực châu Á - Thái Bình Dương và thế giới.

Với Mỹ, châu Á - Thái Bình Dương có vai trò hết sức quan trọng trong lợi ích chiến lược và an ninh của họ. Thực hiện chính sách “nước Mỹ trên hết”, chính quyền Tổng thống Donald Trump chuyển trọng tâm chiến lược về châu Á - Thái Bình Dương; đưa ra Chiến lược “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở”, với mục tiêu: duy trì sự lãnh đạo lâu dài tại khu vực và toàn cầu, cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc, Nga; thúc đẩy thương mại tự do, bình đẳng; duy trì không gian biển và bầu trời mở trong khu vực; giải quyết hiệu quả các thách thức an ninh phi truyền thống, v.v. Hiện nay, chính quyền Tổng thống Joe Biden vẫn tiếp nối chiến lược của người tiền nhiệm, nhưng chính sách mới khẳng định: thúc đẩy hợp tác chiến lược với các đồng minh, đối tác; tăng cường can dự cả về kinh tế, chính trị, an ninh; cạnh tranh chiến lược, bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không; bảo vệ lợi ích, an ninh của Mỹ và đồng minh, đối tác; giữ vị thế, ảnh hưởng của Mỹ, ngăn chặn, kiềm chế sự “trỗi dậy” của Trung Quốc.

Ngoài ra, một số cường quốc ở khu vực châu Á, châu Âu cũng thấy rõ tầm quan trọng của châu Á - Thái Bình Dương nên đã đưa ra chính sách, chiến lược đối với khu vực này, như: Ấn Độ có chính sách “Hành động hướng Đông”; Australia có chiến lược quốc phòng, trọng tâm nâng cao sức mạnh quân sự ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương; Pháp, Đức, Anh,... đưa ra chiến lược châu Á - Thái Bình Dương, v.v. Tuy mỗi nước có cách gọi, mức độ đánh giá, nội dung, biện pháp chiến lược và hành động khác nhau, nhưng họ đều có điểm chung là, tăng cường ảnh hưởng, thể hiện vai trò cường quốc, bảo đảm an ninh, lợi ích quốc gia khu vực; lôi kéo, hợp tác với đồng minh và đối tác, tạo sức mạnh cạnh tranh chiến lược với các “đối thủ”, nhằm đạt được mục tiêu chính trị, kinh tế.

Tác động đến quốc phòng, an ninh khu vực và Việt Nam

Thứ nhất, các cường quốc thế giới cạnh tranh quyết liệt nhằm nâng cao vị thế, gia tăng sự ảnh hưởng, hoạt động can dự, chi phối, tác động, buộc các nước vừa và nhỏ phải lệ thuộc vào chính sách, chiến lược của mình. Sự cạnh tranh chiến lược của một số quốc gia có nền kinh tế phát triển sẽ thúc đẩy hợp tác sâu rộng, mang lại môi trường, điều kiện thuận lợi cho Việt Nam trên nhiều lĩnh vực: phát triển kinh tế, củng cố quốc phòng, an ninh và là cơ hội để khẳng định vị thế trên trường quốc tế. Tuy nhiên, sự cạnh tranh này cũng dẫn đến nhiều bất lợi, tác động tiêu cực đến quốc phòng, an ninh của Việt Nam. Nếu chúng ta không kiểm soát tốt, sẽ dẫn đến nguy cơ mất tự chủ, phụ thuộc, thậm chí chệch hướng quá trình hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Vì vậy, chúng ta cần chủ động nghiên cứu, nắm chắc tình hình, dự báo chính xác chiến lược của các cường quốc, các đối tác chiến lược, làm cơ sở tham mưu, hoạch định chủ trương, chiến lược, đối sách, giải pháp, khâu đột phá phù hợp, khoa học, không để bị động, bất ngờ; giảm thiểu, ngăn chặn tác động tiêu cực; kiên quyết không để lệ thuộc vào nước ngoài; kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng, an ninh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.

Thứ hai, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ, đặc biệt là thành tựu cuộc Cách mạng công nghệ lần thứ Tư đang tạo nhiều cơ hội cho Việt Nam thực hiện chủ trương “đi tắt, đón đầu”, tiếp cận, ứng dụng vào phát triển kinh tế đất nước, hiện đại hóa Quân đội, tăng cường sức mạnh quốc phòng, an ninh, nâng cao khả năng phòng thủ đất nước. Tuy nhiên, Việt Nam cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức trong đấu tranh phòng, chống tội phạm công nghệ cao, tác chiến không gian mạng, v.v. Do vậy, chúng ta cần tăng cường hợp tác, phối hợp với các nước, các đối tác; thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp hạn chế, ngăn chặn tác động tiêu cực. Đồng thời, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học: công nghệ thông tin, kỹ thuật quân sự, nghệ thuật quân sự; phát triển công nghiệp quốc phòng theo hướng hiện đại và “lưỡng dụng”; tập trung nghiên cứu, sản xuất các loại vũ khí, trang bị hiện đại, công nghệ mới, ứng dụng trí tuệ nhân tạo; xây dựng nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân hiện đại.

Thứ ba, chính sách, chiến lược của một số cường quốc không chỉ chi phối, lôi kéo các nước trong khu vực, gây mâu thuẫn, chia rẽ các nước trong khối ASEAN, mà còn tác động đến quốc phòng, an ninh khu vực và Việt Nam. Vì vậy, các nước trong khối ASEAN cần tỉnh táo, cảnh giác trước chính sách, chiến lược của các cường quốc trong khu vực và thế giới, đặc biệt là mưu đồ của họ ở Biển Đông; từ đó, có chính sách, chiến lược hợp lý, giữ vững quan điểm, lập trường trên cơ sở Hiến chương ASEAN, luật pháp quốc tế; kiên trì giải quyết tranh chấp, bất đồng bằng biện pháp hòa bình. Đặc biệt là, tăng cường đoàn kết nội khối, tập trung xây dựng ASEAN vững mạnh, phát huy vai trò, trách nhiệm với cộng đồng, có chứng kiến, đấu tranh với những hành động coi thường, bỏ qua luật lệ quốc tế, tranh chấp, vi phạm chủ quyền lãnh thổ trên bộ, trên không, trên biển, đảo của một số cường quốc. Tuyệt đối không để các cường quốc khu vực, thế giới lợi dụng chi phối, dẫn đến lệ thuộc về chính trị, kinh tế, đối ngoại, làm phương hại đến lợi ích, an ninh của mỗi quốc gia và khu vực ASEAN. Đồng thời, nắm chắc tình hình mọi mặt, có chính sách thích hợp trong giải quyết các vấn đề liên quan đến quốc phòng, an ninh; tích cực đóng góp vào sự đoàn kết, chống chủ nghĩa cường quyền, áp đặt của một số cường quốc đối với khu vực, xây dựng cộng đồng ASEAN “hòa bình, ổn định, độc lập và tự chủ”.

Thứ tư, cục diện thế giới tiếp tục biến đổi theo xu hướng đa cực, đa trung tâm. Các cường quốc vừa hợp tác, thỏa hiệp để bảo vệ lợi ích, vị thế, ảnh hưởng của mình, vừa kiềm chế, ngăn chặn ảnh hưởng của “đối thủ” chiến lược trong khu vực và thế giới. Cho dù vậy, các cường quốc vẫn phải tuân thủ luật pháp, công ước quốc tế đã ký kết và tôn trọng độc lập, chủ quyền, lợi ích, thể chế chính trị của các nước; bởi, đây là mục tiêu, lợi ích, trách nhiệm, nguyện vọng chung của các nước và cộng đồng quốc tế, nhằm giảm thiểu thách thức, bảo đảm an ninh trong khu vực, thế giới. Điều đó, thuận lợi cho ta đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo theo đúng luật pháp, công ước quốc tế. Để thực hiện có hiệu quả, phải chủ động nắm, dự báo chính xác tình hình, dự kiến phương án, đối sách thích hợp; tránh đối đầu, bị cô lập, bị “kẹt” trước mưu đồ, toan tính chiến lược hay thỏa hiệp của các cường quốc; làm hạn chế yếu tố bất lợi và khai thác yếu tố có lợi, giải quyết tốt các vấn đề “đối tác, đối tượng”. Chủ động ngăn ngừa nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa; phát hiện sớm và xử lý kịp thời những yếu tố bất lợi, nhất là nguy cơ gây đột biến; đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch. Kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ Đảng, Nhà nước, Nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa.

Nghiên cứu, nắm chắc chính sách, chiến lược của một số cường quốc và sự tác động đa chiều tới quốc phòng, an ninh Việt Nam là tiền đề quan trọng để tham mưu với Đảng, Nhà nước hoạch định đường lối, chính sách quốc phòng, an ninh bảo vệ vững chắc Tổ quốc.

Trung tướng, PGS, TS. TRẦN VIỆT KHOA, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Quốc phòng

Theo Tạp chí Quốc phòng toàn dân