- Vì quá hiếm với giá lên tới tiền tỷ/kg nên đông trùng hạ thảo bị làm giả rất nhiều, đủ loại từ nặn bột đến siêu chiết tách.
Dễ bị làm giả
Không phải thần dược chữa bách bệnh song đông trùng hạ thảo (ĐTHT) vẫn được xếp vào nhóm thuốc quý.
Người tiêu dùng hiện nay như lạc vào giữa ma trận của loại thảo dược này khi trên thị trường xuất hiện vô vàn các dạng bào chế với đủ mức giá.
Thấp nhất 100 triệu đồng/kg, mức trung từ 400-800 triệu đồng/kg, riêng loại đặc biệt có giá từ 1,6-2 tỷ đồng/kg. Mỗi kg khoảng 2.000-2.200 con.
Cùng loại đông trùng nguyên con nhưng mức giá vô cùng chênh lệch |
Theo TS Phùng Tuấn Giang (nhà thuốc Thọ Xuân Đường, Hà Nội), vào tháng 5/2006, ông đã may mắn có dịp cùng người dân tại 2 vùng có chất lượng ĐTHT tốt nhất thế giới tại Thanh Hải, Tây Tạng, Trung Quốc thu hái loại thảo dược này.
"Việc thu hái cực kỳ khó khăn do tuyết phủ, núi cao. Sản lượng hạn chế nên khi đó, giá tôi mua tại nhà dân đã khoảng 1 tỷ đồng/kg sau khi đã phơi héo. Giờ giá còn cao hơn nữa, do càng ngày càng hiếm", TS Giang nói.
Theo TS Giang, vì quá hiếm nên ĐTHT bị làm giả rất nhiều. Hiện có loại đông trùng siêu chiết tách, chỉ còn mỗi xác, không còn giá trị. Chưa kể có loại làm giả bằng bột mỳ và nhiều loại bột khác nhau.
Do quá đắt và quá hiếm, mới đây các nhà khoa học trong nước và quốc tế đã nghiên cứu ra phương pháp cấy mô đông trùng trên các giá thể khác nhau, gần nhất là nhộng tằm.
TS Giang cho biết, một số nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Canada… và tại Việt Nam cũng đã thử nghiệm thành công, thu được ĐTHT ở cả dạng quả thể và sợi thể, cho vào nhiều sản phẩm thực phẩm chức năng, tuy nhiên chất lượng không thể sánh bằng ĐTHT thiên nhiên.
Một loại đông trùng hạ thảo được nuôi cấy nhân tạo |
“Quan trọng phải lấy được nguồn gene gốc, lấy được chủng gốc tại Thanh Hải, Tây Tạng, nếu không sản phẩm nuôi cấy chỉ thành một loại nấm thông thường”, TS Giang giải thích.
Thầy thuốc nhân dân Trần Văn Bản, Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam cũng thừa nhận trên thị trường hiện có ĐTHT tự nhiên và nuôi trồng nhân tạo.
"Giá trị chữa bệnh, hỗ trợ chữa bệnh của ĐTHT tự nhiên chiếm rõ rệt, nhưng rất hiếm, giá cả tỷ đồng/kg, trong khi giá tại Việt Nam có loại chỉ vài chục triệu đến 100 triệu... Theo tôi đó không thể là ĐTHT tự nhiên được", ông Bản nói.
Theo ông Bản, nếu không mua được đúng ĐTHT tự nhiên thật thì giá trị chữa bệnh không những không có mà còn tiền mất, tật mang.
Cách phân biệt
Theo ThS.BS Hoàng Khánh Toàn, Trưởng khoa Y học cổ truyền, Bệnh viện 108, ĐTHT vùng Tây Tạng đến nay vẫn được cho là tốt nhất. Các vùng khác, chất lượng không bằng do khác về địa chất, khí hậu, môi trường.
"Nhưng bảo làm sao phân biệt được đâu là ĐTHT Tây Tạng, đâu của của Hàn Quốc, Nhật Bản... thì cực kỳ khó vì người bán có thể mang từ những vùng khác đến Tây Tạng thì không thể nào biết được", BS Toàn chia sẻ.
Do đó, khi mua ĐTHT cần phải tìm hiểu nguồn gốc hết sức thận trọng, để không mua phải loại kém chất lượng, thậm chí có chứa những chất độc hại, kim loại nặng không lường hết được.
Đông trùng hạ thảo giả thường có màu sắc khác thường, chân, mắt không rõ ràng |
“Bằng mắt thường không phân biệt được, nhiều người nói hình dáng xù xì, mùi mốc mốc, cái đó không có cơ sở. Cái chính vẫn phải xác định những hoạt chất cơ bản trong đó mới khẳng định được chất lượng”, BS Toàn khẳng định.
Ông khuyên người tiêu dùng nên mua ở những cơ sở có tư cách pháp nhân, được phân phối chính hãng của các quốc gia. Ví dụ như tại Trung Quốc có những cửa hàng bán ĐTHT có dấu kiểm định của Trung y dược nước này.
Còn theo TS Phùng Tuấn Giang, để phân biệt đông trùng nguyên con thật giả, cần chú ý đến mắt trùng - bộ phận khó làm giả nhất.
“Chỉ cần nhúng con trùng vào nước ấm, vạch đầu ra thấy 2 mắt đen sì, nếu làm giả bằng bột sẽ không thấy”, TS Giang chia sẻ.
Ngoài ra, hình dạng con trùng phải khôn, giống con sâu. Khi làm giả, trông sẽ bị dại hoặc màu sắc bị biến đổi quá nhiều.
“Còn việc xem có bị chiết tách hết chất hay không cần phải uống thử. Nếu từng dùng quen sẽ phát hiện ra ngay. ĐTHT tự nhiên có mùi tanh rất đặc trưng, khi tẩm rượu, sao qua sẽ thấy mùi tanh bốc lên”, TS Giang nói.
Thúy Hạnh