Tiết lộ của tờ New York Times hôm 1/6 đã "soi sáng" cơ chế hoạt động của loại siêu vũ khí bí mật mà Mỹ chỉ vừa thừa nhận thông qua các kênh không chính thức.
>>Chiến tranh mạng (kỳ 2): Sáng kiến từ cựu Tổng thống Bush
Để có thể kiểm soát hệ thống máy tính điều khiển các máy ly tâm tại nhà máy Natanz, chương trình có mật danh Olympic Games bắt nguồn từ thời cựu Tổng thống Goeorge W. Bush đã cài một đoạn mã được gọi là “kẻ mở đường” vào cơ sở này.
Cần phải mất vài tháng để đoạn mã mở đường hoàn thành công việc và báo cáo về đại bản doanh bản thiết kế điện tử của hệ thống máy tính kiểm soát các máy ly tâm nằm sâu dưới lòng đất của Iran.
Sau đó, Cục An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) và một đơn vị Israel bí mật được giới tình báo Mỹ nể trọng nhờ vào trình độ siêu việt về mạng đã bắt tay phát triển một con sâu máy tính vô cùng phức tạp vốn sẽ trở thành kẻ tấn công thực thụ.
Đại bản doanh của NSA. |
Sự cộng tác chặt chẽ bất thường với Israel bắt nguồn từ hai nhu cầu quan trọng. Đơn vị 8.200 thuộc quân đội Israel có kỹ thuật thuộc hạng "siêu" mà NSA phải kính nể và người Israel có các thông tin tình báo sâu rộng về hoạt động tại Natanz, mang tính sống còn với sự thành công của chương trình.
Tuy nhiên, các quan chức Mỹ còn có mối quan tâm khác là khuyên can Israel đừng tự mình thực hiện cuộc tấn công phủ đầu nhắm vào các cơ sở hạt nhân Iran, theo tiết lộ trích từ cuốn sách sắp xuất bản có tên Confront and Conceal: Obama’s Secret Wars and Surprising Use of American Power (tạm dịch: Đối đầu và che đậy: Những cuộc chiến bí mật của Obama và Năng lực sử dụng đáng kinh ngạc của sức mạnh Mỹ) sẽ phát hành vào ngày 5.6 này.
Để làm được điều này, Israel cần phải được thuyết phục rằng mô hình tấn công mới có hiệu quả. Cách duy nhất để thuyết phục họ, theo một vài quan chức, là để họ can dự sâu vào mọi khía cạnh của chương trình.
Không lâu sau khi cả hai nước đã phát triển con sâu phức tạp mà người Mỹ gọi là “con bọ”. Song con bọ cần phải được thử nghiệm. Vì thế, với sự bí mật cao độ, Mỹ bắt đầu sản xuất bản sao của máy ly tâm P-1 của Iran, một thiết kế cũ kỹ mà Tehran mua từ Abdul Qadeer Khan, người đứng đầu chương trình hạt nhân của Pakistan từng bán công nghệ chế tạo nhiên liệu hạt nhân ra “chợ đen”.
May cho Mỹ là họ đã sở hữu một số máy ly tâm P-1 nhờ vào lãnh đạo quá cố của Libya Muammar Gaddafi.
Khi đại tá Gaddafi từ bỏ chương trình hạt nhân vào năm 2003, ông đã giao các máy ly tâm mua từ đường dây hạt nhân Pakistan và họ đặt chúng tại phòng thí nghiệm vũ khí ở bang Tennessee.
Tổng thống Iran thị sát nhà máy Natanz vào tháng 4.2008 - Ảnh: Reuters |
Các quan chức tình báo và quân sự phụ trách chương trình Olympic Games đã mượn một số máy ly tâm nhằm sử dụng trong hoạt động được họ gọi là “thử nghiệm phá hủy”, về cơ bản nhằm chế tạo bản sao của các máy ly tâm. Song họ cũng tiến hành cái gọi là cuộc thử nghiệm tại vài phòng thí nghiệm quốc gia của Bộ Năng lượng để ngay cả những chuyên gia hạt nhân tin cẩn nhất cũng không thể lần ra mục đích của hoạt động này.
Olympic Games hoạt động như thế nào? 1. Các lập trình viên của NSA và quân đội Israel viết một chương trình gọi là “kẻ mở đường” có thể vẽ lại cơ chế hoạt động của nhà máy Natanz. 2. Chương trình được cài vào một máy tính điều khiển tại nhà máy, có khả năng nhờ lợi dụng sự vô ý một nhân viên tại nhà máy. 3. Chương trình thu thập thông tin về cấu hình của các máy tính tại nhà máy và truyền dữ liệu về các cơ quan tình báo. 4. Nhờ các dữ liệu, các lập trình viên viết ra một “con sâu” phức tạp nhằm phá hủy nhà máy. 5. Thông qua một số phương pháp, chương trình mới được cài vào các máy tính điều khiển tại nhà vốn vận hành hàng ngàn máy ly tâm. 6. Con sâu chiếm quyền điều khiển một số máy ly tâm và khiến chúng chạy quá nhanh hoặc quá chậm. Chúng trở nên mất cân bằng và trong một số trường hợp phát nổ. 7. Các biến thể mới của “con sâu” được tạo ra, mỗi con gây ra một loại hỏng hóc hơi khác nhau trong hoạt động của nhà máy. Một số trục trặc máy móc được giả giống kiểu thường xảy ra với các máy ly tâm. 8. Báo động bởi những gì xảy ra, người Iran thực hiện các biện pháp để bảo vệ nhà máy. Song các cuộc tấn công mới tiếp tục được trù tính. |
Sau một vài trục trặc lúc khởi đầu, chương trình đã hoạt động hiệu quả. Một ngày gần kết thúc nhiệm kỳ của Bush, các mảnh vỡ của một máy ly tâm được trải ra trên bàn họp trong phòng Tình huống.
Đó là bằng chứng về sức mạnh tiềm tàng của một vũ khí ảo. Con sâu được tuyên bố sẵn sàng thử nghiệm với mục tiêu thực thụ: nhà máy làm giàu uranium dưới lòng đất của Iran.
“Các cuộc tấn công mạng trước đây có tác động giới hạn với các máy tính khác. Đó là cuộc tấn công lớn đầu tiên, trong đó một cuộc tấn công ảo được sử dụng để gây ra sự hủy diệt vật chất. Mũi tên đã được bắn đi”, cựu giám đốc CIA Michael V.Hayden phát biểu.
Tuy nhiên, cài con sâu vào Natanz không phải là nhiệm vụ dễ dàng. Mỹ và Israel sẽ phải trông cậy vào các kỹ sư, nhân viên bảo trì và những người khác - cả các gián điệp và những tòng phạm vô tình khác - vốn có quyền tiếp cận nhà máy.
“Đó là chén thánh của chúng tôi. Hóa ra luôn có một kẻ ngốc quanh đó không quan tâm nhiều vào thẻ nhớ trong tay hắn”, một kiến trúc sư của kế hoạch nói.
Thực tế, các thẻ nhớ di động đóng vai trò quan trọng trong việc lan truyền những biến thể đầu tiên của con sâu máy tính. Sau đó, các phương pháp tinh vi hơn được phát triển để gài mã độc.
Cuộc tấn công đầu tiên khá nhỏ và khi các máy ly tâm bắt đầu quay với tốc độ ngoài tầm kiểm soát vào năm 2008, người Iran tỏ ra hoang mang về nguyên nhân, theo các cuộc nghe lén mà Mỹ thu được sau đó.
“Ý tưởng là người Iran sẽ quy trách nhiệm cho các bộ phận hoặc kỹ sư dỏm, hoặc sự kém cỏi”, một trong các kỹ sư của cuộc tấn công ban đầu nói với New York Times.
Người Iran bối rối một phần vì không có cuộc tấn công nào giống nhau hoàn toàn. Hơn nữa, đoạn mã sẽ ẩn nấp trong nhà máy trong hàng tuần, ghi lại các hoạt động bình thường; khi tấn công, nó sẽ gửi tín hiệu đến phòng điều hành của Natanz báo hiệu mọi chuyện ở tầng dưới đang diễn ra bình thường.
Sau đó, có tin đồn đến Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) rằng người Iran mất tin tưởng với các thiết bị của họ đến nỗi chỉ định nhân sự ngồi tại nhà máy và báo cáo bằng sóng radio những gì họ chứng kiến.
“Ý đồ là các hỏng hóc đó phải khiến họ cảm thấy họ ngớ ngẩn, điều này đã xảy ra”, một người tham gia các cuộc tấn công cho biết. Khi một ít máy ly tâm hỏng, người Iran sẽ đóng toàn bộ các cấu trúc liên kết 164 cỗ máy, tìm dấu hiệu phá hoại ở mọi nơi. “Họ đã phản ứng thái quá. Chúng tôi sớm phát hiện họ sa thải nhân sự”, một quan chức nói.
Hình ảnh mà các thanh sát viên hạt nhân thu được bằng camera tại Natanz đã thể hiện kết quả. Có một số bằng chứng về mảnh vỡ, song rõ ràng các máy ly tâm có vẻ như hoạt động tốt trước đây cũng được người Iran tháo gỡ.
Tuy nhiên, vào lúc đó, ông Bush rời Nhà Trắng.
Quá trình phá hủy quy mô chưa được hoàn tất. Trong cuộc họp với ông Barack Obama tại Nhà Trắng vài ngày trước lễ nhậm chức, ông Bush thúc giục người kế nhiệm hãy duy trì hai chương trình bí mật - Olympic Games và chương trình tấn công bằng máy bay không người lái tại Pakistan.
Và rồi, ông Obama đã thực hiện lời khuyên của người tiền nhiệm. (Còn tiếp)
(Theo TNO)