Có lẽ, trong xã hội Việt Nam, một bộ phận ngày nay vẫn suy nghĩ về game thủ là nguồn gốc bắt đầu cho sự sinh trưởng những tiêu cực với gia đình, sức khỏe, công việc, đam mê và tình yêu.

Bài viết này không chứa đựng cái tôi ích kỷ để ngụy biện về cái sai mà game thủ đã gây ra, cũng chẳng đưa ra những sai trái để lấp che cái tốt mà game thủ đã đóng góp.

Cũng chỉ đơn giản, nói ra một điều, “Đã là game thủ, thì ai cũng ít nhất một lần trải qua nghịch cảnh và đau khổ khi tìm đến game online. Chứ không phải là cổ máy để in ra những hình ảnh xấu xí, tồi tệ trong ánh mắt của nhiều người tại Việt Nam".

Nghịch cảnh… đã tạo ra game thủ chăng?

Những ngày châu đầu cùng màn hình vi tính để hả hê những cảm xúc vị kỷ luôn làm ta khoái trá hẳn ra, để quên nhạt những suy nghĩ nặng đầu từ cuộc sống hiện thực tạo lập mỗi ngày.

Cảm giác lúc đó nhẹ tênh, quẳng gánh lo âu phía sau màn hình vi tính. Tư lự lắm! Khi đã là game thủ.

Ta từng nghĩ rằng, đời sao mà chán thế, đúng là bản chất cuộc đời, sao nó cứ đem đến cho ta những nghịch cảnh trớ trêu, cùng những khổ đau dai dẳng không tên khó mà diễn tả bằng ngôn ngữ nào cho siết. Ta cảm thấy mất an toàn, an tâm, rồi an phận trong cuộc sống ảo để tự do bộc tả suy nghĩ qua từng giai điệu hỷ, nộ, ái, ố của cảm xúc đậm chất game thủ, chẳng sợ ai, không lo ai làm hại ta nữa.

Ta xem cuộc đời hiện thực là nghịch cảnh, và ta coi thế giới online là thuận cảnh. Đúng không?

Ta chỉ muốn một mình, cùng những người bạn qua thế giới online sẻ chia những cảm xúc vô tư như những đứa trẻ ngây thơ đến ngổ ngáo, chẳng hình thức hay câu nệ thủ tục như ngoài đời.

Thời học sinh, sinh viên, nhân viên, đến khi ta vào viện dưỡng lão, chắc rằng, mỗi thời luôn để lại những trải nghiệm, kinh nghiệm, rồi chiêm nghiệm về cuộc đời ta. Rồi bất giác sờ mặt để ôn cố nó. Rồi ta câu mặt, hay nhoẻn miệng cười để thốt rằng, “Giá như cái thời đó, mình ráng vượt qua nghịch cảnh, thì giờ này chắc đã khác, chắc đã ngon lành, chắc đã sung sướng hơn nhiều…”

Nhưng với thời game thủ, thậm chí cho đó là “đời game thủ”, ta chẳng có gì để bịn rịn hay chạnh lòng rồi sạm lòng vào buổi chiều nào đó hồi tưởng về cái thời mình là game thủ. Bởi khi cân đo đếm lượng, thì giá trị ký ức lẫn kỷ niệm của cuộc sống hiện thực luôn sắc bén để khắc cốt ghi tâm so với đời sống ảo ảnh nhiều hơn, nhiêu lắm.

Chỉ có sự ngây thơ đến ngu khờ mới cho rằng, đời sống ảo ảnh luôn mang lại giá trị đích thực cho cuộc sống hiện thực vào thời hiện đại này. Và sự ngu khờ ấy được thể hiện qua những “game thủ” tự cho mình là game thủ, huyễn hoặc bản thân, sa đà tiêu cực, rồi để lại những vết nhơ khó bôi qua thời gian cho cộng đồng game thủ tại Việt Nam.

Đời rộng lớn cũng như biển cả, sóng to gió lớn cũng như nghịch cảnh, khi ta làm chủ được thì thấy đời vốn đẹp, cuộc sống vốn quý và đáng trân trọng. Khi không làm chủ được, thấy nó dữ tợn, ghê sợ, thậm chí thực dụng chẳng tý sến súa nào cả, như ngập ngụa trong bãi tha ma nào đó mà chỉ muốn biến mất ngay lập tức.

Nhưng khi đã trải qua một chặng đường đời nhất định. Chơt nhận ra bản chất cuộc đời vốn không như ta nghĩ trước kia. Nó khách quan, và công bằng. Chính ta tự phân định nó, cảm nhận nó đi ngược với những gì ta mong muốn, rồi ta cảm thấy nó bất công, chủ quan, và chính xác là nghịch cảnh làm ta khó chịu và cay cú.

Đau khổ... đã tạo ra game thủ chăng?

Tình yêu

Có những người may mắn, cuộc đời họ chỉ yêu một người duy nhất, tình đầu cũng như tình cuồi, kết thúc bằng đám cưới trong sự mừng vui của hai gia đình.

Có những người may mắn hơn, họ được yêu nhiều lần, được thất bại rồi đứng dậy để trải nghiệm tình yêu mới, thậm chí có người nghiện sự đau khổ trong tình yêu. Chỉ đơn giản, như vậy mới thú vị từ tình yêu trong cuộc sống chứ.

Nhưng, số còn lại sợ yêu lần nữa lắm, thà cô đơn trọn kiếp, sợ lắm cảm giác thoáng chốc hạnh phúc rồi tiu nghỉu chẳng hiểu vì sao họ lại biến mất. Nên họ tìm đến game như một nhu cầu thiết yếu để kiến thiết những hạnh phúc riêng cho mình, chẳng mất tích như người ấy, không biến mất như người kia, tự do và an toàn.

Gia đình

Có những người may mắn, có cha là lý trí, có mẹ là tình cảm, có gia đình để cảm nhận không khí yêu thương, lắng nghe, sẻ chia tràn ngập 24/24.

Có những người may mắn hơn, họ vừa có gia đình nhỏ bé của riêng mình, vừa còn cha còn mẹ. Họ dẹp đi tự ái, cái tôi, để nhường lại cho 2 từ - trách nhiệm, và câu hiếu đạo.

 

Nhưng, số còn lại buồn phiền đến phiền não chẳng biết tỏ tường bằng thứ ngôn ngữ nào cho nhẹ lòng, vơi sầu. Đắng lòng vì cái gia đình mình không như người ta, hay ta đã vô tình hủy hoại gia đình vì lý do nào đó. Rồi họ tìm đến game để biến mình thành một con người khác, giả tạo hoặc tạo ra những cảm xúc tưởng tượng cho rằng mình đang có một gia đình hạnh phúc ngoài kia, để cho tất cả trong thế giới ảo thấy rằng họ là những game thủ hạnh phúc nhất.

Và cũng vì thế, nghịch cảnh hay đau khổ… đã tạo ra game thủ chăng? Vậy game có lỗi gì? Hay chăng là do ta, do một số người đã lạm dụng game rồi đổ lỗi cho nghịch cảnh hay đau khổ, và họ bảo rằng: “Nghịch cảnh và đau khổ cuộc đời đã đưa đẩy rồi lòng ghép tôi vào 2 từ game thủ trong thế giới ảo. Rồi tui đã trở thành con nghiện game, và game đã tạo nghịch cảnh đem lại đau khổ cho tôi, các bạn ạ! Hãy thực tế mới là hạnh phúc”. 

Game cũng như ngôn ngữ, nó không xấu cũng chẳng sai, chỉ tạo ra để giải trí. Đúng sai, xấu tốt tùy vào người đã lập, người đã chơi và người sẽ chọn. Cuộc đời cũng vậy, nó vốn là khách quan và công bằng, tự nhiên và nguyên sinh. Chỉ nơi ta, lòng ta, suy nghĩ ta, luôn phân định lằn ranh và nhận định rành rọt về điều gì đó khiến ta chơi với lửng lơ, héo hon lả chá, đem lại cảm giác bất an khiến ta đau khổ rồi la to nội tâm cho là nghịch cảnh.

Chỉ có ta tạo ra, tiếp tục hay dừng lại.

Theo gamek